Đại biểu Quốc hội nhất trí đưa nội dung sử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự

Thứ Ba, 27/05/2025 15:17  | Thanh Hòa

|

(CAO) Việc coi một số hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm, không phải để hình sự hóa người nghiện một cách vô cảm mà để mở ra một tư duy, phương pháp quản lý mới mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, nhân văn hơn và hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống ma túy.

Ngày 27/5, tại phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 9 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí đưa nội dung sử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp thông tin, cách đây 10 năm, chúng ta đã bỏ tội danh này không xử hình sự, nhưng trong quá trình từ đó tới nay không xử hình sự tội danh này qua tiếp xúc cử tri, bà con rất phàn nàn về chuyện này.

“Có những đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy gây nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, trong đó có gia đình. Người này được xem là con bệnh cho nên chúng ta bỏ tiền ra để trị bệnh ở trong các trại giáo dưỡng, nhưng sau khi ra trại tổng kết lại cũng không sửa chữa được bao nhiêu. Tôi đề nghị để phòng ngừa, răn đe đối tượng, tôi thống nhất theo dự thảo của Bộ Công an, đó là phải xử phạt hình phạt tù đối với những đối tượng này, tất nhiên có tính đến vi phạm lần đầu, vi phạm lần thứ hai, sau đó thì chúng ta có quy định rạch ròi, cụ thể để xử phạt tù. Tôi rất thống nhất và giữ lại hình phạt tù đối với những đối tượng này theo đề xuất”-đại biểu Phạm Văn Hoà nói.

Các đại biểu Quốc hội tại hội trường

Chung quan điểm, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn Long An cũng thống nhất với quan điểm của cơ quan soạn thảo “vì rất nhiều cử tri kiến nghị bây giờ pháp luật của chúng ta làm thế nào để xử lý những người nghiện ma túy”.

Bà Dung cho biết, hiện nay, số lượng người nghiện ma túy chỉ được áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, nghĩa là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và thực hiện giáo huấn vừa cai nghiện, vừa chữa bệnh, tính phòng ngừa, răn đe không cao, người nghiện hiện đang trẻ hóa; số lượng người nghiện ngoài xã hội, cộng đồng rất lớn, tỷ lệ tái nghiện cũng rất cao. Do đó, theo đại biểu, việc xử lý vi phạm hành chính đối với những người nghiện này đang có khó khăn, hiệu quả chưa cao nên việc hình sự hóa lên thành tội phạm là phù hợp và có cơ sở thực tiễn.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát, nghiên cứu vừa thể hiện việc ban hành chính sách mới về hình sự là phù hợp, đồng thời không có mâu thuẫn với các pháp luật hiện hành, pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cũng nhất trí đưa nội dung sử dụng trái phép chất ma túy vào Bộ luật Hình sự vì phù hợp với các chỉ đạo của Bộ Chính trị và nguyện vọng của nhân dân, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Hà Nội cho biết, dù đã có những tranh luận người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm, “tôi thấy cần phân định rõ sử dụng trái phép ma túy là tội phạm và sử dụng ma túy nhiều lần đến nghiện thì càng rõ là tội phạm.

Mặt khác, họ cũng có thể là bệnh nhân do tác dụng của chính ma túy hoặc bị các bệnh xã hội do sử dụng ma túy, khi đó cần coi họ như là một bệnh nhân để điều trị cho họ, đó chính là điều trị bệnh cho một tội phạm đã sử dụng ma túy. Với nhận thức như vậy, quy định như trong luật sửa đổi và xử sự với người nghiện để cai nghiện cho họ, để điều trị bệnh cho họ là cần thiết”-Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đắk Nông thể hiện tán thành cao sự cần thiết sửa đổi Bộ luật Hình sự với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội.

Cho biết, sau nhiều lần đi giám sát các trung tâm cai nghiện và các trại giam, nhà tạm giữ, trại tạm giam, đại biểu nhận thấy, trước khi sử dụng chất ma túy, người nghiện buộc phải mua và cất trữ trái phép chất ma túy, cũng có không ít trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy sau khi thấy được lợi nhuận và sự cám dỗ của ma túy mang lại đã chuyển hóa thành người mua bán chất ma túy và các loại chất cấm khác, nghĩa là họ đã có hành vi tiếp tay nuôi dưỡng thị trường ma túy, gián tiếp tiếp sức cho các đường dây buôn bán ma túy.

“Hành vi này gián tiếp tiếp tay cho các loại tội phạm có tổ chức, tiếp tay cho cái ác. Việc xử lý hành vi tàng trữ, sử dụng ma túy chỉ ở mức xử phạt vi phạm hành chính và như vậy hiện nay đang áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện hoặc bắt buộc, theo tôi là chưa đủ sức răn đe và đang tạo ra một khoảng trống pháp lý. Có thể đây là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ người sử dụng chất ma túy và tạo điều kiện cho tội phạm ma túy có điều kiện tồn tại và phát triển mạnh mẽ”-đại biểu nêu quan điểm.

Cùng với đó, theo đại biểu, việc không coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm dẫn đến một thực trạng đáng lo ngại, gây bất an và tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an ninh, trật tự tại địa phương, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ cho những người thân và trong thực tế đã xảy ra.

“Thực tế cho thấy, ma túy là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm nghiêm trọng khác. Ma túy là tội phạm gốc, tội phạm của các loại tội phạm, như cướp giật, trộm cắp, gây thương tích, giết người. Việc cách ly tạm thời người nghiện ma túy ra khỏi xã hội tuy là một biện pháp nghiêm khắc nhưng lại mang tính nhân văn với cộng đồng, không chỉ để xử lý người vi phạm mà còn để bảo vệ người dân, nhất là trẻ em, phụ nữ, người già, những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương. Đây chính là biện pháp mang tính nhân văn và phòng ngừa hiệu quả sự gia tăng của các loại tội phạm”.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Phân tích số liệu thống kê từ nhiều nguồn cho thấy tỷ lệ tái nghiện cao do nhiều nguyên nhân, trong đó hiệu quả chưa cao của mô hình cai nghiện bắt buộc, công tác quản lý sau cai nghiện còn lỏng lẻo, chưa có cơ chế giám sát, hỗ trợ phù hợp tại cộng đồng nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, tái nghiện lên đến hơn 90%, theo đại biểu cần có biện pháp mạnh hơn, đó là hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để cắt đứt chuỗi liên kết giữa người nghiện với bọn tội phạm buôn bán ma túy, chất gây nghiện. Đồng thời, tạo điều kiện cho họ cách ly khỏi các phần tử xấu, có cơ hội phục hồi nhân cách, học nghề và tái hòa nhập một cách lành mạnh.

“Tôi mạnh mẽ ủng hộ việc coi một số hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm, không phải để hình sự hóa người nghiện một cách vô cảm mà là để mở ra một tư duy, phương pháp quản lý mới mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, nhân văn hơn và hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống ma túy”-đại biểu Dương Khắc Mai nêu rõ.

Tuy nhiên, đại biểu cũng kiến nghị trước khi Quốc hội thông qua về chính sách này, cần có lộ trình, giải pháp hợp lý và những hình phạt phù hợp vì hiện nay số lượng người nghiện rất lớn, vượt quá khả năng của các cơ sở cai nghiện, các trung tâm thi hành án và hệ thống tư pháp. Vì vậy, cần dành nguồn lực về tài chính, cần đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhân lực, đồng thời kết hợp với các chương trình hỗ trợ tái hòa nhập xã hội, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp để người nghiện sau khi được xử lý, có thể trở lại cuộc sống tích cực hơn, thay vì tiếp tục lại sử dụng trái phép chất ma túy lại trở thành tội phạm, trở thành một vòng luẩn quẩn.

“Vì sự an toàn của xã hội và mỗi người dân, vì tương lai của thế hệ trẻ vì sự phát triển vững mạnh của đất nước, chúng ta cần có một biện pháp cương quyết hơn trong cuộc chiến phòng chống ma túy. Hãy xem xét hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm”-đại biểu nêu ý kiến.

Bình luận (0)

Lên đầu trang