Chuyện buồn của làng không tên đu cáp dây qua suối dữ

Thứ Ba, 15/09/2015 09:29  | Chí Dũng

|

(CAO) Nhiều năm nay, người dân sống xung quanh khu vực suối Đôi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) vẫn phải liều mình đu cáp dây qua dòng suối chảy xiết. Đáng buồn hơn, có 15 em phải nghỉ học vì không thể... đu cáp đến trường.

Cả làng cùng đu dây qua suối dữ

Cách trung tâm xã Ia Dom chừng 3km, thị trấn Đức Cơ hơn 10km, nhưng 15 hộ dân, với 40 nhân khẩu sống ở khu vực đất lâm trường của Ban quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ có cuộc sống tách biệt với phần còn lại của xã.

Muốn đi qua bên kia suối, người dân chỉ có đu cáp dây

Đa số họ là người ở miền Tây tay bồng, tay bế đưa gia đình lên đây làm thuê sinh, mưu sinh. Tưởng chừng cuộc sống của các hộ dân sẽ khá hơn quê nhà, nhưng thực tế lại khác. Hơn 40 nhân khẩu sinh sống trong phần đất của lâm trường, người mới cũng vài ba năm, người lâu gần cả chục năm. Đến nay không ai trong số họ có một tấc đất cắm dùi, không đường, không điện, không trường...

Vì là cuộc sống làm thuê, định cư không phép trên phần đất lâm nghiệp nên các quyền và nghĩa vụ đối với các công dân bình thường dường như bị lãng quên. Khi chúng tôi xuống UBND xã tìm hiểu thì xã không nắm được con số cụ thể bao nhiêu hộ sinh sống tại đây. Chủ tịch UBND xã tức tốc cho người vào tìm hiểu để thống kê con số. Trong 1 buổi sáng, chúng tôi nhận được khá nhiều số liệu không giống nhau về con số nhân khẩu tại đây.

Học sinh nghỉ học vì... đu cáp không nổi

Hàng ngày, hơn 40 nhân khẩu ở đây muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài là phải đu cáp dây qua suối. Vào mùa mưa, con suối trở nên “hung dữ”, nước cuồn cuộn chảy xiết, phía trên cáp treo người đung đưa theo dây. Sợ nguy hiểm, nhiều người hạn chế tối đa việc đu cáp qua bờ bên kia.

Nhiều em phải nghĩ học vì không có ai đưa qua cáp dây

Khổ nhất vẫn là 20 đứa trẻ. Phần lớn các em đang độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5, rất ít em đi học. Theo người dân, chỉ có 5 em được đến trường. Mỗi ngày, các em muốn đi học phải đu cáp dây qua con suối này 2 lần. Một phần vì nguy hiểm, 1 phần vì các em không đủ sức kéo dây nên mỗi lần muốn vượt suối phải có người lớn đi cùng. Khổ nổi, bố mẹ chúng đầu tắt mặt tối với công việc làm thuê lấy đâu ra thời gian đưa chúng đến trường, hệ quả các em nghỉ học gần hết.

Em Đinh Ngọc Mơ (học sinh lớp 2, trường Tiểu học Trần Phú) đi học về được 1 người hàng xóm đưa qua cáp. Vừa xuống đến bờ em cho biết, gia đình của em ở tận Cà Mau lên đây sinh sống. Ngoài em, còn có 1 chị lớn hơn em 2 tuổi nhưng đã nghỉ học. Mỗi lần đi học hoặc đi về, em phải đứng ở đầu cáp đợi để có người lớn đi qua em xin đi cùng. Em cũng thường xuyên phải nghỉ ở nhà vì khi nước lớn không thể đi qua cáp.

Bề ngang của suối Đôi có độ rộng khoảng 40m

Vì không có cầu nên những vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Ông Trần Văn Thành (một trong hơn 40 nhân khẩu sống bên kia lâm trường) cho biết, mới đây có 3 thanh niên đu cáp ra giữa suối thì bị gãy thanh sắt khiến cả 3 ngã xuống nhưng cả 3 thoát nạn nhờ biết bơi. “Thương tâm nhất vẫn là trường hợp em gái tôi. Cách đây 2 năm vượt suối đi mua gạo, không may sảy chân bị nước cuốn trôi. Khi đó em tôi mới 22 tuổi”, anh Thành buồn bã nói.

Ngoài trẻ em thì phụ nữ là 1 trong những người chịu tác động lớn từ việc vượt cáp dây qua suối. Nhiều trường hợp đến kỳ sinh, người thân cũng phải đưa chị em lên cáp rồi đu qua. Khá may mắn là từ trước đến nay, chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra đối với các bà bầu khi đi qua cáp dây treo.

Đang mang bầu sắp sinh, chị Tô Kim Nhàn vẫn canh cánh nỗi lo:“Tôi sắp sinh, cũng là cao điểm mùa mưa, lúc đó tôi chỉ sợ cáp treo không đi được thì không biết làm sao (?). Ở đây không có 1 y tá hay bà đỡ nào, còn bên kia suối, cáp không đi được thì không có cách nào qua”.

Cần lắm 1 cây cầu cho dân đỡ khổ

Không chỉ 15 hộ phải thường xuyên đu cáp treo qua suối mà 689 nhân khẩu của các đội 15, 17 và 18 thuộc Công ty 72 – Binh đoàn 15, nhiều người cũng phải thường xuyên qua bên kia suối làm thêm. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi chứng kiến có hàng chục lượt người đu cáp qua suối. Được hỏi, tất cả đều trả lời “sợ thì có sợ nhưng bắt buộc phải đi thôi”.

Cần lắm 1 cây cầu

Ông Nguyễn Hữu Thiện - Chủ tịch xã Ia Dom cho biết, cáp dây đu qua suối Đôi trước đây do lâm trường làm vận chuyển cây giống. Sau này, người dân cải tạo thành cáp dây để đi qua suối. 16 hộ dân sống bên kia suối là làm thuê cho lâm trường, đất đó là đất lâm nghiệp nên không được phép ở. Chúng tôi đã cho khảo sát xây 1 cây cầu nơi khác cách đó không xa nhưng kinh phí quá lớn chưa thể làm được.

Còn ông Nguyễn Văn Luyện - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đức Cơ cho biết, UBND huyện mới nhận được thông tin, trước đây không thấy xã báo cáo gì. Sáng nay, đoàn lãnh đạo của do chủ tịch UBND huyện mới xuống khu vực trên để nắm tình hình. Huyện cũng chỉ đạo xã báo cáo cụ thể về tình hình người dân sống ở đây. Do đây không phải là vị trí để xây cầu dân sinh, nên trước đây chúng tôi không đưa vào kế hoạch làm cầu.

Được biết, Đoàn lãnh đạo huyện, Đoàn công tác của Sở Giao thông Vận tải Gia Lai đã tiến hành thị sát và sẽ có những báo cáo, kế hoạch cụ thể đối với số phận dây cáp treo trên khu vực suối Đôi.

Clip trẻ nhỏ đu cáp qua suối:

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang