Hội đồng nhân dân TP.HCM:

Giám sát chỉ tiêu về nước sạch cho dân

Thứ Năm, 14/05/2015 11:02  | 

|

(CATP) Hầu hết các hộ này đang sử dụng nước giếng khoan nhưng chất lượng nước chưa được kiểm tra trước khi dùng.

Trong hai ngày 12 và 13-5-2015, HĐND TPHCM đã giám sát việc thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh, theo Nghị quyết 28/NQ-HĐND, trên địa bàn quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Tân Phú, quận 6, 9.

TP.HCM: Sawaco muốn tăng giá nước 10,5% mỗi năm

Ý kiến người dân Sài Gòn về việc tăng giá nước

TP.HCM: Hàng ngàn hộ dân uống mầm bệnh mỗi ngày

Trước đó, ngày 12-5, Báo Công an TPHCM có bài phản ánh “Thực trạng nước sạch tại TPHCM: Nơi thừa, nơi khát”.

Tính đến cuối tháng 3-2015, 67.902/ 148.705 hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước sạch, chiếm tỷ lệ 45,66%. Số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 80.803. Điều đáng nói, hầu hết các hộ này đang sử dụng nước giếng khoan (44.381 giếng. Trong đó số lượng giếng Unicep là 947 cái, số còn lại do người dân tự khoan), nhưng chất lượng nước chưa được kiểm tra trước khi dùng.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước giếng không qua xử lý tại các hộ dân chưa được cấp nước sạch ở huyện Bình Chánh.

Kết quả có đến 197/212 mẫu không đạt yêu cầu theo quy chuẩn quốc gia. UBND huyện Bình Chánh đã chỉ đạo các xã, thị trấn, tổ chức tuyên truyền, vận động chủ các giếng khoan chủ động lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân.

Riêng tại các khu vực đã có mạng lưới cấp nước sạch cấp 3 của Tổng Cty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), UBND huyện chỉ đạo UBND các xã vận động người dân sử dụng, từ bỏ thói quen sử dụng nước giếng khoan.

Đại biểu HĐNDTP kiểm tra chất lượng nước giếng khoan tại phường Trường Thạnh, Q9

Tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, có trường hợp ở KP2, do chưa có nước sạch sử dụng, đoàn kiểm tra phát hiện người dân phải sử dụng đến 3 nguồn nước: nguồn lấy từ tận thủy cục Bình Dương để nấu ăn, nước bình mua để uống và nguồn nước giếng để sinh hoạt chung. Đáng chú ý, nhiều hộ dân dọc kênh Ba Bò phải dùng nguồn nước từ giếng khoan có dấu hiệu bị nhiễm phèn, bốc mùi hôi tanh để uống, sinh hoạt mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có hệ thống nước sạch đến nhà, không sử dụng mà lại dùng nước giếng khoan vì giá cao.

Chủ tịch HĐNDTP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị quận Thủ Đức tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng nước sạch thay cho nước giếng khoan. Riêng kết quả kiểm định 104 mẫu nước nhưng chỉ có 2 mẫu đạt yêu cầu hợp vệ sinh, quận công khai ngay cho người dân để họ biết mức độ ô nhiễm, độc hại của nguồn nước.

Trên địa bàn quận 9 còn 1.591 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh thuộc 10 phường (chiếm 2,11%). Hầu hết các hộ dân này đều sử dụng bằng nguồn nước giếng khoan chưa đảm bảo vệ sinh. Hộ dân Phan Hoàng Tín (đường số 4, KP2, phường Trường Thạnh) khoan giếng sâu 30m lấy nước xài, anh tự lọc sơ qua dùng tắm giặt, tưới cây, còn lại mua nước bình uống và nấu ăn. Đoàn giám sát yêu cầu anh bơm nước lên kiểm tra trực quan, nhận thấy có mùi hôi tanh, nhiễm phèn nặng.

Lãnh đạo một số phường nêu lên tình trạng nhiều hộ dân không mặn mà với việc cấp nước bằng bồn chứa, cho rằng khó khăn trong việc quản lý, vận chuyển. Trên địa bàn quận hiện có 550 hộ dân nằm trong khu quy hoạch đã có quyết định thu hồi hoặc khu vực không thể làm đường ống vì không có đường giao thông tiếp cận.

Theo báo cáo của UBND Q.Bình Tân, trong số 224 mẫu nước giếng người dân đang sử dụng được xét nghiệm chỉ có 13 mẫu đạt chất lượng. Hiện trên địa bàn Q.Bình Tân còn tới 14.489 hộ dân chưa được cấp nước sạch. Còn đại diện UBND Q6 kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cấp nước sạch cho hộ nghèo...

N.Linh - T.Chính

Bình luận (0)

Lên đầu trang