Ngày 21-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an huyện Thanh Hà vừa đồng loạt tiến hành kiểm tra 7 cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính trên địa bàn huyện Thanh Hà.
Quá trình kiểm tra, đến ngày 19-6 xác minh làm rõ các đối tượng trong ổ nhóm đã cho 3.783 lượt vay, với tổng số tiền lên tới gần 60 tỷ đồng; tiền lãi thu về hơn 24 tỷ đồng.
Cũng theo Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 33 vụ (giảm 22 vụ so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, vụ án hình sự xảy ra 5 vụ (giảm 16 vụ so với cùng kỳ năm 2019); đã điều tra làm rõ 5/5 vụ, khởi tố 8 bị can, 31 vụ ném chất bẩn, xâm hại sức khỏe của người khác, làm nhục người khác, ném gạch đá vào nhà người khác, gây mất trật tự tại khu dân cư...
Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định xử lý hành chính 28 vụ, 37 đối tượng. Đến nay, các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tín dụng đen đã giảm mạnh, tuy nhiên vẫn gây nhức nhối trong nhân dân.
Cụ thể, Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự với hợp với Công an huyện Thanh Hà vừa làm rõ ổ nhóm cho vay tín dụng đen do hai anh em ruột điều hành là: Lê Công Hạnh (tức Hạnh Xuyên, SN 1993) và Lê Văn Hà (tức Hà Xuyên, SN 1982, cùng trú tại thôn Du La, xã Cẩm Chế, Thanh Hà) điều hành với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi.
Đại tá Lê Ngọc Châu (áo xanh, giữa) trực tiếp chỉ đạo phá án
Sau một thời gian điều tra, thu thập thông tin, các tổ công tác làm rõ: Sau khi từ Nga trở về nước, Hanh cấu kết với các đối tượng hình sự trên địa bàn hùn vốn mở dịch vụ cầm đồ và tiến hành các hoạt động cho vay tín dụng đen... Từ một cửa tiệm đầu tiên, các đối tượng nhanh chóng mở rộng địa bàn ra khắp huyện Thanh Hà với hàng chục cơ sở kinh doanh. Hoạt động của Lê Công Hanh và Lê Văn Hà gây nhức nhối tại địa bàn dân cư.
Ngoài việc đe dọa, gây sức ép đòi nợ các đối tượng còn gây ra một số vụ cố ý gây thương tích, trong đó đáng chú ý vụ việc xảy ra ngày 25-10-2019. Nạn nhân là anh Phạm Đắc Tài (SN 1990, ngụ ở Thanh Hà, Hải Dương). Do không có tiền trả nợ, nan nhân đã bị Hanh, Hà và đồng bọn dùng hung khí đánh gây tổn hại 9% sức khỏe.
Sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Thanh Hà vào cuộc, triệu tập các đối tượng liên quan đến vụ án tới cơ quan làm việc nhưng không có kết quả. Với bản tính của những đối tượng lưu manh, côn đồ, các đối tượng đã thống nhất lời khai, rồi cho một người đứng ra nhận tội cho đồng bọn..., gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Công an tỉnh Hải Dương làm việc với đối tượng trong vụ án
Để triệt phá ổ nhóm tội phạm trên, các tổ công tác đã âm thầm xác định điều tra. Qua theo dõi, các trinh sát phát hiện Hà sử dụng phần mềm để quản lý và điều hành hoạt động cho vay tín dụng đen. Hằng ngày, toàn bộ các giấy tờ cho vay tiền dưới hình thức cho vay lãi nặng tại các cửa hàng cầm đồ, Hà đều thu gom về nhà cất giấu hoặc gửi ở những người hàng xóm xung quanh. Trong trường hợp thu giữ chỉ có một vài giấy vay tiền, trên đó cũng không ghi mức lãi suất khiến chứng minh tội phạm không dễ dàng...
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự và Công an huyện Thanh Hà quyết định chọn thời điểm phá án là khi có người vào vay tiền, các đối tượng nhập mã trên hệ thống. Từ đó, thu giữ được các password, phục vụ việc thu thập các dấu vết, chứng minh tội phạm.
Theo đó, ngày 17-6, các tổ công tác đồng loạt tiến hành kiểm tra 7 cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính trên địa bàn huyện Thanh Hà gồm: quán hỗ trợ tài chính, cho vay tín chấp ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt; quán hỗ trợ tài chính, cho vay tín chấp ở số 52 Nguyễn Hải Thanh, thị trấn Thanh Hà; quán hỗ trợ tài chính, cho vay tín chấp ở xóm 1, xã Tân An, huyện Thanh Hà; quán cầm đồ Hanh Nhôm ở thôn Du La, xã Cẩm Chế; quán hỗ trợ tài chính, cho vay tín chấp ở thôn 2, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà và quán hỗ trợ tài chính, cho vay tín chấp ở xóm 3, thôn Cổ Chẩm, xã Việt Hồng, Thanh Hà, Hải Dương.
Các giấy vay nợ cơ quan Công an thu giữ
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã triệu tập 11 đối tượng trong ổ nhóm cho vay lãi nặng, gồm: Lê Công Hanh, Lê Văn Hà; Lê Văn Vĩnh (SN 1977); Hoàng Mạnh Tiến (SN 1992); Lê Văn Đông (SN 1986, đều ở thôn Du La); Vũ Thanh Tùng (SN 1998, ở thôn Kỳ Tây); Phí Ngọc Quang (SN 1998); Tiêu Văn Hưng (SN 1989, đều ở thôn Nhân Lư); Vũ Ngọc Tuấn (SN 1982, ở xã Cẩm Chế); Nguyễn Công Quỳnh (SN 1992, ở thôn Cam Lộ, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà) và Tạ Văn Thắng (SN 1987, Vân Đồn, Quảng Ninh) đến trụ sở làm việc.
Quá trình đấu tranh, các đối tượng bước đầu khai nhận hành vi vi phạm phù hợp với tài liệu thu được. Còn đối tượng Hanh và Hà khai nhận đã mở hoạt động cho vay lãi nặng, (lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu vay/1 ngày tương đương với lãi suất từ 109,5 đến 182,5%/1 năm).
Từ cuối năm 2017 đến nay, các đối tượng cho 3.783 lượt vay tiền, tổng số tiền cho vay gần 60 tỷ đồng, tiền lãi thu về là hơn 24 tỷ đồng. Trong đó, có 3.315 hợp đồng vay đã kết thúc, số tiền cho vay là hơn 50 tỷ đồng; số tiền lãi thu hơn 20 tỷ đồng và có 468 lượt người đang vay tiền với số tiền đang cho vay gần 8 tỷ đồng.
Hung khí gồm dao và bình xịt hơi cay, các đối tượng dùng để gây án
Mở rộng điều tra, tổ công tác làm rõ vụ cố ý gây thương tích xảy ra ngày 25-10-2019 của nhóm của Lê Công Hanh và Lê Công Hà. Để đòi nợ số tiền mà anh Phạm Đắc Tài đã vay trước đó, Hanh và Hà cùng 16 đối tượng đều là các nhân viên của các quán cầm đồ, tư vấn tài chính đã sử dụng 4 ô tô đi đến quán nước ở ngã tư thuộc địa phận xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà gặp anh Tài và Nguyễn Văn Chung (SN 1990, ở Hải Phòng) để đòi nợ số tiền Tài vay trước đó là 40 triệu đồng, lãi 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày.
Trong lúc đòi nợ đã xảy ra mâu thuẫn, Hanh hô hào các đối tượng đánh anh Tài. Trong đó, Hà cầm bình xịt hơi cay xịt vào mặt anh Tài; đối tượng Nguyễn Bá Sơn (SN 1994, ở Cẩm Chế) dùng hung khí chém gây thương tích cho anh Tài.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự đang tiếp tục mở rộng án, truy bắt các đối tượng khác trong ổ nhóm và các vụ án khác do băng nhóm này gây ra.