Mất hàng chục triệu đồng sau khi nhận cuộc gọi video

Thứ Tư, 30/08/2023 10:01

|

(CATP) Deepfake là phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh và video như khuôn mặt con người, chuyển động vật lý và giọng nói; đồng thời có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chính xác cao. Vì vậy, kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Thời gian qua, một số người dân đã bị "sập bẫy" kẻ lừa đảo khi nhận cuộc gọi video Deepface.

Điển hình, ngày 26/8/2023, chị Nguyễn Thị K. (SN 1980, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đến cơ quan Công an trình báo vừa bị lừa đảo mất 30 triệu đồng bằng thủ đoạn trên. Trước đó, đối tượng hack, chiếm quyền sử dụng Facebook của một người bà con của chị ở nước ngoài rồi thực hiện cuộc gọi video Deepfake, yêu cầu K. chuyển tiền cho mượn qua tài khoản ngân hàng. Nhằm tạo lòng tin, đối tượng gửi cho chị tin nhắn giả mạo với nội dung đã chuyển cho chị 4.000USD, trong 2 ngày sẽ tới do chuyển từ nước ngoài. Tin lời, chị K. chuyển khoản 30 triệu đồng. Một ngày sau, khi thấy tin nhắn trên Zalo của người bà con đã bị hack Facebook, nạn nhân mới biết mình bị lừa đảo.

Vào đầu tháng 8/2023, chị Trần thị V. (SN 1997, ngụ thị xã Hòa Thành, Tây Ninh) nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của một người thân ở nước ngoài hỏi mượn 75 triệu đồng rồi nhờ chuyển vào một tài khoản ở Việt Nam. Cẩn thận, chị V. gọi video để kiểm tra thì thấy hình ảnh đúng là người chị họ của mình nên tin tưởng chuyển khoản cho mượn mà không kiểm chứng thêm. Vài ngày sau, thấy trên trang Facebook của người này đăng thông báo bị kẻ gian hack-nick, chị V. vội gọi điện lại hỏi mới biết mình "dính bẫy" kẻ gian.

Ảnh minh họa về Deepfake do cơ quan Công an cung cấp để người dân cảnh giác

Một trường hợp khác, anh Võ Văn D. (SN 1979, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) bị lừa mất 30 triệu đồng chỉ qua cuộc gọi video Deepfake. Cụ thể, ngày 29/7/2023, có tin nhắn của bạn gái ở nước ngoài hỏi mượn tiền gấp, hẹn trả liền. Ngay sau đó, D. nhận được cuộc gọi video qua ứng dụng Messenger. Tuy nhiên, thời gian chỉ diễn ra vài giây đủ cho anh nhìn thấy khuôn mặt cô bạn thân nhưng lúc nói chuyện thì tín hiệu chập chờn. Sau đó, cô bạn tắt máy rồi nhắn lại do sóng yếu. Tin tưởng, D. đã chuyển tiền vào tài khoản của bạn gái nhưng đợi mãi không thấy trả lại tiền, anh gọi điện thoại hỏi mới biết mình bị lừa.

Theo cơ quan điều tra, nếu người dân nhận được cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, trước tiên hãy bình tĩnh và xác minh thông tin: liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác xem có đúng là họ cần tiền không. Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch. Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không. Các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn là yếu tố để nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực của cuộc gọi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang