Không có dấu mộc của cơ quan chức năng, có đủ cơ sở pháp lý để thừa kế?

Thứ Bảy, 07/11/2020 12:18

|

(CATP) Ngày 6-12-2018, TAND tỉnh Bình Thuận thụ lý đơn khởi kiện của anh Nguyễn Gia Vĩnh Hiệp (SN 1979, ngụ P.Thanh Hải, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) về tranh chấp đất đai và yêu cầu hủy 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số BQ 456125 và CĐ 032824, liên quan đến quyền thừa kế. Hai năm trôi qua, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử. Trong khi đó, các thửa đất trên đã được chuyển nhượng nhiều lần, khiến sự việc càng thêm phức tạp.

Luật sư Đỗ Hồi Khanh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Người nào có hành vi giả mạo chữ ký được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nếu hành vi giả mạo chữ ký của người đó có mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cạnh đó, theo Khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất không được thực hiện các quyền chuyển nhượng khi đất có tranh chấp, mọi giao dịch phát sinh mua bán sẽ vô hiệu do không đủ điều kiện.

Di chúc chỉ cho một phần, làm "sổ đỏ” chiếm trọn

Phản ánh đến Báo Công an TPHCM, anh Hiệp rất bức xúc khi phần đất được mẹ và hai cậu ruột để thừa kế đã bị dì ruột là bà Nguyễn Thị Ngoan (SN 1952) và người cậu ruột khác là ông Nguyễn Văn Học (SN 1950) chiếm đoạt.

Theo hồ sơ, ông Nguyễn Văn Hiện và bà Nguyễn Thị Nhặt (cùng SN 1913; ông bà ngoại của anh Hiệp) có 8 người con và cùng tạo dựng thửa đất khoảng 2.000m2. Ông Hiện qua đời năm 1993, không để lại di chúc. Đến năm 1998, bà Nhặt lập di chúc, phân chia tài sản cho các con.

Theo nội dung di chúc lập ngày 29-7-1998, tại Phòng Công chứng số 1 (tỉnh Bình Thuận), bà Nhặt quyết định: giao cho con gái Nguyễn Thị Ngoan phần thừa kế của mình và căn nhà lầu tọa lạc trên khu đất, có diện tích 60,77m2; cho vợ chồng người em gái là bà Nguyễn Thị Luật (SN 1935) - ông Nguyễn Văn Thuận (SN 1936) sử dụng lô đất 600m2; phần còn lại chia cho 8 người con. Do các con bà Nhặt đa phần sống ở nước ngoài nên bà Nhặt ủy quyền cho bà Ngoan quản lý, sử dụng, chờ ý kiến định đoạt hoặc thỏa thuận của các anh, chị, em.

Hai tháng sau khi bà Nhặt mất (tháng 9-2001), vợ chồng bà Luật - ông Thuận đến Phòng Công chứng số 1 (Bình Thuận) làm đơn "từ chối nhận di sản thừa kế là 600m2 đất mà bà Nhặt cho năm 1998, quyết định giao lại phần đất đó cho các con của bà Nhặt thừa hưởng". Như vậy, toàn bộ thửa đất của vợ chồng bà Nhặt thuộc quyền thừa kế hoàn toàn của 8 người con. Tuy nhiên, bà Ngoan (được ủy quyền quản lý tài sản theo di chúc) bắt đầu chia thửa đất ra bán cho nhiều người.

Khu đất tranh chấp

Ngày 30-3-2015, bà Ngoan bán phần đất 163,1m2 thuộc quyền thừa kế của mình nằm trong "sổ đỏ” (hồ sơ gốc số 2349B, tổng diện tích 400m2) cho anh Hiệp (gọi bà Ngoan là dì ruột), hợp đồng được công chứng. Phần đất còn lại gồm đất thừa kế chung của 8 anh, chị, em trong gia đình, bà Ngoan âm thầm đi làm 2 "sổ đỏ” mới số CĐ 032824 (diện tích 1.483,7m2) và BQ 456125 (diện tích 236,9m2), rồi bán hết cho người anh ruột thứ ba là ông Nguyễn Văn Học (SN 1950). Ông Học lại bán 2 thửa đất cho người khác. Sau đó, 2 thửa đất bị bán tiếp qua nhiều người.

Việc làm của bà Ngoan, ông Học bị anh Hiệp phát hiện và làm đơn khởi kiện gửi TAND tỉnh Bình Thuận, yêu cầu hủy 2 "sổ đỏ” số CĐ 032824 và BQ 456125. Theo hồ sơ, trong phần đất thừa kế chung mà ông bà ngoại anh Hiệp chia đều cho 8 người con, anh Hiệp được mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1958) và hai cậu ruột là Nguyễn Văn Hóa (SN 1947), Nguyễn Văn Tân (SN 1955) cho hưởng phần thừa kế, có giấy cho tặng tài sản được công chứng.

Nhiều dấu hiệu giả mạo

Anh Hiệp cung cấp cho chúng tôi nhiều bằng chứng cho thấy, bà Ngoan và người được bà Ngoan ủy quyền có dấu hiệu làm giả chữ ký, hồ sơ, giấy tờ thực hiện thủ tục cấp "sổ đỏ” cho thửa đất thuộc quyền thừa kế chung của 8 anh, chị, em.

Ngày 19-5-2015, bà Ngoan ký giấy ủy quyền cho ông Bùi Văn Long "để thực hiện các thủ tục khai báo, nộp, bổ sung và nhận hồ sơ xin cấp "sổ đỏ” cho các thửa đất theo di chúc của bà Nguyễn Thị Nhặt lập ngày 29-7-1998". Theo di chúc này, bà Ngoan không được quyền thừa hưởng toàn bộ thửa đất của cha mẹ để lại. Thế nhưng bà Ngoan và người được ủy quyền đã "hô biến" đất thừa kế chung thành đất của một mình bà Ngoan và được cấp 2 "sổ đỏ” mới số CĐ 032824, BQ 456125.

Trong đó, dấu hiệu giả mạo rõ nhất là "biên bản từ chối nhận di sản thừa kế của vợ chồng bà Nguyễn Thị Luật" và "giấy tặng thừa kế cho bà Ngoan từ các anh, chị, em trong gia đình", có cả chữ ký của bà Xuân, ông Hóa và ông Tân (những người đã làm văn bản cho tặng phần thừa kế cho anh Hiệp). Cầm bản gốc các văn bản có chứng nhận của công chứng viên trên tay, anh Hiệp chua chát: "Tôi không hiểu nổi vì sao dì Ngoan và cậu Học lại có thể chiếm toàn bộ phần tài sản thừa kế không phải của mình như vậy?".

Giấy xác nhận khước từ quyền sở hữu không có con dấu của văn phòng công chứng

Được biết, trước đó anh Hiệp đã gửi đơn tố cáo việc làm giả mạo giấy tờ đến Công an tỉnh Bình Thuận và được nơi đây hướng dẫn gửi đơn sang TAND tỉnh. Anh Hiệp gửi đơn và mong rằng TAND tỉnh Bình Thuận nhanh chóng thực hiện biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời đối với việc sang nhượng, thế chấp liên quan đến 2 thửa đất trên, chờ xét xử xong vụ việc, để tránh những hệ lụy rắc rối phát sinh thêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang