Bé gái 10 tháng tuổi té úp mặt vào thau nước chết thương tâm

Thứ Sáu, 14/04/2017 08:10  | Ngô Đồng

|

(CAO) Chỉ vài phút không nhìn thấy con gái bé bỏng đâu, người cha đi ra sau tìm thì tá hỏa khi thấy con nằm úp mặt trong thau nước, tím tái.

Ngay lập tức bé được đưa đến BV Hóc Môn để sơ cứu, nhưng vì thời gian di chuyển từ nhà đến BV mất khoảng 25 phút, qua thời gian vàng nên tình trạng của bé rơi vào nguy kịch.

Tại BV Hóc Môn, các bác sĩ tích cực hồi sức tim phổi khoảng 30 phút thì thấy tim có dấu hiệu đập lại nhưng tiến triển không mấy khả quan, nên tiếp tục vừa bóp bóng thở vừa đưa bé đến BV Nhi Đồng 1.

BS Võ Thanh Vũ, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc BV Nhi Đồng 1 cho biết, bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tím tái, não đã chết nên dù được hồi sức tim phổi tích cực nhưng bé vẫn không qua khỏi.

BS Võ Thanh Vũ, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc BV Nhi Đồng 1. Ảnh: NĐ

BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 cho biết, BV thường xuyên tiếp nhận xử trí những trường hợp trẻ nhỏ bị ngạt nước rất thương tâm. Chỉ cần một phút lơ là của người lớn là trẻ đã có thể gặp nguy hiểm, nhất là với những trẻ nhỏ vừa mới biết bò, biết đi chập chững, thích khám phá.

Chỉ cần một phút lơ là là trẻ nhỏ gặp nguy hại. Ảnh: NĐ

Do đó, BS Phương khuyến cáo, trẻ giai đoạn mới biết bò, biết đi, phụ huyng phải giám sát không rời trẻ. Lu, xô, chậu trong nhà phải nằm khu cách ly, trẻ không tiếp cận được để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Khi trường hợp đáng tiếc xảy ra, phải hồi sức tại hiện trường, hà hơi thổi ngạt, kích thích máu lưu thông, cung cấp oxy cho não. Việc thực hiện các động tác hồi sức cho trẻ cần thực hiện liên tục kể cả trên đường đi đến bệnh viện, đồng thời gọi cấp cứu 115 để được hỗ trợ.

Bác sĩ Phương cho biết: “Thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ bị ngạt thở chỉ có 4 phút. Trong thời gian này, gia đình phải tích cực nhồi tim, hà hơi thổi ngạt để tăng lượng oxy lên não. Sau 4 phút bé sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Sau 10 phút thì bé chết não. Cho dù cứu được bé thì rất nhiều khả năng bé phải sống thực vật".

"Khi trường hợp đáng tiếc xảy ra, phải hồi sức tại hiện trường, hà hơi thổi ngạt, kích thích máu lưu thông, cung cấp oxy cho não", BS Phương khuyến cáo. Ảnh: NĐ

“Với thời gian 4 phút không có cách nào kịp đưa trẻ đến bệnh viện, do đó phụ huynh cần trang bị cho mình các kỹ thuật sơ cứu tại chỗ đề phòng những tình huống khẩn cấp như vậy”, BS Phương chia sẻ.

Thạch rau câu, trân châu trà sữa: Hung thần 'ngọt ngào' cướp sinh mạng trẻ nhỏ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang