Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nói về nhiễm sán lợn: “Không có gì là bất thường"

Thứ Hai, 18/03/2019 18:23  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Ông Nguyễn Nhân Chiến – Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho rằng tỉ lệ nhiễm bệnh của trẻ em Bắc Ninh nằm trong khoảng bình quân chung của cộng đồng ở Việt Nam, tức hơn 11% (186/1.557 kết quả).

Đây là tỷ lệ dao động chung của người dân Việt Nam là từ 10 – 12% và tương đương với 55 tỉnh, không có gì là bất thường. Người dân các xã không phải lo lắng, hoang mang thái quá.

Chiều 18-3, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã thông tin xung quanh sự việc nhiều trẻ em ở một số trường mầm non thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh dương tính với ấu trùng sán lợn.

Ông Chiến cho biết, sau khi nghe một số ý kiến của các đại biểu ở cơ quan, chính quyền huyện Thuận Thành thì tỉ lệ nhiễm bệnh của trẻ em Bắc Ninh nằm trong khoảng bình quân chung của cộng đồng người dân Việt Nam, tức hơn 11% (186/1.557 kết quả).

Tỉnh Bắc Ninh nằm trong tỷ lệ dao động chung của người dân Việt Nam là từ 10 – 12% và tương đương với 55 tỉnh, không có gì là bất thường. Người dân các xã không phải lo lắng, hoang mang thái quá.

Ông Chiến dẫn lời GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, trẻ ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn được nhận định là có “3 không”. Đây không phải là ngộ độc thực phẩm, không phải là dịch - không phải là bệnh cấp tính. Sán lợn là bệnh chữa được, người dân không nên hoang mang, dao động.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nói về học sinh nhiễm sán lợn tại tỉnh này.

Ngoài ra, ông Chiến cũng cho biết thêm, chúng ta chưa nên đổ lỗi cho cơ sở nào vì cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh và chưa có kết luận điều tra chính thức.

“Hiện nay, tỉnh đã giao cho cơ quan Công an, Ban an toàn thực phẩm cùng các cơ quan liên quan làm việc với thái độ nhanh nhất, trung thực, khách quan nhất trên cơ sở không bao che.

Chúng ta cũng cần đặt lại vấn đề, trong trường đó giả sử có 100 học sinh, cả cô và trò cùng ăn thức ăn đó, tại sao lại chỉ có 10 em nhiễm sán còn 90 em không nhiễm. Cơ quan chức năng cũng cần phải làm rõ ý này, tại sao lại có hiện tượng này.

Con đường lây lan phải do các ban ngành chuyên môn y tế, các cơ quan chức năng tìm ra, phải làm rõ nguyên nhân điều này để tránh hoang mang dư luận. Chính vì thế, đề nghị chúng ta chưa quy kết vấn đề cho một cơ quan nào, tổ chức, cá nhân nào, mà cái đó phải chờ kết luận chính thức của các cấp có thẩm quyền làm việc khách quan vô tư phán đoán chính xác”, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhấn mạnh.

Tỉnh cũng yêu cầu xác minh làm rõ phụ huynh quay clip đăng lên mạng thịt lợn gạo vào ngày 14-2 có phải tại trường mầm non ở Thuận Thành hay không. Nếu đúng, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí xét nghiệm sán lợn gạo cho các trường hợp trên.

Sáng nay nhiều phụ huynh đưa học sinh đi lấy mẫu ngay tại địa phương để xét nghiệm

Còn việc có khám tổng thể cho cả người lớn hay không thì tỉnh chưa có chủ trương đó. Người dân Bắc Ninh cũng không cần phải đi xét nghiệm như thế. Mức nhiễm dương tính sán ở các đối tượng đã đi xét nghiệm thuộc huyện Thuận Thành vẫn nằm trong khoảng bình quân chung của người dân Việt Nam, không có gì đột biến.

Tỉnh Bắc Ninh cũng đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xung quanh vụ việc này.

Ông Chiến đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Ninh, phải vào cuộc nhanh nhất, khẩn trương, sớm có kết quả để thông báo đến người dân, tránh hoang mang, càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đây là vấn đề trọng tâm, đột xuất để chúng ta sớm đảm bảo ổn định tình hình.

Giao nhiệm vụ cho các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền để cho người dân biết về bệnh sán lợn. Lấy tài liệu tuyên truyền từ Cục Y tế dự phòng gửi để người dân nắm được cách phòng bệnh, điều trị, tránh hoang mang, dao động, lo lắng.

Hướng dẫn người dân cách điều trị, phòng ngừa và trên cơ sở tuyên truyền như vậy, người dân nào vẫn thấy cần thiết phải đưa con mình đi lấy mẫu để xét nghiệm thì hướng dẫn người dân đi lấy máu theo lịch của huyện Thuận Thành.

“Chúng ta không thể bắt buộc tất cả mọi người mang con của mình đi lấy máu được, hoàn toàn theo tự giác của người dân, nếu như có nguyện vọng, chứ chúng ta không phải đi vận động tất cả các hộ đi xét nghiệm, ép buộc là không được, đây là quyền công dân.

Nhưng gia đình nào không cho con đi xét nghiệm là quyền của người ta, nếu người dân nào vẫn có nguyện vọng đưa các cháu đi lấy máu để xét nghiệm thì chúng ta tạo điều kiện tốt nhất, đó là chúng ta đưa về trạm y tế xã. Vì mỗi xã có nhiều điểm trường cho nên nếu đi các điểm trường vận chuyển thiết bị không tiện, không đảm bảo vệ sinh. Cho nên chúng ta làm ở trạm y tế xã là hợp lý

Khi người dân đưa con em đến lấy máu xét nghiệm thì chúng ta phải tạo điều kiện tốt, trong quá trình thăm khám rồi lấy máu, hướng dẫn rồi ta tư vấn luôn. Đề nghị bác sĩ có trách nhiệm tư vấn hỗ trợ để người dẫn đỡ hoang mang”, ông Chiến nói.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra vụ nhiều trẻ em nhiễm sán lợn

Ngày 18/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn tại một số địa phương.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cử ngay đoàn công tác về tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh có phát hiện để chỉ đạo phòng, chống bệnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa; tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc kịp thời khám, điều trị cho người bệnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, nhất là các cơ sở có bếp ăn cho học sinh và vệ sinh trường học; tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh học sinh thực hiện ăn uống hợp vệ sinh và vệ sinh thân thể.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại tỉnh Bắc Ninh.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh, chủ động thực hành các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm, thực hiện "ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn"; thực hiện phương thức sản xuất an toàn, hiện đại; chỉ đạo ngành Y tế chủ động phát hiện bệnh, điều trị tích cực, kịp thời cho các trường hợp nhiễm bệnh.

Hàng ngàn học sinh đến trường mầm non xét nghiệm sán lợn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang