Theo ông H., một tài xế có hơn 20 năm kinh nghiệm lái xe tải, vỏ xe cũ độ bám đường không còn tốt, nhất là khi trời mưa trơn trượt. Xe có khả năng bị chệch hướng trong quá trình điều khiển, nhất là lúc bo cua sẽ không còn đi sát và chuẩn, nguy hiểm hơn là xe sẽ bị quăng, sàng rất dễ xảy ra tai nạn.
Chiếc container nổ lốp tông vào dải phân cách trên Quốc lộ 22
Đổi mới lấy cũ “ăn chênh lệch”
Để chúng tôi hiểu thêm về chuyện đổi vỏ, ông H. chở đến tiệm chuyên vá vỏ nằm trong khuôn viên trạm xăng trên Quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Bến Lức, Long An). Hàng trăm vỏ ô tô từ xe 4 chỗ đến xe tải hạng nặng nằm la liệt.
Đống vỏ xe đã qua sử dụng tại một tiệm chuyên đổi vỏ xe cũ
Ông H. hỏi người đàn ông trung niên muốn đổi cặp vỏ 700 (mã số vỏ 700 – PV). Thấy nghi ngờ, người đàn ông vẫn im lặng và xua tay. Hiểu được tâm lý người lạ đi đổi vỏ, ông H. gọi ly cà phê ngồi tán chuyện.
Vài phút sau, người này chủ động bắt chuyện: “Vỏ 700 hai cái là 800 ngàn đồng chịu không?. Vỏ 700 khách ít chuộng, khó đẩy đi lắm, không thu cao được, nếu vỏ 825 thì dễ hơn. Cái này tui cũng không lời nhiều, coi như mình làm ăn lần đầu làm quen”.
Để khách hàng mục sở thị cặp vỏ sắp được thay, người đàn ông chỉ tay vào đóng vỏ xe đang nằm phơi ngoài nắng. Theo quan sát, vỏ vẫn còn rãnh gai, chưa có dấu vá nhưng bên hông có dấu hiệu bị phù.
Thấy khách hàng chần chừ chê vỏ bị lỗi, người đàn ông nói thẳng: “Toàn là hàng ngon, do mấy ông xe tải đang chạy đẩy ra đổi vỏ lớn khắc số lại để chở hàng cho đầm, yên tâm mà dùng không nổ sảng đâu. Hàng đã qua sử dụng vậy là đẹp rồi, có tỳ vẫn còn chạy tốt chán huống gì có mỗi cái dấu phù này, chú lo xa. Không đổi thì thôi!”.
Sau khi kiểm tra vỏ xe của H., người đàn ông này ra giá 800 ngàn đồng.
Vẫn câu chuyện đổi vỏ, chúng tôi được thanh niên tên Q., chủ tiệm vá vỏ ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) làm nghề hơn chục năm tiếp chuyện. Ông Q. cho biết, nhìn là biết vỏ mấy ông mới “lăn sương” (chạy dưới 1000 km – PV), vỏ này xe hạ tải chỉ có 12 lớp thôi, bình thường vỏ 14 lớp.
“Đổi là tui lỗ, nhưng mấy anh chạy công ty, mình đổi làm quen 700 ngàn đồng/cặp bánh sau. Xưa giá vỏ còn cao vì mấy ông quá tải nhỏ hay xe khách chuẩn bị đăng kiểm vô mua thì bán được. Chứ giờ chủ yếu mua ngâm hàng chờ đến gần tết mới đẩy được. Giá đó, Đồng ý không?”, ông Q., chốt giá.
Sau một lúc dò hỏi, biết H. chạy xe cho công ty có nguồn vỏ cũ 700, 750, 825 nên ông Q. giới thiệu mình sẽ thu hết, “vỏ mòn hết gai, nứt ngoài miễn sao không có tỳ, vết thì báo. Hàng còn đẹp tui mua 200 ngàn đồng/cái trở lên. Tui nhiều “đài” ra lắm như đem đổi vỏ cho bãi, cửa hàng bán xe cũ, vỏ nào mòn quá thì cắt gai ra chạy gai mới bán cho mấy ông máy cày. Thằng nào thích nhiều tiền thì tui lấy vỏ mới đổi vỏ ép gai để mấy ổng ăn chênh lệch cho cao. Có hàng đem ra đi, anh em gửi tiền cà phê cho”, ông Q. mời chào.
Khi ông H. không chịu đổi cặp vỏ với giá 700 ngàn đồng, chạy một đoạn thì ông Q. gọi điện cho biết có thể đổi với giá 1,5 triệu đồng để làm quen, lấy mối làm ăn lâu dài.
Đắp lốp vẫn đảm bảo an toàn
|
Trao đổi với báo Công an TP.HCM, ông Trần Hồng Ninh, Tổng Giám đốc Bệnh viện Ô tô Việt Nam cho biết:
Việc vỏ xe không đảm bảo, gây nguy hiểm trong thời gian qua do sự chủ quan của các bác tài. Đa phần những người khắc vỏ xe làm ước chừng theo cảm tính, kinh nghiệm chứ không theo khuôn khổ của cơ quan chức năng quy định.
Vấn đề đó không còn nằm ở mặt kỹ thuật mà nó là nhận thức của người điều khiển, họ cho rằng điều này không cần thiết. Bên cạnh đó, chiếc xe không phải của họ mà là của đội xe, việc thay vỏ xe định kỳ phụ thuộc vào chủ xe quy định. Có nơi sẽ kiểm tra lốp sau 3 tháng sử dụng , nếu thấy không đạt họ sẽ thay vỏ mới.
|
Một chiếc xe tải sử dụng vỏ "trọc đầu"
Theo bà Phạm Thị Thủy Tiên, Phó phòng kế hoạch và tiếp thị Bridgestone, trừ những đội xe lớn chú trọng đến vấn đề an toàn, thì đa phần các bác tài các đội xe nhỏ lẻ từ 2-5 chiếc thường có xu hướng chạy đến khi lốp nổ banh ta-lông mới thay. Họ không quan tâm đến việc kiểm tra, bảo quản vỏ xe.
Người đàn ông đang khắc gai một vỏ xe cũ
Chính vì vậy, 3 năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do nổ lốp xe liên quan đến xe buýt và xe tải diễn ra khá nhiều. Khi sử dụng lốp quá mòn trong trời nắng, tốc độ càng cao dẫn đến độ ma sát càng lớn; chưa kể khi di chuyển trên đường xấu có những gờ giảm tốc hoặc đá nhọn cũng dễ nổ lốp. Hiện tại Bridgestone là đơn vị có nhà máy dán lốp duy nhất tại Việt Nam từ năm 2010. Tai đây sẽ thu mua lại khung lốp còn tốt, có thể còn gai hoặc mòn hết gai nhưng khung phải chắc chắn.
“Việc tư vấn cho các bác tài không nên sử dụng lốp xe đến mức quá mòn là điều cần thiết. Họ có thể sử dụng đến mức gai chuẩn, mang vỏ đến công ty sẽ được đắp lại mặt gai mới với những thiết bị máy móc hiện đại, đảm bảo độ bền, an toàn tương đương với lốp mới là 80.000km nhưng và chi phí chỉ tầm 40% so với lốp mới”, bà Thủy Tiên nói.