(CATP) Khi phát hiện ba xác chết bị dìm dưới suối, từ những manh mối thu thập, cơ quan điều tra đã tìm ra một nhóm người giết cả 5 mẹ con, cướp tài sản bằng thủ đoạn lừa vượt biên ở Quảng Ngãi. Câu chuyện xảy ra đã hơn 30 năm.
PHÁT HIỆN KINH HOÀNG
Chiều 17-5-1985, đại tá Đỗ Thành Lê (lúc bấy giờ làm Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghĩa Bình - Quảng Ngãi và Bình Định) cùng các đồng nghiệp nhận tin báo: người dân thôn Phú Long, xã Bình Phước (huyện Bình Sơn, tỉnh Nghĩa Bình) phát hiện 3 xác chết tại một con suối trong thôn. Nhận thấy đây là vụ việc quá nghiêm trọng, Công an tỉnh huy động lực lượng xác minh, điều tra. Khi đến hiện trường, từ vòng ngoài người dân đã vây kín cả khu vực, gây không ít khó khăn cho công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc...
Khám nghiệm tử thi cho thấy, một phụ nữ khoảng trên 30 tuổi, cùng hai bé gái khoảng 4 tuổi và gần 10 tuổi tử vong do bị bóp cổ, riêng cháu gái 10 tuổi, trên người không mặc quần áo. Nạn nhân được xác định đã tử vong trước đó khoảng 17 tiếng đồng hồ. Thủ phạm thuận tay trái vì các vết bầm trên cổ các nạn nhân tập trung nhiều về phía bên phải.
Sau khi giết người, đối tượng vứt xác xuống sông để đánh lạc hướng điều tra của công an. Cách 3 thi thể khoảng 250m có một túi xách bằng cước và một thiệp mời đám cưới bị rách một phần, chữ bị nhòe...
Hiện trường phát hiện thi thể 3 mẹ con bà T. - Ảnh: Hoài Hà
Bước đầu nhận định, vụ án liên quan đến giết người, cướp tài sản. Thủ phạm rất thông thuộc địa hình, nên khả năng có liên quan đến người địa phương. Điều đáng nói, nạn nhân không phải là người địa phương và không có giấy tờ tùy thân nên công tác xác minh nhân thân gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, cơ quan công an xác định phải làm rõ nhân thân thì mới có cơ hội tìm ra manh mối vụ án.
MANH MỐI TỪ TẤM THIỆP CƯỚI
Trong các vật chứng thu thập tại hiện trường, tấm thiệp cưới được lực lượng phá án quan tâm nhất, vì đây có thể là manh mối tìm ra nhân thân nạn nhân. Do bị rơi xuống nước nên chữ trong thiệp nhòe, nhàu nát không đọc được. Các cán bộ phòng kỹ thuật hình sự phải ngày đêm nghiên cứu, mày mò mới nhận ra chữ “Chị Hóa + anh Hiền” - hai địa chỉ “Yên Thành” và “Vĩnh Thạnh”.
Theo cơ quan điều tra, ghi nhận ở Nha Trang (tỉnh Phú Khánh, nay thuộc tỉnh Khánh Hòa) có nhiều địa danh có từ Vĩnh hoặc Thạnh. Đúng như dự đoán, liên lạc với Công an tỉnh Phú Khánh và được xác nhận Vĩnh Thạnh là một phường ngoại thành của Nha Trang. Phòng Cảnh sát hình sự liền cử tổ công tác vào TP. Nha Trang để tìm manh mối.
Đến Vĩnh Thạnh, trong khoảng thời gian trên có 3 đám cưới. Tại nhà ông P.P.T (phường Vĩnh Thạnh) có lễ vu quy của con gái kết hôn với anh P.V.D (quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ Tĩnh, nay thuộc tỉnh Nghệ An). Nhưng lạ là cưới xong, mọi người trong gia đình vẫn bình yên vô sự, đám cưới diễn ra bình thường. Chị Hóa và anh Hiền (ngụ cùng phường) nhưng cả hai vẫn sống và trong thời gian xảy ra vụ án không ai rời khỏi địa phương.
Tích cực xác minh, anh D. xác nhận chính mình viết thiệp mời chị Hóa và anh Hiền. Nhưng vợ anh D. đã không gửi thiệp đi vì ngại, do từng có quan hệ tình cảm với anh Hiền. Chiếc thiệp này anh D. kẹp trong tập đặc san để ở phòng nghỉ tại nhà chị Cúc. Đến nhà chị Cúc thì tập đặc san và cả thiệp mời không còn. Một chi tiết mà anh D. nghi ngờ: có khả năng P.T.H (ngụ phường Phương Sơn, Nha Trang) đã lấy. Nhận thấy đây là thông tin quý giá, CQĐT lần theo manh mối.
Tổ công tác Công an tỉnh Nghĩa Bình đến nhà chị H. được biết: trước ngày 15-5-1985, có 3 người họ hàng với mẹ của H. đến ở, nay đi đâu không ai biết. Đó là chị V.T.T (SN 1949) cùng hai con gái Đ.H.C.L và Đ.T.H.T (đều ngụ phường Phương Sơn). Chị H. cung cấp thêm, thời điểm đám cưới anh D. và chị C. , H. có cầm tập đặc san ở nhà chị C. về xem, trong đó có thiệp mời. Cháu T. thấy tấm thiệp đẹp nên xin chơi rồi bỏ đâu không ai biết, cũng chẳng ai để ý.
Đại tá Đỗ Thành Lê kể lại sự việc- Ảnh: Hoài Hà
Từ đây, Ban chuyên án quyết tâm xác minh nhân thân mẹ con có cầm theo tấm thiệp. Tại phường Phương Sơn, cán bộ địa phương cung cấp: bà Thị có chồng làm sĩ quan chế độ cũ đã vượt biên ra nước ngoài, có 4 con nhỏ là Đ.D.N (SN 1974), Đ.S (SN 1975), Đ.L (SN 1977) và Đ.T (SN 1981). Hiện cả 5 mẹ con chưa theo chồng ra nước ngoài. Người dân cũng cung cấp thêm: Sau giải phóng, chồng gửi tiền về và bà T. cũng dành dụm để thực hiện kế hoạch cùng 4 đứa con ra nước ngoài đoàn tụ. Nhiều lần bị chính quyền địa phương đưa ra kiểm điểm vì vượt biên trái phép, bà T. vẫn không từ bỏ ý định. Hiện nay cũng đi đâu không rõ.
Một chi tiết mà CQĐT rất quan tâm khi người dân cung cấp là thời gian trước đó có nhóm người đàn ông lạ mặt được bà T. thuê tới nhà trao đổi, nhằm tổ chức cho mấy mẹ con vượt biên. Cách đây vài ngày, bà T. có tâm sự với những người bà con thân thuộc là, 2 con trai lớn vào tỉnh Thuận Hải (nay tách thành tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) và vượt biên ra nước ngoài thành công.
Bà T. và hai con gái nhỏ sẽ tiếp tục đi sau. Trong thời gian chờ đợi, bà T. và hai con gái chuyển lên sống cùng gia đình chị H. Ngày 15-5-1985, nhóm người này trở lại và đưa ba mẹ con bà T. đi đâu không rõ.
(Còn tiếp)