Kỳ án xuyên thế kỷ (kỳ cuối)

Thứ Năm, 14/11/2019 22:22

|

(CATP) Hơn 10 năm theo dấu “người rừng”, Công an tỉnh Lào Cai đã huy động hàng trăm lượt CBCS công an, dân quân và lực lượng vũ trang địa phương tham gia truy bắt Ma Seo Chứ, không quản ngại nắng, mưa, gió rét, nước lũ, ăn ngủ trong rừng...

BẤT NGỜ SA LƯỚI

Suốt 10 năm “người rừng” chưa bị bắt, không người dân nào dám đến gần khu vực dọc 2 bên bờ sông Nậm Chảy. Do sự thiếu hiểu biết của bà con, phần vì mối quan hệ thân tộc, dân tộc, anh em họ hàng nên lực lượng truy bắt gặp rất nhiều khó khăn khi thu thập tin tức, việc truy bắt cũng thường xuyên bị lọt thông tin.

Bởi vậy, dù thỉnh thoảng bà con dân bản đi săn bắn vẫn gặp người đàn ông khoác AK lẩn khuất trong rừng, nhưng cũng vẫn hoang mang lo sợ, dẫn đến mất ổn định an ninh trật tự. Việc không bắt được đối tượng khiến cho lực lượng Công an tỉnh Lào Cai như canh cánh một món nợ, bởi rất có thể đối tượng sẽ gây án bất kỳ lúc nào...

Nơi trú ngụ của “người rừng”

Ngày 31-1-2010, người dân xã Thào Chư Phìn (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) bất ngờ phát hiện người đàn ông có nhiều đặc điểm giống “người rừng” bị truy nã, đang đi bộ ở khu vực thôn Thào Chư Phìn ra phía bờ sông Chảy. Ngay lập tức, tin này được báo tới Trưởng Công an xã Sùng A Dín. Một mặt báo cho Ủy ban nhân dân xã để xin thêm lực lượng, một mặt Sùng A Dín cùng dân bản bám theo dấu vết của “người rừng”.

Là người ở địa phương, hiểu thói quen của đồng bào dân tộc trong vùng nên anh Dín đoán, “người rừng” khi xuống chợ sẽ cất súng ở rừng và trong địu có thể chỉ có dao nên quyết định chặn lại để kiểm tra. Nhưng đối tượng lập tức rút dao ra và nói: “Tao chỉ đi chợ, không làm gì mà bắt tao. Đứa nào vào tao giết!”. Tay lăm lăm con dao sắc lẹm, y tiến theo lối hướng về phía bờ sông Nậm Chảy.

Lúc này, Trưởng Công an xã Sùng A Dín và mọi người vẫn kiên quyết bám theo, “người rừng” liền quay ngoắt lại, vác dao chém thẳng vào anh Dín. Do đã chủ động đề phòng từ trước nên Sùng A Dín đã tránh được nhát dao chí mạng. Đúng lúc này, lực lượng huy động của Ủy ban nhân dân xã Thào Chư Phìn tới ứng cứu.

Một trong những “bẫy súng” của Ma Seo Chứ

Nhanh như chớp, người đàn ông này đã tháo chạy vào rừng, vừa chạy y vừa vung dao chém về phía những người truy đuổi. Chạy được khoảng vài cây số, y đã bị quật ngã và bắt sống. Trên đường áp giải về, y khai tên Ma Seo Chứ, ở xã Nàn Sín, từng đi bộ đội, sau khi bố mẹ và vợ con đã chết thì y phải bỏ vào rừng sống. Nhưng khi được đưa về đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Chứ không nói gì, mắt nhắm tịt, nằm thu lu bất động. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Lào Cai đã xin ý kiến Ban giám đốc, di lý đối tượng về trại tạm giam Công an tỉnh để trực tiếp điều tra.

ĐẤU TRÍ VỚI NGƯỜI CÂM

Khi mới về trại tạm giam của Công an tỉnh Lào Cai, Ma Seo Chứ lúc nào cũng tỏ ra sợ hãi, tìm cách chui xuống gầm ghế, hoặc sàn nhà, người co dúm lại, ú ớ không chịu ăn uống gì. Ở rừng nhiều, ăn khoai sống và củ mài, ngô sống, uống nước lã suốt 2 thập niên, giờ được cán bộ cho ăn cơm có đường có mỡ, những thứ trong rừng không có là Chứ bị đau bụng đi ngoài. Phải mất hàng tháng trời, Chứ mới ăn được đồ như người bình thường.

Việc “người rừng” không ăn uống được bình thường, chỉ ú ớ ra hiệu là một trở ngại lớn đối với các cán bộ quản giáo, điều tra viên và toàn bộ Ban chuyên án. Đã có nhiều cuộc họp của toàn Ban chuyên án được tổ chức để bàn về vấn đề này.

Ai cũng biết Chứ là người rất tinh ranh, có kiến thức, sống 20 năm trong rừng rậm, thích nghi rất tốt với tự nhiên, sức chịu đựng dẻo dai, nhiều lần đánh nhau với gấu, nhiều lần bị rắn kịch độc cắn nhưng vẫn thoát chết thần kì. Suốt thời gian sau đó, tiếp xúc với cán bộ quản giáo và điều tra viên, dù rất hợp tác, nghe được tiếng người nhưng Chứ cũng chỉ gật và lắc.

