(CAO) Dù không kháng cáo, nhưng tại phiên phúc thẩm, luật sư của bà Nguyễn Phương Hằng cho rằng sau bản án sơ thẩm, bị cáo đã khắc phục hậu quả, và đó là tình tiết mới và xin giảm án cho thân chủ của mình. “Bị cáo là người vợ tốt, bà chủ tốt, một công dân tốt… bị cáo chỉ mong tòa giảm cho bị cáo 1 ngày, 1 tháng, 1 năm thì bị cáo cũng cảm thấy hạnh phúc vì bị cáo cảm thấy được tôn trọng”- Nguyễn Phương Hằng trình bày trước HĐXX.
Ngày 4/4, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên xét xử phúc thẩm theo kháng cáo đối với các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam tổ chức thực hiện.
Nguyễn Phương Hằng- Ảnh. A.Châu
Vụ án này, tháng 9/2023, TAND TPHCM xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Phương Hằng mức án 3 năm tù; 3 bị cáo là cấp dưới đồng phạm gồm: Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của Nguyễn Phương Hằng) Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam) cùng bị tuyên bị tuyên mức 1 năm 6 tháng tù; Đặng Anh Quân (giảng viên Đại học) mức án 2 năm 6 tháng cùng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ngoài ra, tòa cũng tuyên buộc, bị cáo Hằng bồi thường tổn thất tinh thần cho bà Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan mỗi người 18 triệu. Tách yêu cầu bồi thường vật chất của những người có yêu cầu nhưng chưa có chứng cứ chứng minh.
Sau bản án, riêng bà Hằng không kháng cáo. Ông Đặng Anh Quân cho rằng bản án 2 năm 6 tháng tù tòa áp dụng đối với mình là quá nặng, xin giảm nhẹ hình phạt; các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Huỳnh Công Tân, Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam) xin hưởng án treo. Còn cựu nhà báo Hàn Ni và bà Đinh Thị Lan đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại tư cách tố tụng của mình trong vụ án. Tức, họ là bị hại chứ không phải người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Tuy bà Hằng không có đơn kháng cáo nhưng tòa vẫn triệu tập để "có thể hỏi khi cần thiết", nhằm xem xét toàn diện vụ án, liên quan đến kháng cáo của các đồng phạm bà Hằng và người liên quan.
Nội dung vụ án thể hiện, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi phát ngôn trực tiếp, trong đó có 57 buổi mang nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của: của 10 cá nhân, gồm: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sỹ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sỹ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sỹ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sỹ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và bà Trương Việt Hà.
Quá trình điều tra, bà Hằng khai lý do làm như vậy vì trước đó những người này đã phát ngôn xúc phạm vợ chồng bà và quỹ từ thiện của gia đình bà. Các bị cáo là nhân viên dưới quyền của bà Hằng dù không có mâu thuẫn với những cá nhân trên nhưng do là nhân viên và hưởng lương của Nguyễn Phương Hằng nên liên tục thực hiện hành vi giúp sức tích cực cho bị can Hằng.
Bên cạnh đó, Nguyễn Phương Hằng còn mời Đặng Anh Quân tham gia vào buổi phát trực tiếp của mình. Khi Hằng phát ngôn xúc phạm người khác thì Đặng Anh Quân tương tác, phát ngôn về nội dung liên quan. Cáo trạng cáo buộc ông Anh Quân đã góp phần cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Tại tòa, bà Hằng cho rằng cáo trạng truy tố bà không oan sai nhưng chưa thể hiện bản chất câu chuyện, nguyên nhân dẫn đến việc bà vi phạm pháp luật.
Về việc mời tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, bà Hằng cho biết, do biết được ông Quân cũng có xích mích với Đặng Thị Hàn Ni nên mời ông Quân tham gia 11 buổi livestream. Trong những buổi tham gia, khi phát ngôn bị cáo buộc có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nghệ sĩ Hoài Linh. Bà Hằng cho rằng Hoài Linh là đồng phạm với ông Võ Hoàng Yên cũng là đồng phạm lừa đảo công chúng thông qua việc chữa bệnh mang tính chất tâm linh, mà bà cũng là bị hại nên bà livestream để cảnh báo người dân.
Về những nội dung livestream, bà Hằng cho rằng có thông tin không có căn cứ, nhưng cũng có những thông tin bà có theo báo chí đăng tải.
Taị phiên sơ thẩm bị cáo Đặng Anh Quân không đồng ý với nội dung cáo trạng, cho rằng mình bị oan và không nhận được kết luận giám định 11 buổi livestream và 1 buổi phát biểu.
Trong khi đó, 3 bị cáo vốn là nhân viên của bà Hằng cho biết là nhân viên hưởng lương, việc làm theo sự phân công của chủ là bình thường, chỉ nhận ra hành vi sai phạm khi làm việc với cơ quan điều tra.
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại phiên phúc thẩm. Ảnh A.Châu
Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo cũng như người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giữ nguyên kháng cáo.
Ông Quân cho biết giữ nguyên kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét các chứng cứ, tài liệu; xin được giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên toà, bà Hằng bảo lưu quan điểm ở bản án sơ thẩm, cho rằng bản thân "đã trở thành tội phạm, dù trước đó là nạn nhân". "Tôi vô cùng ân hận vì không hiểu pháp luật, không biết đến Luật An ninh mạng. Nếu trước đó có người nhắc tôi về luật này thì tôi đã dừng lại...", bà Hằng nói.
Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKS xác định bản án sơ thẩm đã xử đúng người, đúng tội nên đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo.