Cảnh giác:

Mất 14 tỷ đồng khi nghe cuộc gọi giả danh

Thứ Tư, 26/07/2023 17:38  | Gia Minh

|

(CATP) Đối tượng dùng phần mềm gọi điện thoại Internet giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án thông báo bị hại có nợ xấu ở ngân hàng, liên quan đường dây mua bán ma túy, rửa tiền nên sắp bị cơ quan chức năng khởi tố và giam giữ. Sau khi đe dọa, đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản bằng cách chuyển 14 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng được chỉ định sẵn rồi chiếm đoạt.

Ông N.V.T (SN 1979, ngụ thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đến cơ quan Công an trình báo về việc bị một đối tượng xưng là cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo, vào đầu tháng 7/2023, qua điện thoại, một người giới thiệu là nhân viên Ngân hàng A.C ( nơi ông T. mở tài khoản gửi tiền), nói ông xài thẻ tín dụng mua sắm hàng hóa tại một cửa hàng và đang nợ số tiền 50 triệu đồng, cộng với 8 triệu tiền lãi phát sinh nên tài khoản ngân hàng của ông sẽ bị phong tỏa nếu không trả nợ. Ông T. trả lời không có việc đi mua sắm và cà thẻ ở đâu, hơn nữa ông cũng không sử dụng thẻ tín dụng nào của Ngân hàng A.C thì người này nói ông T. gặp cán bộ công an đang đến làm việc với ngân hàng rồi cúp máy.

Sau đó ít giây, một người đàn ông gọi điện đến ông T. xưng là cán bộ điều tra thuộc của Công an Hà Nội, thông báo ông T. có liên quan đến một đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia và can tội rửa tiền bằng cách "mua hàng trốn thuế". Mặc cho ông T. thanh minh, người này nói: "Chúng tôi đang giám sát ông, nếu ông không hợp tác sẽ có lệnh bắt tạm giam ông để điều tra, kèm theo lệnh phong tỏa tài sản!". Để chứng minh, người này gửi qua Zalo của ông T. "quyết định bắt tạm giam ông để điều tra" và yêu cầu ông ngày mai phải có mặt ở trụ sở công an số... để trình diện và lấy lời khai.

Sau khi nghe ông T. phân bua nhà xa, chưa kịp chuẩn bị thì người này đưa ra giải pháp là yêu cầu ông mua điện thoại và sim mới rồi dùng sim này mở một tài khoản ở ngân hàng X. để nạp tiền vào rồi tải app của ngân hàng đó lên điện thoại... "Làm xong thì cung cấp thông tin tài khoản, số điện thoại, mật khẩu, mã OTP cho tôi để tôi tiến hành điều tra xác minh ông vô tội". Người này còn dặn ông T. phải tuyệt đối giữ bí mật, không được nói cho bất kỳ ai biết, nếu rò rỉ thông tin sẽ đi tù.

Ông T. thực hiện theo lời hướng dẫn của "cán bộ điều tra", chuyển 14 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng X. đồng thời báo thông tin về số điện thoại, số tài khoản, mã OTP... cho "cán bộ điều tra". Sau đó, người này hướng dẫn ông T. xóa app ngân hàng trên điện thoại và nói với ông: "số tiền này cơ quan điều tra sẽ phong tỏa để xác minh, khi xác định ông không liên quan đến băng nhóm tội phạm tôi sẽ yêu cầu ngân hàng làm thủ tục mở phong tỏa trả lại tiền cho ông lập tức". Chờ một thời gian không thấy ai điện thoại cho mình để lấy lại tiền nên ông T. gọi điện thoại cho vị "cán bộ điều tra" thì số máy ò í e không liên lạc được, ông hoảng hốt đến ngân hàng thì số tiền trong tài khoản đã bốc hơi. Đến lúc này ông T. biết mình bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo.

Hình ảnh tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao

Theo cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước thì đây là thủ đoạn giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, cơ quan công an gọi điện thoại cho người dân hù dọa có liên quan đến các vụ án đang điều tra, đường dây buôn bán ma túy, nợ các ngân hàng, rửa tiền... đẩy bị hại rơi vào trạng thái tinh thần sợ hãi, hoảng loạn rồi buộc bị hại chuyển toàn bộ số tiền đang gửi ngân hàng vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng chỉ định với lý do "phục vụ công tác điều tra" hay "chứng minh tài khoản ngân hàng trong sạch"... Thủ đoạn này tuy không mới, nhưng đến nay vẫn có nạn nhân bị "sập bẫy".

Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo còn tạo lập trang web giả danh Báo điện tử Công an nhân dân, Công an thành phố... yêu cầu bị hại truy cập vào trang web này và tải về ứng dụng mang logo "Bộ Công an". Đây là đường line giả mạo có chức năng thu thập thông tin, mã OTP tài khoản ngân hàng. Thông qua ứng dụng này, các đối tượng chiếm quyền truy cập tài khoản Internet Banking của bị hại và thực hiện chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, cơ quan điều tra đề nghị người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Đặc biệt, người dân không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập gửi cho người dân đến làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan công an;, không gọi điện thoại thông báo làm việc hay trình diện qua điện thoại.

Thông tin tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xin gửi đến Tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM, email: baocongantphcm@congan.com.vn và ghi rõ cộng tác với chuyên mục "Cảnh giác".

Bình luận (0)

Lên đầu trang