Ma Seo Chứ trong thời gian cải tạo tại trại giam

Vài tháng sau khi ở trại giam, Chứ đã được đưa về rừng phục vụ công tác thực nghiệm điều tra. Đường đi đều men theo vách đá cheo leo hiểm trở, khe suối dựng đứng, từ trên đường nhìn xuống, sông Nậm Chảy như một sợi chỉ, khi xuống chân người nọ chạm vào mặt người kia, chỉ cần trượt chân là rơi xuống vực. Suốt nhiều ngày ròng rã, có hang đi cả ngày mới tới, nhiều cán bộ không đi nổi, phải ngồi xe trâu nhưng Chứ vẫn thoăn thoắt không biết mệt.

Nơi Chứ ở là những hang đá tai mèo nằm vắt vẻo bên sườn núi, nhiều nơi bàn chân người chưa hề bước tới. Nơi ở lâu nhất của Chứ cao 15 - 16m, phải leo bằng dây mới lên tới được, trong hang có rất nhiều bẫy chim, bẫy thú do Chứ tự làm, xương chim, xương thú, lông thú chất đống trong hang. Chứ còn nuôi cả ong lấy mật để bồi dưỡng sức khỏe, chống chọi trong mùa đông khắc nghiệt nơi rừng hoang, còn vót tre làm lồng bẫy chim họa mi, chào mào về huấn luyện làm bầu bạn. Trong lều, còn có cuốn sổ tay được đựng trong ống nứa, ghi chép lại những sự kiện quan trọng.

Thậm chí, Chứ còn giấu 3 khẩu súng ở ba hang đá sâu hoắm, mỗi cửa hang đặt một cái bẫy sắt to như ngón chân cái, có thể giết cả voi, cả hổ để bảo vệ, đề phòng bị tấn công bất ngờ, khiến các điều tra viên cũng hết sức ngạc nhiên.

Nơi trú ngụ của “người rừng”

Chứ còn dẫn lực lượng chức năng đi mấy trăm kilômét đường rừng về hang Khỉ, nơi anh ta bắn chết Trưởng Công an xã Tráng Sín Trà, về các căn cứ của Chứ dọc sông Nậm Chảy phục vụ công tác điều tra, thực nghiệm hiện trường. Làm từng ấy việc, nhưng Chứ vẫn chưa hề nói câu nào, chỉ ra hiệu. Khi thu lại được khẩu súng, qua khám nghiệm xác định chính là khẩu súng Chứ lấy cắp tại UBND xã Tả Thàng và bắn đồng chí Tráng Sín Trà.

Đại tá Giàng Ly Pao, khi đó là Phó giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra đã mặc quần áo người Mông, nói tiếng Mông, trực tiếp vào trại giam gặp Ma Seo Chứ. Khi mới bị bắt, trời rất lạnh nhưng Chứ vẫn quen với lối sống hoang dã. Phải sau hơn 1 tháng ở trong buồng giam, đồng chí Nguyễn Minh Thắng, khi đó là Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai mới phát hiện thấy Chứ nằm co ro, có vẻ rất lạnh; lập tức anh cởi chiếc áo của mình cho Chứ mặc. Sau đó, anh về nhà nói với vợ mua 1kg thịt rồi rang chín mang vào trại cho Chứ ăn.

Có lẽ cảm động trước tình người sau 20 năm sống cùng muông thú, Chứ đã thoát khỏi trạng thái “người câm”, buột miệng nói với một phạm nhân cùng trại giam: “Thịt này thì ăn trước đi, không để được lâu, còn lạc để sau ăn”.

Ma Seo Chứ đã nói chuyện, nhưng làm sao để Chứ khai và nhận tội vẫn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với Ban chuyên án. Đại tá Giàng Ly Pao kể rằng, trong suốt cuộc đời làm án ông chưa gặp đối tượng nào ngoan cố như Chứ, điều này đòi hỏi ông phải suy tính thật kỹ lưỡng, tìm biện pháp để khơi gợi phần nhân tính trong Ma Seo Chứ, để anh ta hợp tác với cơ quan điều tra. Vậy nên ông đã cho tìm người nhà của Chứ đến trực tiếp gặp anh ta. Khi nhìn thấy mẹ của mình, Chứ đã bò xuống sàn nhà ôm bắp chân mẹ già, lần tìm vết sẹo nơi gót chân của bà. Mẹ Chứ vừa khóc vừa nói: “Mày là thằng Chứ, tại sao mày không nói, mày đi đâu bao năm nay giờ mới trở về. Thằng Chứ, tao tưởng mày đã chết 20 năm nay rồi”.

Sau cuộc gặp gỡ ấy, suốt hơn 3 tháng đấu tranh, Chứ đã khai nhận toàn bộ việc đã cướp khẩu súng tại UBND xã Tả Thàng năm 1997 và bắn chết đồng chí Tráng Sín Trà năm 1998. Ngày 1-3-2010, TAND tỉnh Lào Cai đã đưa đối tượng ra xét xử về tội giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, chống người thi hành công vụ và tuyên án chung thân. Hiện Chứ vẫn đang thi hành bản án. Chặng đường lẩn trốn gần 20 năm của “người rừng” Ma Seo Chứ đã kết thúc trong sự nỗ lực hết sức của lực lượng điều tra.

Kỳ án xuyên thế kỷ (kỳ 2)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang