Mất tích bí ẩn 14 ngày của ông cán bộ giữ rừng :

Kỳ 1: Làm Robinson bất đắc dĩ do bị chuốc bùa?

Thứ Sáu, 27/11/2015 23:28  | Ngọc Hà

|

(CAO) Ngày 13-11-2015, tại xã Rô Men, huyện Đam Rông – Lâm Đồng, chúng tôi đã gặp lại ông Dương Đức Công (SN 1950), nguyên cán bộ trạm bảo vệ quản lý rừng (BVQLR) Liêng-sơ-rôn, huyện Đam Rông - người mà 9 năm trước bị lạc trong rừng sâu, đúng 14 ngày sau mới được tìm thấy.

Vụ mất tích của ông đầy sự bí ẩn, ly kỳ (Năm 2006, báo CATP đã đăng bài 14 ngày chơi vơi trong rừng thẳm).

Nay gặp lại chúng tôi, ông cho biết, bao năm nay, ông có điều nghi vấn, băn khoăn về chuyện có hay không việc ông bị bỏ “bùa mê thuốc lú”, “ma lai”… kể từ lúc ông mặc phải một chiếc áo đen trong một lán trại săn bẫy thú  trong rừng, dẫn đến việc hàng trăm người tìm ông không thấy mà ông cũng không cách nào tìm được lối ra…

Mất tích bí ẩn

9 năm trước, ngày 14-9-2006, tại trung tâm y tế huyện Lâm Hà, rất đông bệnh nhân, người dân tò mò, xôn xao về việc bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt.

Ông là Dương Đức Công – nhân viên ban QLBVR huyện Đam Rông vừa được tìm thấy sau đúng 14 ngày bị lạc trong rừng sâu, trong một lần ông cùng hai đồng đội vào rừng tuần tra.

Ông Công được đưa đến cấp cứu trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, gương mặt thất thần, hốc hác; áo quần, chân tay nát bươm, rướm máu. Ông phải chịu bao nhiêu gian nan, khổ cực, một mình chống chọi với nỗi sợ hãi, thiếu thốn giữa rừng sâu, quyết sống sót trở về.

Nhận tin báo từ đồng chí trưởng Công an huyện Đam Rông, chúng tôi vội vã từ TP.Đà Lạt, vượt trên 50 km xuống trung tâm y tế Lâm Hà để được gặp nhân vật đặc biệt trong thời khắc khó quên này.

Đam Rông khi đó là huyện vừa mới tách từ 2 huyện khác của tỉnh Lâm Đồng nên điều kiện mọi mặt còn khó khăn, trường hợp bệnh nhân nghiêm trọng đều được nhanh chóng đưa ra trung tâm y tế huyện Lâm Hà (cách 50km) để kịp thời cứu chữa.

Kỳ lạ, chỉ sau một ngày, nhờ sự chăm sóc tận tình của đội ngũ bác sĩ, y tá… bệnh viện, đặc biệt là sự túc trực của vợ, con ông, đồng đội và người thân, sắc diện của ông Công thay đổi rất khá. Tuy vậy, khuôn mặt vẫn đầy vẻ thất thần, sợ hãi.

Ông Dương Đức Công hiện tại - Ảnh: Ngọc Hà

Ông vốn rất phong độ, cao 1,74m, nặng 77 kg, ở trong rừng 14 ngày, ông sút mất 22kg. Vợ ông, bà Đinh Thị Thanh Hà (SN 1952), nét mặt đôn hậu cùng chị con gái út là cô giáo, vui vẻ tiếp chuyện với chúng tôi. Họ kể cho chúng tôi nghe nỗi mừng vui, hạnh phúc khi biết ông còn sống, trở về với gia đình.

Qua câu chuyện với một số người tham gia công tác tuần tra cùng ông Công, những người tìm kiếm ông và “nhân vật chính”, câu chuyện bị lạc trong rừng suốt gần nửa tháng trời của ông cán bộ đi tuần tra rừng gặp phải đầy ly kỳ, huyền bí.

8 giờ sáng ngày 1-9-2006, như thường lệ, ông Công cùng hai cán bộ kiểm lâm là Quốc Thịnh (SN 1973) và Đình Thế (SN 1982) vào các tiểu khu 201, 202 tuần tra.

Thời gian đó, tình trạng lâm tặc mò vào rừng, xẻ lấy gỗ lậu rộ lên, đặc biệt là gỗ sao (gỗ quý hiếm nhóm 2). Hai anh Thịnh và Thế chở nhau trên một chiếc xe máy đi trước, ông Công một mình chạy xe máy phía sau. Cả 3 hẹn nhau đến khu vực có nhiều gỗ sao xem có bị lâm tặc “viếng thăm” không.

Họ để xe máy ngoài bìa rừng, đi bộ vào sâu khoảng 1 cây số, rồi lội qua con suối. Sức trẻ, hai anh Thịnh và Thế ào ào đi trước, ông Công cẩn thận lội qua con suối cạn đi sau. Tới một địa điểm quen thuộc ở cửa rừng, họ chia tay nhau. Họ thường tuần tra như thế, ba người chia 3 ngả, sau đó cuối buổi cùng về, hẹn tập trung tại địa điểm, chỗ cất giấu xe máy.

11 giờ, hai anh Thịnh và Thế ra khỏi rừng, đến chỗ lấy xe. Chờ một lúc không thấy ông Công đâu, cả hai bắc loa tay lên gọi vang khắp núi rừng nhưng không có tiếng đáp lại. Thêm gần cả tiếng nữa trôi qua, nhiều lần gọi vẫn không nghe tiếng ông Công trả lời. Nghi có chuyện chẳng lành vì bình thường họ đã gặp nhau. Cả 3 thường giao hẹn cố gắng trở ra đúng giờ, tránh để những người còn lại lo lắng.

Hai anh Thịnh, Thế vội vã trở vào rừng tìm,họ sững sờ khi thấy đôi giày của ông Công giấu trong một hốc đá, bên kia suối(!). Nghĩ rằng ông Công có thể đã bị nước cuốn trôi, các anh vội vã đi dọc con suối một đoạn để kiếm tìm, nhưng không phát hiện được gì. Họ đều nghĩ không thể có chuyện ông Công đi lạc vì khu rừng quá quen thuộc với các cán bộ trạm kiểm lâm này rồi.

Riêng ông Công đã công tác trong ngành 14 năm (từ năm 1992), trừ khi ông đi quá sâu vào cánh rừng nguyên sinh trước mặt. Có lẽ nào giữa trưa thanh vắng thế này, mà ông không nghe thấy tiếng gọi của họ. Sự mất tích của ông Công khiến hai anh Thịnh, Thế vô cùng lo lắng. Họ vội chạy về trạm báo cho lãnh đạo tổ chức lực lượng chia nhau các ngả đi tìm.

Ở căn nhà dựng tạm gần đơn vị ông Công công tác, vợ ông – bà Hà cũng chờ chồng đến 11 giờ. Mâm cơm bà đã dọn sẵn chờ chồng cùng về ăn, nhưng chờ mãi không thấy ông về. Nghĩ rằng chắc chồng sốt ruột về tình trạng rừng bị phá nên cùng anh em đi tuần tra lâu hơn, bà vừa tranh thủ bán hàng tạp hóa, vừa trông ngóng ông về.

14 giờ, bà nhận được điện thoại từ lãnh đạo trạm QLBVR báo ông Công bị mất tích. Lãnh đạo trạm an ủi bà rằng, có thể ông đã vào quá sâu trong rừng, không nhớ đường ra và bị lạc, mọi người đang tích cực tìm kiếm ông. Trời ngày càng về chiều, bà Hà lo lắng và hoảng sợ, thương chồng đến bật khóc.

Cận cảnh khu rừng ông Công đi lạc - Ảnh: Ngọc Hà

Vụ việc cũng được báo công an huyện Đam Rông, ban chỉ huy quân sự huyện. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Đam Rông, huy động đến 200 người thuộc các lực lượng công an, bộ đội, cán bộ 2 cấp chính quyền và người dân vào rừng tìm ông Công.

Họ chia nhau đi khắp ngả, quần thảo khắp rừng tìm, gọi. Nhiều người liên tục bắc loa tay lên miệng gọi to “bác Công ơi…!” vang khắp núi rừng, nhưng không có tiếng đáp lại.

Ông Công có ba người con – 1 trai 2 gái, đều đã trưởng thành. Nghe tin bố mất tích, anh Minh – con trai ông lúc đó đang công tác trong ngành điện lực ở Gia Lai tìm thuê 4 con chó săn lực lưỡng, vội vã trở về, cùng em rể, em gái tích cực tham gia việc tìm kiếm. Họ còn nhờ chính quyền địa phương tác động, mượn thêm cả đàn chó săn của bản người Dao sinh sống gần đó vào rừng tìm.

Một bản người Mông đến mấy chục người sinh sống gần đó được xem là những người giỏi đi rừng, “thuộc” đường rừng cũng tham gia vào việc tìm kiếm nhưng đều không có kết quả. Những chú chó săn cũng đành bất lực trước nỗi thất vọng của người thân ông Công.

Có mấy lần đàn chó sủa nên inh ỏi khiến những người theo chúng cũng ú tim, nhưng chúng cũng không thể “mách” cho mọi người biết ông Công đang ở chỗ nào, khiến cuộc tìm kiếm ngày càng vô vọng. Tệ hại nhất là chẳng hề tìm thấy vết tích nào về ông cả.

Nhiều người nghĩ đến chuyện ông Công bị kẻ xấu sát hại. Đâu ai biết rằng, ở trong rừng sâu, ông Công cũng khóc suốt 4 ngày ròng rã. Ông khóc không phải vì sợ hãi, cô đơn, mà vì một nỗi ấm ức, không cam chịu việc phải bỏ mạng trong rừng, chết mất xác không ai biết.

Ông Công khẳng định, ông bị lạc trong rừng, bởi dù có đi rừng nhiều nhưng cũng không ai dám nói hay. Chỉ cần đi lệch hướng 15, 20m sang ngang hoặc hướng đi lên, đi xuống trong rừng rậm là rất dễ mất phương hướng.

Theo lời ông kể, buổi sáng ấy, ông vào tiểu khu 202B. Đến khu vực có nhiều cây sao, sau 1 hồi kiểm tra, không phát hiện vấn đề gì, ông ra về. Nhưng không thể tìm được lối ra bờ suối, càng đi càng lạc. Bản năng sinh tồn, nhiều lần ông đưa tay lên miệng làm loa gọi: “Thế ơi…! Thịnh ơi....! Các cháu ở đâu? Cứu chú với…”, “Bà con ơi, cứu tôi tôi với!”, nhưng chỉ nghe tiếng núi rừng vọng lại.

Rất nhiều lần, ông cố định hướng tìm lối ra, nhưng không biết phải đi theo đường nào. Chiếc đồng hồ trên tay ông nhích dần từng phút. 11 giờ 30, giữa trưa rồi sang chiều…. ông Công kêu khản cả cổ. Đáp lại chỉ có tiếng gió rừng thổi ào ào, tiếng muông thú chuyền cành rộn rã. Ông bất lực, chỉ biết trông chờ vận may…

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang