(CATP) Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 xảy ra nhiều vụ nổ do pháo tự chế, phá hủy nhiều tài sản và khiến nhiều người thương vong. Những trường hợp may mắn được đưa đến bệnh viện cứu chữa cũng bị tàn phế suốt đời. Vết thương từ pháo không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn để lại nỗi ám ảnh, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Chiều 29/01 (mồng 1 Tết Ất Tỵ 2025), Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam tiếp nhận nam bệnh nhân 33 tuổi nhập viện trong tình trạng nhiều vết thương chảy máu khắp cơ thể do pháo nổ. Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị vết thương lóc da vùng mặt phải, ngực, đùi trái, bụng trái có vết thương dạng bỏng nhiệt, 2 lỗ tổn thương có mảnh dị vật, đặc biệt 2 bàn tay bị thương rất nặng. Các xương bàn nằm lẫn lộn; gân, cơ, thần kinh, mạch máu gần như bung hết khỏi ống cổ tay và gang tay.
Sau 6 giờ phẫu thuật, truyền 2 đơn vị máu, với sự tham gia của hàng loạt ê-kip như: gây mê, ngoại chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng hợp, bệnh nhân được xử trí các tổn thương trong mức ổn. Bác sĩ Nguyễn Đình Nhiều - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam) chia sẻ, đây là một trong những tai nạn do pháo tự chế sử dụng trong các dịp Tết, để lại hậu quả nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Cũng theo bác sĩ Nhiều, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hình các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo pháo. "Chúng ta cần tích cực giáo dục, tuyên truyền tất cả mọi người, đặc biệt các em học sinh không được tự chế pháo nổ vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào", bác sĩ Nhiều cho biết thêm.
Pháo và nguyên liệu làm pháo giao nộp Công an
Không may mắn như thanh niên nói trên, em Đ.M.A (16 tuổi, ngụ xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã tử vong do pháo tự chế. Khoảng 14 giờ ngày 20/01, A. đang chế tạo pháo trong một căn phòng tách biệt với ngôi nhà chính thì phát ra tiếng nổ lớn. Người dân địa phương liền chạy đến kiểm tra thì thấy nam sinh nằm bất động trên nền đất. Ngay sau đó, mọi người hô hoán, cùng người thân đưa A. đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên nạn nhân không qua khỏi. Tại hiện trường, pháo nổ khiến các vật dụng phía sau nhà, bìa carton, quần áo, chậu cây... văng tứ tung. Được biết, A. đang học lớp 11, tự mua hóa chất về chế tạo pháo và dẫn đến vụ tai nạn thương tâm.
Điều đáng nói, mặc dù lực lượng Công an và các ngành chức năng đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng cứ đến Tết Nguyên đán, tình hình vi phạm pháp luật về pháo nổ lại diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép. Đặc biệt, tình trạng thanh thiếu niên, học sinh mua nguyên vật liệu và học cách chế tạo trên mạng xã hội rồi tự chế pháo nổ để sử dụng trái phép, gây ra hậu quả khôn lường.
Hiện trường vụ nổ khiến em A. tử vong
Tại Quảng Nam, ngay trong ngày đầu thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán 2025, từ công tác tuyên truyền, vận động gia đình, 17 học sinh (lớp 7, 8) trên địa bàn các thôn: Xuân Lư, Thạch Khê, Phú Cường 1 (xã Quế Mỹ, H.Quế Sơn) tự nguyện đến cơ quan Công an giao nộp 95 viên pháo nổ tự chế có trọng lượng 9kg; 1,5kg thuốc pháo và các vật liệu khác dùng để chế tạo pháo.
Ở H.Thăng Bình, Công an xã Bình Triều đã vận động em P.N.H (SN 2010, ngụ thôn Vân Tây) giao nộp 151 viên pháo nổ tự chế và một số nguyên vật liệu như: bột lưu huỳnh, KCl, natri, bột than, giấy chế tạo pháo... mà thiếu niên này mua trên Tiktok. Tại xã Tam Phước (H.Phú Ninh), 5 học sinh tự nguyện giao nộp cho lực lượng Công an 26 viên pháo hình cầu, 19 viên pháo hình trụ tròn, 1m dây cháy chậm và 1,5kg các tiền chất để chế tạo pháo nổ...
Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ, trong 8 ngày nghỉ Tết (từ 25/01 đến 01/02), có 481 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 47 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, chưa ghi nhận ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2024, tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi do pháo nổ, pháo hoa giảm 135 người (22,8%); tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi do vũ khí, vật liệu nổ tự chế giảm 48 người (53,3%).