HIẾM KHI BẮT ĐƯỢC KẺ CẦM ĐẦU
Tỉnh Tây Ninh có 240km biên giới tiếp giáp với Campuchia. Ngoài 2 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia, giữa 2 bên biên giới còn có rất nhiều đường ngang, lối mở, đường tiểu ngạch; có 24 casino tập trung nằm dọc theo tuyến biên giới, là điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm hình sự, kinh tế, đặc biệt là tội phạm ma túy hoạt động. Còn tỉnh An Giang cũng có 96,6km biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Cần Đal và Tà Keo của Campuchia. Địa giới hành chính giữa 2 nước có cả đường bộ, đường thủy, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn dân sinh nên các tổ chức tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động.
Tại các tỉnh biên giới này, tội phạm ma túy thường dùng thủ đoạn cất giấu, ngụy trang ma túy trong bao bì, vật phẩm hoặc để lẫn trong các loại hàng hóa khác; tạo ra các ngăn chứa bí mật trong các phương tiện hoặc các vật dụng thông thường để cất giấu ma túy, sau đó thuê mướn người ở khu vực biên giới thông thuộc đường mòn, lối tắt, lựa chọn thời điểm thuận lợi để vận chuyển ma túy qua biên giới với số lượng ngày càng nhiều. Bọn tội phạm còn sử dụng nhiều điện thoại di động khác nhau để liên lạc, thường xuyên thay đổi sim, gọi 1 lần rồi bỏ sim, trao đổi với nhau bằng các tín hiệu, tiếng lóng...
Chan Toung (SN 1995, ngụ tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia) bị bắt cùng hơn 30kg ma túy tổng hợp
Thời gian gần đây, các đối tượng thường sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat... để liên lạc, trao đổi với nhau, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý. Những kẻ cầm đầu đường dây ma túy thường là người nước ngoài và người tỉnh ngoài, chỉ đạo từ xa, không trực tiếp giao nhận hàng hóa mà giao cho đàn em thực hiện nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác triệt phá bởi thường chỉ bắt được kẻ vận chuyển, rất hiếm khi bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Do lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh công tác đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến biên giới nên chúng chuyển hướng hoạt động, chủ yếu vận chuyển ma túy vào Việt Nam qua khu vực các cửa khẩu thuộc tỉnh Long An, sau đó mới trung chuyển qua Tây Ninh về TP.Hồ Chí Minh.
CẦN TẬP TRUNG NHIỀU BIÊN PHÁP ĐỒNG BỘ
Trong thời gian qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh An Giang đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 380 vụ, 1.118 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ gần 54kg ma túy các loại, 20.500USD, trên 470 triệu đồng, 1 khẩu súng, 19 ôtô, 256 môtô cùng nhiều đồ vật, tài sản có liên quan. Tại An Giang, lực lượng chức năng cũng bắt giữ 14 vụ, 22 đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, thu giữ gần 84kg ma túy tổng hợp, hơn 2kg heroin và nhiều vật chứng có liên quan...
Đến tháng 12-2020, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an (C04) cũng phát hiện đường dây mua bán, vận chuyển trái phép số lượng lớn chất ma túy từ Campuchia qua các tỉnh biên giới Tây Nam về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Quá trình xác minh, xác định cầm đầu đường dây là một đối tượng người Việt Nam, hiện đang sinh sống ở Campuchia. Đối tượng này câu kết, móc nối với các đối tượng trong nước chỉ đạo, điều hành đường dây vận chuyển ma túy qua các ứng dụng nhắn tin trên internet.
Sau hơn một tháng kiên trì đấu tranh, ngày 30-1-2021, Cục C04 chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP.Hồ Chí Minh và Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng bắt quả tang Lê Tài Linh (SN 1996) và Trần Quốc Khánh (SN 1993), cả hai đối tượng đều trú tại TP.Hồ Chí Minh, thu giữ 19,5kg ma túy tổng hợp các loại. Mở rộng điều tra, bắt đối tượng Huỳnh Thị Điệp (SN 1969, là mẹ của Linh), thu thêm 3kg ma túy tổng hợp tại nơi ở của các đối tượng.
Tang vật 210,5kg ma túy các loại
Ngày 31-1, Ban Chuyên án nhận được thông tin các đối tượng trong đường dây tiếp tục vận chuyển ma túy về Việt Nam tiêu thụ. Cục C04 đã phối hợp cùng các đơn vị bắt quả tang Hồ Thái Hồng (SN 1983) và Lê Hoàng Thanh Danh (SN 1993), thu giữ 50kg ma túy tổng hợp. Ngày 2-2, đối tượng chủ mưu tiếp tục thuê người tổ chức vận chuyển ma túy về TP.Hồ Chí Minh rồi giao cho các đầu mối tiêu thụ. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án phối hợp bắt quả tang Vũ Đình Ngọc (SN 1975), Nguyễn Lý Quyên (SN 1987), Phan Trương Thanh Bình (SN 2000) cùng 10 bánh heroin.
Tiếp tục mở rộng vụ án, Ban chuyên án bắt giữ Phạm Ngọc Tuân (SN 1980); Vũ Văn Tưởng (SN 1991), cùng trú tại TP.Hồ Chí Minh, thu giữ thêm 90 bánh heroin; 70kg ma túy tổng hợp dạng đá; 100.000 viên ma túy tổng hợp và 5kg ketamin được cất giấu tại nơi ở của các đối tượng. Qua các giai đoạn đấu tranh chuyên án, Cục C04 đã chủ trì phối hợp cùng các đơn vị bắt 10 đối tượng, vật chứng thu giữ 210,5kg ma túy các loại cùng nhiều tài sản, vật chứng liên quan.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy qua biên giới, lực lượng Công an các tỉnh biên giới sẽ sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp như: nâng cao nhận thức, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng chống ma túy; tập trung kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma túy, đề xuất biện pháp xử lý với số người nghiện ma túy chống đối, không hợp tác, nuốt dị vật để đối phó với lực lượng chức năng khi bị cưỡng chế cai nghiện; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách.
Đặc biệt, các địa phương này sẽ triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 486/KH-BCA-C04 ngày 18-11-2020 của Bộ Công an về việc tập trung giải quyết tình hình về tội phạm, tệ nạn ma túy tại địa bàn TP.Hồ Chí Minh, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia và các tỉnh trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, lực lượng Công an các tỉnh Tây Ninh, An Giang sẽ tham mưu thực hiện có hiệu quả các cam kết về hợp tác kiểm soát ma túy, chất hướng thần và phòng chống ma túy giữa chính quyền các tỉnh biên giới Việt Nam và Campuchia; tăng cường trao đổi thông tin với các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy của Ty Cảnh sát các tỉnh thuộc Campuchia giáp biên giới; chủ động phối hợp với các Văn phòng Liên lạc qua biên giới (BLO) để kịp thời trao đổi thông tin có liên quan đến tội phạm ma túy...