Giả danh nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tài sản

Thứ Ba, 11/07/2023 09:22  | Văn Tình

|

(CATP) Ngày 10/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đang tìm bị hại liên quan đến vụ án giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng của hàng trăm khách hàng. \

Trước đó, ngày 17/3, Cơ quan CSĐT Công an H.Lộc Hà đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Quốc Bảo (SN 1992, trú xã Long Xá, H.Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), Phạm Minh Quỳnh (SN 1995, trú xã Quảng Phú, H.Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Phạm Ngọc Phong (SN 1992, trú Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) và Cấn Minh Phương (SN 1993, trú xã Hạ Bằng, H.Thạch Thất, Hà Nội) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo hồ sơ, trong thời gian dài, nhóm đối tượng trên đã sử dụng điện thoại hoặc tài khoản Zalo gọi điện, nhắn tin giả danh nhân viên Ngân hàng V. và gửi đường link trang web giả mạo lừa nâng hạn mức thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền. Công an H.Lộc Hà phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Bộ Công an xác lập chuyên án đấu tranh làm rõ. Sau khi củng cố đầy đủ chứng cứ, Công an H.Lộc Hà cùng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Bộ Công an thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp 11 đối tượng, gồm: Bảo, Phong, Quỳnh, Phương và 7 đối tượng khác (trú các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa).

Khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ 2 ôtô, 2 máy tính bàn, 1 máy tính bảng, 24 điện thoại di động cảm ứng, 7 điện thoại Nokia (là thiết bị dùng để gọi điện lừa đảo), 200 triệu đồng và nhiều tang vật liên quan. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình. Bảo khai vào tháng 9/2022 có quen một đối tượng trên mạng xã hội và được "dạy" cách giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo nâng hạn mức thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản. Sau đó, đối tượng này còn giới thiệu Phương hỗ trợ Bảo trong quá trình "hành nghề".

Quỳnh, Bảo, Phong và Phương

Tiếp đến, Bảo rủ Phong tìm người lập trình trang web giả mạo Ngân hàng V. Phong tìm hiểu và biết Quỳnh là lập trình viên tự do nên yêu cầu lập trình trang web giả mạo Ngân hàng V. Khoảng tháng 10/2022, Quỳnh lập trình xong code trang wed và bán cho Phong với giá 10 triệu đồng. Sau đó, Quỳnh hướng dẫn cách quản lý, sử dụng cho Phong. Chuẩn bị xong mọi việc, Bảo thuê một ngôi nhà ở Hà Nội để làm căn cứ hoạt động và giao nhiệm vụ cho Phương thuê người rồi đào tạo cách gọi điện thoại giả danh nhân viên ngân hàng. Các đối tượng sử dụng các số tổng đài như 02468833259; 02877786689; 02462913258... để liên hệ với các bị hại theo kịch bản do Bảo chuẩn bị sẵn.

Ngoài ra, Bảo còn mua thông tin cá nhân của khách hàng sử dụng thẻ tín dụng Ngân hàng V. trên mạng xã hội và cung cấp cho đồng bọn gọi điện theo danh sách này. Các đối tượng gọi điện cho bị hại giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng của Ngân hàng V. để họ đồng ý việc nâng hạn mức và cung cấp thông tin cá nhân rồi gửi cho Bảo. Sau đó, Bảo sử dụng các tài khoản Zalo "ảo" kết bạn với người bị hại giới thiệu là nhân viên Ngân hàng V. gửi các đường link giả mạo: https://thetindung-vpb-online.com; https://cardsvpb.com/ (là các đường link có giao diện giả mạo trang web của Ngân hàng V.) và hướng dẫn người bị hại nhập các thông tin cá nhân, số thẻ tín dụng và các mặt của CMND/CCCD.

Tang vật vụ án

Nhiều bị hại không biết đây là những trang web lừa đảo, đã nhập thông tin theo hướng dẫn nên các thông tin sẽ tự động gửi về Bot Telegram có tên là "Tiền về" được đấu nối tự động qua API với trang web do Phạm Ngọc Phong quản lý. Tiếp đến, Phong đặt hàng mua thẻ game, điện thoại di động... trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như TiKi, TopZone... Để thực hiện giao dịch, Ngân hàng V. sẽ tự động gửi mã OTP giao dịch về số điện thoại của người bị hại. Bảo sẽ tiếp tục sử dụng tài khoản Zalo "ảo" để yêu cầu bị hại nhập mã OTP vào trên trang web giả mạo để hoàn thành việc chiếm đoạt tiền trong thẻ. Bảo sẽ chặn tài khoản Zalo và cắt liên lạc với người bị hại. Phong bán thẻ game và các mặt hàng khác được mua bằng tài khoản của bị hại cho những đối tượng khác để lấy tiền mặt.

Quá trình điều tra, Công an H.Lộc Hà xác định, với thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa đảo gần 700 vụ, chiếm đoạt tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngày 05/6, Công an H.Lộc Hà đã chuyển vụ án lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Để mở rộng đấu tranh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh thông báo những ai là bị hại hãy đến số 268 đường Nguyễn Huy Tự (phường Nguyễn Du, TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) để cung cấp thông tin, hoặc gặp điều tra viên Phạm Văn An, ĐT: 0978416009 để được giải quyết theo quy định pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang