“Bẫy” lao động trẻ em

Kỳ 2: Tuổi thơ bị đánh cắp

Thứ Năm, 11/06/2015 07:01  | Hồng Quang

|

(CAO) Ngày làm việc 12 tiếng đồng hồ, lương 8 trăm ngàn/tháng. Các em bị chủ lao động bóc lột phải làm việc quần quật suốt cả ngày không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí.

Với độ tuổi từ 12 đến 15, đáng lẽ ra, ngoài thời gian học tập, trẻ em được tự do vui chơi; nhưng khi lao động xa nhà, tuổi thơ của các em đã bị đánh cắp.

Ngày làm 12 tiếng, lương chỉ 8 trăm ngàn/tháng

Học hết tiểu học, H’Glen Niê (SN 2000, ở buôn Trưng, xã Cư Bông, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình việc nương rẫy. Đầu năm 2015, có người đến nói với cháu đi làm việc tại TP.HCM, công việc nhẹ nhàng được ăn ở tại chỗ.

Sau khi ký hợp đồng, anh Y Lăng Byă – cha của H’Glen Niê đã đưa cháu xuống tận nơi làm việc.

Xuống TP.HCM 2 ngày đầu, H’Glen Niê được ở tập trung tại một địa điểm lạ, sau đó cháu được đưa đến cơ sở của người đàn ông tên Đinh Viết Trứ ở đường Tân Kỳ - Tân Quý, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân để làm việc.

Cứ đinh ninh trong đầu là con gái đã tìm được công việc thích hợp, lương cao nhưng làm được một thời gian H’Glen Niê điện về nói những bất cập nên anh Y Lăng Byă lại phải cất công đến tận nơi đưa cháu về nhà.

Cháu H’Glen Niê phải làm việc ngày 12 tiếng, lương chỉ 8 trăm ngàn/tháng- Ảnh:Hồng Quang

Cháu H’Glen Niê cho biết, lúc làm hợp đồng cháu và bố đều không biết ngày làm mấy tiếng, tiền lương được bao nhiêu mà chỉ nghĩ có công việc kiếm tiền nên cứ thế đi. Sau khi bố về nhà, cháu mới biết chủ xưởng may bắt làm 3 ca/ngày, sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 18 giờ, tối từ 20 giờ đến 23 giờ.

H’Glen trở về đoàn tụ cùng gia đình sau những ngày làm việc vất vả ở TP.HCM- Ảnh: Hồng Quang

“Cả ngày chỉ làm việc, không được đi đâu cả, ăn uống cũng đạm bạc. Làm quần quật cả ngày nhưng tiền lương chỉ được 8 trăm ngàn/tháng. Làm được hai tháng, cháu thấy mệt quá nên gọi điện nói gia đình xin về. Giờ nghĩ đến, cháu vẫn thấy kinh hãi, có cho thêm tiền cháu cũng không xuống đó làm lại nữa”, H’Glen Niê giãi bày.

Tuổi thơ bị đánh cắp

Ở buôn Trưng còn có cháu Y Thoáng Niê (12 tuổi) – con chị chị H’Rêm Niê cũng bị “cò” dụ đi lao động ở TP.HCM.

Chị H’Rêm Niê cho biết, gia đình thuộc diện hộ nghèo, chị và chồng đã ly thân hơn 3 năm nay, mình chị nuôi 5 con, cháu Y Thoáng là con trai thứ 3.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn và bản thân ham chơi nên năm 2014, Y Thoáng đã nghỉ học, sau đó có người môi giới đến ngỏ ý muốn tuyển dụng cháu đi làm cho một cơ sở may mặc ở TP.HCM.

Chị H’Rêm nói giọng đượm buồn: “Cháu bỏ học sớm, lại hay đi chơi và hút thuốc nên tôi lo. Khi cháu nói muốn đi làm để kiếm tiền giúp gia đình nên tôi đã đồng ý. Làm được ít ngày, cháu nói nhớ nhà muốn về, tôi sợ bị đền hợp đồng nên nói cháu cố làm thêm thời gian rồi xin”.

Nghĩ lại tôi vẫn thấy mình dại, đem con bỏ chợ mà không hề hay biết nó bị bóc lột sức lao động và dễ bị dụ vào các tệ nạn xã hội. Cháu về, tôi mới thôi không lo lắng nữa”, chị H’Rêm nghẹn ngào.

Đang ngồi trò chuyện, bỗng Y Thoáng chạy xe đạp về nhà. Thấy chúng tôi, Y Thoáng nhanh miệng chào rồi vào nhà ngồi cùng trò chuyện với chúng tôi.

Suốt ngày bị chủ lao động bắt làm quần quật lấy mất tuổi thơ của Y Thoáng- Ảnh: Hồng Quang

Y Thoáng người nhỏ thó, ngồi thọt lỏm giữa chúng tôi, rụt rè nói, cháu làm việc cho người ta được 3 tháng. Nhớ nhà quá, cháu xin về nhưng chủ cơ sở không trả một đồng tiền công nào, họ nói phải làm hết 2 năm mới nhận được trọn gói 18 triệu đồng và chỉ cho tiền vé xe đi về là 5 trăm ngàn đồng.

Theo Y Thoáng, tại TP.HCM cháu phải làm việc từ sáng tới tối đêm mới được nghỉ ngơi. Nhà chủ bắt cháu phải làm đúng 12 tiếng/ngày, chia làm 3 ca, nếu không làm đủ sẽ bị chủ nhà nói.

“Lúc ở quê, cháu được đi chơi với các bạn trong buôn rất thoải mái, còn ở TP.HCM, cháu phải làm tối ngày không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Cháu muốn được ra ngoài chơi nhưng công việc đã chiếm trọn thời gian của cả ngày nên dù ở đó 3 tháng cháu vẫn chưa một lần được đi chơi”, Y Thoáng nói.

Cùng 12 tuổi, bé Y Sap Ayun ở buôn Puăn A, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk cũng sớm xa nhà đi lao động ở TP.HCM đến nay được 3 tháng vẫn chưa về nhà.

Chị H’Bru Ayun – mẹ của Y Sap cho hay, cháu đang đi học thì có bạn rủ đi làm, gia đình tôi không cho đi cháu vẫn quyết đi bằng được, cháu còn nói “nếu năm nay không đi thì sang năm cũng đi”. Thế nên gia đình tôi đành phải cho cháu đi làm.

Cũng theo chị H’Bru Ayun, con đi làm như vậy, chị biết là lao động phạm pháp, cháu lại còn quá nhỏ tuổi nên vợ chồng chị ngày đêm lo ngay ngáy vì lo sợ cháu bị rủ rê đi theo các tệ nạn xã hội.

“Tuy nhà nghèo, nhưng chúng tôi vẫn tạo điều kiện để cháu ăn học. Ở nhà có mẹ có cha, đói khổ nhưng vẫn vui, ngoài lúc đi học lúc rảnh cháu còn được đi chơi. Còn khi đi làm, tối ngày cháu phải quần quật với công việc tối tăm mặt mũi, thời gian đâu mà được vui chơi như ở nhà”, chị H’Bru Ayun nói như muốn khóc.

Anh Phan Văn Vinh – chuyên viên phòng LĐTBXH huyện Ea Kar cho biết, sau khi nhận được thông tin trẻ em đi lao động ở TP.HCM, qua vận động với gia đình đã có một số em trở về nhà.
Cũng theo anh Vinh, đối tượng tuyển lao động khi đến làm việc với gia đình các em thì hứa hẹn ngon ngọt để dụ dỗ. Khi người thân các em đưa xuống nơi làm việc, các chủ cơ sở đối đãi rất nhiệt tình với các em, nhưng khi trở về nhà thì các em điện thoại lại nói với gia đình là các em bị ngược đãi, nhiều gia đình vì thế rất lo lắng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang