Bán 8 dĩa cơm một ngày đã phải nộp thuế?

Thứ Sáu, 08/01/2016 06:25  | Trương Lâm

|

(CAO) Nếu so ở các quận trung tâm thành phố, thì các mặt hàng quen thuộc như: phở, hủ tiếu, cơm,... có giá trung bình dao động từ 35.000 - 40.000 đồng một suất. Như vậy, tính ra cứ bán được 8 suất/ngày thì phải đóng thuế?

Theo quy định mới có hiệu lực từ 1-1, các hộ kinh doanh, kể cả quán ăn vỉa hè đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Như vậy, tương đương với trên 8,33 triệu đồng/tháng hay doanh thu trên 277.000 đồng/ngày phải nộp thuế.

Lấy ai kiểm chứng?

Chị Mai Xuân Giang, đang bán quán hủ tiếu gõ ngay góc đường ở Quận 4, TP.HCM cho biết: “Thu nhập hiện tại buôn bán cũng đủ sống, hai vợ chồng chỉ trông cậy vào quán hủ hiếu này để nuôi hai đứa con ăn học. Người ta đi làm mới có thu nhập ổn định, chứ như tụi tôi, ngày bán được, ngày không. Chưa kể những lúc ốm đau bệnh tật ở nhà vợ chồng chăm sóc nhau, phải nghỉ bán. Ngay cả đến mặt bằng quán, người ta cũng thương tình tháng thu 1 triệu đồng tiền mặt bằng. Mốt nếu phải đóng thuế tôi cũng chẳng biết phải xoay sở ra sao!”

Những quán ăn ở các quận trung tâm phải chống chọi với nhiều khoản phí phát sinh 

Rõ ràng, việc chứng thực để người dân đóng thuế cũng không phải chuyện đơn giản. Nhất là với các hộ buôn bán vỉa hè, không có chỗ cố định, thì cách đối phó “đuổi thì chạy” không phải là không khả thi.

Đó là chưa kể gánh nặng gia đình của các hộ kinh doanh là khác nhau, còn phải thống kê số người phụ thuộc. Nếu không dễ khiến nhiều gia đình thêm khó khăn vì phải gánh thêm một khoản thuế. Trong khi các hộ kinh doanh nhỏ lẽ đã gánh nhiều thứ tiền khác như: điện, nước, mặt bằng,...

Chưa sâu sát với tình hình thực tế

Theo báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện luật Thuế TNCN, tính đến hết năm 2013, ngành thuế đã hoàn tất việc cấp 17,47 triệu mã số thuế. Trong đó, có 14,4 triệu cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập khác; 3,046 triệu mã số thuế hộ gia đình, cá nhân có thu nhập từ kinh doanh.

Ai sẽ thống kê thu nhập của những người bán hàng rong?

Số người có thu nhập từ tiền lương, tiền công nộp thuế ở bậc 1 chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số người phải nộp thuế, khoảng 73 - 77% trong suốt 5 năm qua, trong khi số người nộp thuế từ bậc 2 trở lên chỉ 23 - 27%.

Điều đó đồng nghĩa với việc những người chỉ có một công việc làm công ăn lương luôn phải đóng thuế nhiều hơn. Trong khi, những người có thu nhập khác ngoài công việc chính hay những hộ kinh doanh lớn chỉ phải chịu mức thuế được coi là thấp so với doanh thu do buôn bán hay thu nhập ngoài đạt được.

Bình luận (0)

Lên đầu trang