Vụ Bộ y tế ‘ngâm’ quyết định trưng cầu giám định: Ban Nội chính Trung ương vào cuộc

Thứ Năm, 12/10/2017 00:43

|

(CAO) Quá trình điều tra, xác minh, nhận thấy Sở y tế tỉnh Đắk Lắk có dấu hiệu để xảy ra sai phạm số tiền trên 5,5 tỷ đồng, để có cơ sở xử lý vụ việc đúng theo quy định pháp luật, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk và VKSND cùng cấp đã ký các quyết định trưng cầu Bộ y tế giám định việc đấu thầu giá thuốc tại sở này.

Tuy nhiên, hơn 2 năm trôi qua, các cơ quan pháp luật... 5 lần có các văn bản gửi Bộ y tế nhưng không được hồi đáp.

Ngày 29-9-2017, ông Phan Đình Trạc – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã ký công văn gửi đích thân Bộ trưởng Bộ y tế, đề nghị xử lý rốt ráo sự việc.

Báo CATP số ra ngày 13-7-2017 đã có bài viết phản ánh về sự việc trên. Sau 4 lần (trong hai năm 2016-2017) cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk có các văn bản gửi Bộ y tế đề nghị giám định việc đấu thầu giá thuốc diễn ra trong hai năm 2012, 2013 tại Sở y tế Đắk Lắk, tuy nhiên, đến nay, Bộ này vẫn không phản hồi.

Ngày 24-8-2017, hai cơ quan công an, VKS đồng ký văn bản gửi Bộ y tế, nhưng một lần nữa sự việc tiếp tục bị rơi vào “quên lãng”. Mới đây, Trưởng ban Nội chính Trung ương có buổi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, vụ việc được đưa ra phân tích, mổ xẻ, quan điểm của Ban Nội chính Trung ương là phải có biện pháp xử lý nghiêm với sai phạm xảy ra tại Sở y tế Đắk Lắk.

Sở Y tế Đắk Lắk

Theo hồ sơ thể hiện: Năm 2012, Sở y tế Đắk Lắk thực hiện việc đấu thầu dự án mua sắm thuốc – vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh, dựa trên các Thông tư liên tịch của Bộ tài chính – Bộ y tế hướng dẫn, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án. Theo đó, Sở y tế Đắk Lắk được giao làm chủ đầu tư, tổ chức 15 gói thầu (chi phí mua thuốc) với tổng mức đầu tư 362 tỷ đồng. Nguồn vốn từ dự toán ngân sách nhà nước, vì lợi ích cộng đồng.

Sau khi triển khai hoàn thành việc đấu thầu tổng số 14/15 gói thầu, tổng giá trị trên 300 tỷ đồng, Sở y tế Đắk Lắk lập tờ trình UBND tỉnh xin bổ sung cấp nốt kinh phí trên 62 tỷ đồng còn lại và được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, Sở y tế Đắk Lắk sau đó không tổ chức đấu thầu mua thuốc mà có 4 lượt tờ trình đề nghị gia hạn thời gian thực hiện, kéo dài đến năm 2015.

Đúng thời điểm này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ về chủ trương thanh toán chi phí thuốc bảo hiểm y tế tại một số địa phương thực hiện chưa đúng quy định về cung ứng thuốc, Bộ y tế có công văn số 6946, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh rà soát, xác định và thống nhất giá thuốc trúng thầu thấp nhất năm 2013 của các tỉnh giáp ranh đã đấu thầu theo Thông tư 01/2012 để so sánh giá thuốc các cơ sở khám chữa bệnh đã thanh toán.

Sở y tế tỉnh Đắk Lắk sau đó có báo cáo số 372 với Bộ y tế, xác nhận, có việc 26 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có tổng cộng 506 mặt hàng thuốc có giá cao hơn giá đấu thầu thuốc thấp nhất của các tỉnh giáp ranh với tổng số tiền trên 5,5 tỷ đồng. Số tiền này dôi dư do có sự chênh lệch về đấu thầu giá thuốc mà Sở y tế Đắk Lắk được giao làm chủ đầu tư. Số tiền này sau đó đã được chuyển vào tài khoản của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Căn cứ kết quả các tài liệu thu thập được, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Việc thực hiện đấu thầu gói thuốc theo tên Genneric có dấu hiệu sai phạm trong lựa chọn nhà thầu và xếp nhóm thuốc dự thầu. Việc lựa chọn nhà thầu đã bộc lộ rõ việc Sở y tế trong vai trò là chủ đầu tư đã quá “ưu ái” với một doanh nghiệp tham gia đấu thầu, thậm chí là được độc quyền đấu thầu đến 7 mặt hàng thuốc, được thanh lý hợp đồng với số tiền trên 5,5 tỷ đồng, đó là Liên doanh Hoàng Vũ - Pymepharco.

Mặc dù công bố hình thức lựa chọn nhà thầu: đấu thầu rộng rãi, vậy nhưng, quá trình tổ chức đấu thầu một số mặt hàng thuốc, diễn ra vào năm 2014-2015, nhiều tài liệu cho thấy, chỉ xuất hiện 1 nhà thầu chỉ định hoặc tối đa… 2 nhà thầu được tham gia. Lạ đời ở chỗ, nhà thầu nào có giá dự thầu… cao hơn thì được trúng giá, dẫn đến tình trạng các bệnh nhân phải mua thuốc điều trị với giá cả đắt đỏ thay vì được mua giá “mềm” (?!).

Xác định có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Sở y tế Đắk Lắk, Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk sau đó chỉ đạo, giao cơ quan CSĐT Công an tỉnh điều tra vụ việc.

Văn bản chỉ đạo số 1940 của Văn phòng Chính Phủ về việc làm rõ các sai phạm của Sở y tế Đắk Lắk

Không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hành vi tổ chức đấu thầu giá thuốc, mua sắm thuốc bất hợp lý xảy ra tại Sở y tế Đắk Lắk, sở này còn duyệt mua sắm 111 bộ máy tính trị giá 2,8 tỷ đồng rồi để “đắp chiếu” từ năm 2010 đến nay, do số máy tính này được duyệt mua dành phục vụ cho Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Trong khi bệnh viện này cho đến nay vẫn chưa xây dựng xong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phải chỉ đạo xác minh, làm rõ các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng tại Sở y tế Đắk Lắk. Vậy nhưng, lạ thay, cho đến nay, những sai phạm tại sở này vẫn không bị xử lý nghiêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang