Tuyên án 61 bị cáo trong đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả

Thứ Năm, 24/10/2024 08:47

|

(CATP) Sau nhiều ngày xét xử, ngày 23/10, TAND TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang đã tuyên án đối với 61 bị cáo trong đường dây làm giả hơn 1.000 văn bằng, chứng chỉ của các trường đại học. Trong đó, có 4/61 bị cáo bị tuyên phạt án tù giam; 49 bị cáo hưởng án treo và 8 bị cáo bị phạt tiền.

TAND TP.Long Xuyên đã tuyên án đối với 61 bị cáo về các tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Trong số đó, 53 bị cáo nhận mức án từ 6 tháng tù treo đến 4 năm 3 tháng tù giam; có 8 bị cáo bị Hội đồng xét xử tuyên phạt tiền.

Cụ thể, bị cáo Phan Văn Đức (SN 1996, ngụ xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) là đối tượng cầm đầu bị tuyên phạt 4 năm 3 tháng tù giam về tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức"; bị cáo Lê Đăng Khoa (SN 1998, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) 4 năm tù giam; Nguyễn Thanh Tú (SN 1999, ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) 2 năm 9 tháng tù giam; Bùi Ngô Minh Khôi (SN 2000, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) 2 năm 3 tháng tù giam cùng về tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức". Ngoài ra, bị cáo Lê Đăng Khoa còn bị phạt bổ sung 25 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.

61 bị cáo làm hơn 1.000 bằng, chứng chỉ giả nghe tuyên án

Cùng với đó, 49 bị cáo khác nhận mức án từ 6 tháng đến 2 năm tù treo. Riêng 8 bị cáo, gồm: Đặng Hoàng Khang, Phạm Phước Toàn, Phan Thanh Hà, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thành Tâm, Lý Thị Thúy Vi, Lê Thị Huỳnh Như và Đoàn Thị Mai Thảo bị phạt mỗi người 30 triệu đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước.

Theo cáo trạng, đầu năm 2018, khi đang học tại Trường Cao đẳng nghề An Giang, bị cáo Phan Văn Đức đại diện cho nhóm sinh viên cao đẳng nghề (6 người) mua 6 chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, trình độ B giả của Nguyễn Văn Cường với giá 4,5 triệu đồng để đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp. Sau đó, Đức được Cường trả công 300.000 đồng. Từ đây, Đức phát hiện nhiều sinh viên có nhu cầu mua chứng chỉ ngoại ngữ Tiếng Anh trình độ A, B và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản để đủ điều kiện xét tốt nghiệp. Đức nảy sinh ý định nhận làm giả các tài liệu này để hưởng lợi.

Nhóm người làm giả bằng tốt nghiệp vừa bị công an bắt giữ

Ban đầu, việc mua bán chứng chỉ diễn ra khá nhỏ lẻ, chỉ xoay quanh vài người quen biết. Sau đó, Đức rủ rê, lôi kéo nhiều sinh viên khác tham gia làm trung gian. Những người này giúp thu thập thông tin cá nhân của người mua, nội dung muốn ghi trên chứng chỉ. Đức nhận thông tin rồi chuyển tiếp cho Cường để sản xuất chứng chỉ giả và giao lại cho người mua. Với mức giá từ 1,5 - 3,8 triệu đồng/mỗi chứng chỉ, tùy theo loại và yêu cầu của người mua, từ năm 2018 đến tháng 3/2023, Đức cùng với 60 người khác đã làm 1.013 tài liệu giả là bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B, chứng chỉ công nghệ thông tin cơ bản, tiếng Anh trình độ A2, B1. Tất cả đều được làm giả dưới tên các trường đại học lớn với dấu mộc và thông tin giống như thật, khiến người mua khó có thể phát hiện ra mình đang sử dụng chứng chỉ giả. Đức làm 800 tài liệu giả, thu lợi khoảng 100 triệu đồng; Khoa, My làm 317 tài liệu giả; Tú làm 60 tài liệu giả; Thái làm 55 tài liệu giả; Khôi làm 53 tài liệu giả; các bị cáo còn lại làm từ 2 - 44 tài liệu giả.

Số văn bằng, chứng chỉ giả bị cơ quan điều tra thu giữ

Những người mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giả sử dụng để đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp đại học, nộp hồ sơ xin việc, tuy có dấu hiệu phạm tội, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nên Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự những người này về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Còn Nguyễn Văn Cường và một số người khác làm giả tài liệu, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tách vụ án khác để tiếp tục điều tra.

Công an Hà Nội phá đường dây làm giả cả ngàn văn bằng, chứng chỉ, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng

Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm mới đây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Các bị can gồm: Nguyễn Duy Quang (35 tuổi, quê Hà Nội), Trương Bình Nguyên (27 tuổi, quê Nghệ An), Lê Đình Tiệp (27 tuổi, quê Hà Tĩnh), Lê Đình An (27 tuổi, quê Nghệ An), Bùi Văn Bình (27 tuổi, quê Bắc Giang), Nguyễn Đình Hoàng (26 tuổi, quê Nghệ An).

Trước đó vào cuối tháng 5/2024, Tổ công tác của Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Nam Từ Liêm làm nhiệm vụ tuần tra trên địa bàn phường Xuân Phương đã phát hiện Nguyễn Duy Quang đang đưa các bộ tài liệu cho người giao hàng, có biểu hiện nghi vấn. Công an đã tiến hành kiểm tra, đưa những người liên quan về trụ sở làm việc và thu giữ 2 bộ tài liệu, trong đó có nhiều giấy tờ nghi vấn làm giả. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của các nghi phạm, lực lượng chức năng thu giữ 4 con dấu đỏ đề tên một số trường đại học, trung cấp, 1.388 phôi bằng đại học và chứng chỉ khác nhau, cùng nhiều máy móc phục vụ cho hành vi phạm tội... Cơ quan Công an xác định, họ đã làm giả toàn bộ giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ để thu lợi bất chính.

Ngày 05/6, biết Quang bị cơ quan Công an bắt giữ nên Trương Bình Nguyên, Nguyễn Đình Hoàng, Bùi Văn Bình, Lê Đình Tiệp và Lê Đình An đã đến Công an Q.Nam Từ Liêm đầu thú về hành vi phạm tội. Các đối tượng khai nhận đã bán các loại giấy tờ giả với giá 1 triệu đồng (bằng cấp 3, giấy xác nhận sinh viên); 1,5 triệu đồng (bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ nghề); 2 triệu đồng (chứng chỉ ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp cao đẳng); 2,5 - 3 triệu đồng (bằng tốt nghiệp đại học). Nhóm làm giả bằng tốt nghiệp khai đã bán hơn 1.000 văn bằng, chứng chỉ và số tiền thu lợi bất chính lên đến 1,5 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang