Chiều muộn 20/8, sau một ngày xét xử và nghị án, TAND TPHCM đã tuyên phạt hai bị cáo (cựu sinh viên Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng) là Trần Công Minh (SN 1994, ngụ TP Thủ Đức) và Nguyễn Quốc Sơn (SN 1994, ngụ quận Tân Bình) cùng mức án 7 năm 6 tháng tù về hai tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”
Đồng phạm trong vụ án còn có 8 bị cáo cùng học chung trường, cũng bị tuyên phạt mức án từ 2 đến 3 năm về hai tội danh trên gồm: Bùi Nguyễn Ngọc Hân, Võ Thị Hiệp, Hàng Phước Can, Lê Sỹ Min, Lê Thị Kim Chi, Trần Thị Nga, Trịnh Thị Phượng, Văn Thị Hoàng Oanh.
Các bị cáo là cựu sinh viên Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng tại tòa
Theo cáo trạng, Trần Công Minh và Nguyễn Quốc Sơn là bạn học cùng lớp chuyên ngành quản lý - cung ứng thuốc, khoa Dược khóa 2020, hệ đào tạo liên thông tại Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng.
Theo quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học, hồ sơ dự thi liên thông khối ngành sức khỏe của thí sinh phải có bản sao Chứng chỉ hành nghề dược. Tuy nhiên tại thời điểm tuyển sinh và nộp hồ sơ nhập học, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng chỉ yêu cầu thí sinh phải làm giấy cam đoan đã đủ điều kiện (có Chứng chỉ hành nghề dược) và phải bổ sung trong quá trình học. Theo quy định, hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược phải có các tài liệu sau: Đơn đề nghị, bản sao có chứng thực văn bằng tốt nghiệp chuyên môn, bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân, Giấy khám sức khỏe, Giấy xác nhận thời gian thực hành tại Cơ sở thực hành chuyên môn về dược (Giấy xác nhận thực hành), Phiếu lý lịch tư pháp.
Để được xét tốt nghiệp đại học, do chưa được cấp Giấy xác nhận thực hành để bổ sung vào hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược, Minh và Sơn đã tự làm giả Giấy xác nhận thực hành và Giấy khám sức khỏe.
Sau đó, cả hai hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược và gửi hồ sơ đến Sở Y tế TPHCM. Sau khoảng 3 tuần, Minh và Sơn đã được Sở Y tế TPHCM cấp Chứng chỉ hành nghề dược.
Thấy việc làm giả Giấy xác nhận thực hành và Giấy khám sức khỏe đơn giản, việc hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Sở Y tế TPHCM cấp Chứng chỉ hành nghề dược thuận lợi, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 10/2022, Minh và Sơn đã liên hệ với 7 sinh viên cùng học ngành dược gồm: Bùi Nguyễn Ngọc Hân, Võ Thị Hiệp, Hàng Phước Can, Lê Sỹ Min, Lê Thị Kim Chi, Trần Thị Nga, Trịnh Thị Phượng, giúp làm hồ sơ đề nghị Sở Y tế cấp Chứng chỉ hành nghề dược với chi phí từ 4,5 triệu đồng đến 6,5 triệu đồng/hồ sơ; riêng Văn Thị Hoàng Oanh là bạn làm chung nhà thuốc tây với Sơn nên không mất tiền. Số tiền thu được, Minh và Sơn chia nhau tiêu xài.
Minh và Sơn đã làm giả Giấy xác nhận thời gian thực hành và Giấy khám sức khỏe, hoàn chỉnh 08 bộ hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược gửi đến Sở Y tế TPHCM (qua đường bưu điện). Sau vài tuần, có ba cá nhân đã được Sở Y tế cấp Chứng chỉ hành nghề dược, năm cá nhân chưa được Sở Y tế giải quyết, gửi thông báo là cần kiểm chứng, xác minh thông tin hồ sơ.
Ngày 24/9/2022 và 29/9/2022, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhận được văn bản của Sở Y tế về việc đề nghị xác minh đối với Giấy xác nhận thực hành, Giấy khám sức khỏe của Hàng Phước Can, Võ Thị Hiệp, Trần Thị Nga. Qua kiểm tra thông tin, nhận thấy các tài liệu nói trên có dấu hiệu giả mạo, ngày 07/10/2022 Bệnh viện Đại học Y Dược đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM.
Cáo trạng xác định, Minh và Sơn đã mua một con dấu tròn giả “BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP.HCM” và nhiều con dấu tên, dấu hình vuông, dấu hình chữ nhật khác. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 10/2022, Minh và Sơn đã sử dụng máy vi tính, các con dấu giả nói trên làm giả 2 Giấy xác nhận thực hành và 2 Giấy khám sức khỏe (do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cấp) cho bản thân và 8 Giấy xác nhận thực hành và 8 Giấy khám sức khỏe (do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cấp) cho 8 bị cáo đồng phạm. Sau đó cả hai hoàn chỉnh 10 bộ hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược gửi đến Sở Y tế. Cả hai thu lợi bất chính hơn 24 triệu đồng từ việc làm giả cho 8 bị cáo đồng phạm.
Đối với 8 bị cáo đồng phạm đều đã tốt nghiệp (Cao đẳng; Trung cấp) chuyên ngành về Dược, đều biết rõ bản thân chưa được Cơ sở chuyên môn về dược cấp Giấy xác nhận thực hành và cũng không đi khám sức khỏe nhưng vẫn cung cấp giấy tờ nhân thân, đưa tiền (trừ bị cáo Oanh) cho Minh và Sơn để làm hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược. Do đó, Bùi Nguyễn Ngọc Hân, Võ Thị Hiệp, Hàng Phước Can, Lê Sỹ Min, Lê Thị Kim Chi, Trần Thị Nga, Trịnh Thị Phượng, Văn Thị Hoàng Oanh, phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm giúp sức với Minh, Sơn trong vụ án.