Góc khuất trên đại lộ phồn hoa

Thứ Hai, 14/08/2017 06:26

|

(CAO) Cuối năm 2007, đại lộ Nguyễn Văn Linh, con đường huyền thoại thời mở cửa của TP.HCM chính thức hoạt động sau 11 năm xây dựng.

Đại lộ là xương sống của toàn bộ khu đô thị phía Nam thành phố, kết nối với những công trình trọng điểm như: Khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhà máy điện Hiệp Phước,… Cũng ngần ấy năm, bên cạnh những ánh đèn hoa lệ là biết bao phận người sống dọc con đường này để tìm kế mưu sinh và có cuộc sống cực khổ.

Khu ổ chuột giữa lòng thành phố

Gần giao lộ Nguyễn Văn Linh – QL50 (hướng về Q8), giữa đại lộ tỏa bóng rợp mát bởi những hang cây ven đường, người qua đây dễ dàng trông thấy một xóm nhà lá lấm lem. Phía sau nó là những con rạch chằng chịt. Phải dò hỏi mãi, chúng tôi mới biết được địa chỉ xóm “không tên” này thuộc ấp 2A, xã Bình Hưng, Bình Chánh.

Xóm nhà lá

Đó là khu ổ chuột của những người tha hương từ miền Tây lên Sài Gòn kiếm sống cả chục năm nay. Đặc biệt, có nhiều đứa trẻ nhem nhuốc, không được đến trường. Chị Hương, một người dân trong xóm cho biết, xóm có khoảng 20 hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà lá được che chắn một cách tạm bợ. Vật liệu lợp nhà thì được bà con tận dụng trong những cây dừa nước ở sau đó. Nhìn nơi đây phảng phất nét gì đó rất giống với miền quê nghèo ở miền Tây.

Lạc bước giữa bùn đất nhão nhẹt sau cơn mưa bất chợt vào buổi sáng, khó trông thấy tiếng người cười nói vì lao động chính ở đây đã tỏa đi các nơi làm việc. Họ chạy xe ôm, ba gác, lao động chân tay,… Chỉ có chiều đến thì xóm nhà lá này mới có nhiều người hơn với mâm cơm chiều.

Anh Bảy, cư dân cố cựu của xóm chia sẻ: “Ở quê nghèo quá nên nhiêu gia đình sống đời thương hồ, nay đây mai đó dạt lên đây. Ngày tết lại rủ nhau về quê. Vài năm trước, khu vực này vắng vẻ lắm. Nhờ mấy cái chung cư mọc lên bên cạnh nên mới có người đi đông đúc như bây giờ!”.

Bán nước ngay trước dãy nhà trọ, chị Trần Phương Liêu (50 tuổi, quê huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) cùng chồng là Lê Hoàng Nghĩa (53 tuổi, quê TP. Vĩnh Long) lên đây đã hai năm. Chị làm nghề bán nước, khẩu trang, bao tay cạnh đại lộ còn chồng thì chạy xe ôm. Hai vợ chồng anh chị có một cháu là Lê Minh Sang (22 tuổi, hiện học tại ĐH Trà Vinh).

Nhìn ra hướng mặt đường, chị Liêu nói, dân trong xóm trọ làm đủ nghề như: bán khoai lang dạo, nhặt rau nhút, vé số,… thôi thì đủ cả. Buổi sáng xóm trọ vắng hoe vì mọi người tủa đi làm. Chỉ có tối đến mới đông người. Xóm trọ này ít con nít, chủ yếu là người lớn vì các cháu đều gửi ở quê nhà để thuận tiện cho cha mẹ chúng lên Sài Gòn kiếm cơm.

Hỏi địa chỉ xóm trọ, chị Liêu ngơ ngác bảo “không rành”. Phải dò hỏi mãi, chúng tôi mới biết những xóm trọ này không có tên, đều thuộc ấp 2A, xã Bình Hưng. Tâm sự về chuyện đời, sau vành nón lá, tiếng chị Liêu bỗng hồ hởi: “Bà con ở đây tốt lắm. Dẫu cho đi làm tối mắt tối mũi nhưng khi người trọ nào có việc cần thì ai cũng xoắn tay vào làm giúp. Đó là lợp lại mái tôn, chăm sóc người bệnh, giữ gìn tài sản tránh bị mất trộm. Vì xa quê, mỗi người một tỉnh, thành khác nhau nhưng chúng tôi đùm bọc, yêu thương nhau nhiều lắm!”.

Bán rau nhút bên vệ đường

Cách đó không xa là một xóm trọ không tên khác tập trung rất nhiều con nít. Địa chỉ xóm trọ là B3/24, ấp 2A (xã Bình Hưng, Bình Chánh), nằm ngoằn ngoèo sau những con đường đất lởm chởm vào mùa mưa. Xóm trọ này có 40 phòng nhỏ san sát nhau, do anh em nhà anh Trần Văn Vui (57 tuổi, dân địa phương) làm chủ. Anh Vui chia sẻ rằng, dân xóm trọ tại đây đa số từ các tỉnh khác nhau lên đây làm hồ nhưng nghĩa tình với nhau lắm.

Hoàn cảnh tội nghiệp nhất là của gia đình anh Trần Ngọc Hiếu (38 tuổi, quê huyện Cần Giuộc, Long An) và Nguyễn Phan Diễm Ly (SN 1990, ngụ TP. Bến Tre). Năm 2005, Ly lên Sài Gòn phụ người cô cắt chỉ, sửa may và quen với người chồng bây giờ. Kết hôn năm 2008, hai vợ chồng lần lượt cho ra đời năm cô con gái.

Lần lượt là Trần Vân Khánh (8 tuổi), Trần Vân Chi (7 tuổi), Trần Văn Tường (5 tuổi), Trần Ngọc Thảo (3 tuổi) và Trần Ngọc Minh Vy (1 tuổi). Người dân xóm trọ đùa rằng đó là gia đình có “ngũ long công chúa”. Hỏi vì sao đẻ nhiều vậy, người mẹ trẻ tên Ly cười bảo: “Chỉ vì muốn tìm con trai để nối dõi!”.

Hiện Ly phải ở nhà giữ con còn chồng thì đi làm phụ hồ. Tiền thuê nhà mỗi tháng mất 1,3 triệu đồng, cộng thêm điện, nước cũng tốn mất 1,9 triệu. Phía ngoại thì ở xa, phía nội thì cũng già yếu nên mái ấm nhỏ này chỉ còn trông cậy vào tình thương của bà con hàng xóm. Mà họ thì cũng cảnh ở trọ, không khá hơn là mấy. Vài bữa nửa tháng, họ lại cho vài kí gạo, ít thức ăn, lúc tối lửa tắt đèn có nhau.

“Đệ nhị nghèo” sau gia đình Ly là hoàn cảnh thuộc về anh Nguyễn Văn Hùng (49 tuổi). Anh từng là dân gốc Q10 nhưng cuộc đời trôi dạt sang tận đây làm nghề móc bọc ni lông để kiếm sống qua ngày. Anh trọ tại đây 6 năm qua. Gia đình anh có ba con, nhỏ nhất là Phan Thị Mai Thy (đổi sang họ mẹ) hiện học lớp 3 đang ở cùng anh trong căn nhà trọ này. Hai người con lớn của anh hiện đã đi làm.

Nhặt rau nhút thuê

Công việc của ông là nhặt nhạnh những thứ bỏ đi để nuôi con gái nhỏ. Hoàn cảnh của anh Hùng thì dân xóm trọ ai cũng biết và thấu hiểu. Hễ hai cha con có gì khó khăn thì bà con trong xóm lại giúp đỡ không chút phiền hà.

Người cha “gà trống nuôi con” nghẹn ngào: “Sống trong tình thương yêu của xóm giềng, bà con, cha con tôi rất cảm kích. Chỉ cần một người đau bệnh thì người xứt dầu, người đi mua thuốc hạ sốt, người nấu thuốc nam để xông cho mau khỏi. Ai có bát canh nóng, nồi thịt ngon thì lại chia cho người nghèo trong xóm một ít, nhất là những nhà có cháu nhỏ. Điều đó làm tụi tui thấy ấm lòng. Đúng như ông bà mình nói “bán anh em xa mua láng giềng gần”.

Phố rau nhút

Qua khỏi khu Trung Sơn (H. Bình Chánh) sầm uất là tới đường Nguyễn Văn Linh. Đây là địa bàn của xã Bình Hưng, kéo dài qua giao lộ cắt nhau với đường Phạm Hùng rồi QL50 của xã Phong Phú, được mệnh danh là phố rau nhút. Kéo dài khoảng bốn km, nơi đây được mệnh danh là phố rau nhút nhiều năm qua bởi có hàng chục sạp bên đường và cả trăm phụ nữ sống bằng nghề nhặt rau nhút. Hiện giá một kí là 40 nghìn đồng. Đây là loại rau chuyên nấu canh và lẩu.

Từ 6 giờ sáng mỗi ngày, khi nhiều người còn ngủ nướng trong thời tiết se lạnh vào ban mai như hiện nay thì dọc đại lộ đã có nhiều chiếc xe bán tải chở rau nhút từ các huyện Hóc Môn, Củ Chi hay Q. Thủ Đức ghé đến xuống hàng. Tại những ngôi lều dã chiến ven đường, những người phụ nữ, già có, trẻ có bắt đầu một ngày làm việc mới bằng nghề nhặt rau nhút thuê cho các chủ cửa hàng.

Xóm trọ cạnh giao lộ Nguyễn Văn Linh – QL50, xã Bình Hưng, Bình Chánh

Chị Thảo (40 tuổi, ngụ Tiền Giang), môt thợ nhặt rau nhút thuê tại đây kể: “Mỗi ngày tụi em nhặt được rau nhút từ 40-50 kg, công mỗi kí là 3 nghìn đồng, nói chung sống được hơn ở dưới quê. Loại rau này không có mủ như các loại rau khác nhưng không quen, mới đi làm thì người làm bị sưng ở các ngón tay”. Nếu chẳng may người làm nhặt rau bị gãy cọng thì rau ấy được phân loại, bán với giá rẻ hơn. Khi nhặt xong, họ để rau nhút nhúng vào chậu thau nước cho tươi và người chủ dễ bán hơn.

Ngồi cạnh chị Hương, em Chi (15 tuổi, quê Bến Tre), một thợ nhặt rau nhút vài năm qua cũng thổ lộ: “Ở quê ít học nên em theo cô dì lên đây kiếm việc làm, đặng phụ ba mẹ nuôi các em ăn học”. Là thiếu nữ, dưới vành nón lá lụp xụp, chiếc áo sơ mi phủ bên ngoài bạc màu theo mưa nắng, Chi nổi bật với đôi mắt đen tuyền. Em tâm sự rằng thèm đến trường lắm nhưng buộc phải rẽ ngang để vào đời, dành tiền cho các em. Với Chi, công việc nhặt rau nhút thuê cũng sống được và biết đâu vài năm nữa sẽ gặp mối tình đầu nào đó ở thành phố này...

Anh Trần Chí Linh (40 tuổi, quê huyện Tân Châu, An Giang) cùng vợ là Phan Thị Nguyên (40 tuổi, ngụ cùng quê) lên đây vào năm 2000. Hai vợ chồng anh thuê lại một miếng đất ven đường, cất cái chòi lên ở rồi mua mũ (bạt), tràm,… che lên làm mái nhà che nắng mưa. Vợ chồng anh trồng ít rau nhút, cứ nửa tháng là “xuất xưởng”.

Nhưng nghề trồng rau nhút cũng thất thường lắm vì mưa bão. Vậy là từ tờ mờ sáng, anh Linh lại lội nước để đi cắt rau nhút. Sau đó, vợ chồng anh và con lại nhặt rau, giao ra chợ với giá 20 nghìn đồng một kí. Mỗi ngày, một người nhặt được 30 kí. Nếu có nhiều người đặt hàng thì anh chị lại lấy thêm rau ở nơi khác.

Thu hoạch rau nhút cạnh đại lộ

Vợ chồng anh chị có ba con: Trần Chí Đại (20 tuổi, học trường CĐ nghề Cao Thắng), Trần Thị Yến (17 tuổi) và Trần Thị Tho (17 tuổi, sinh đôi vào năm 2000), hiện ở dưới quê cùng phía nội và đi học. Cái chòi của gia đình chị phải trả 5,5 nghìn đồng một kí điện, 25 nghìn đồng một khối nước bơm từ giếng gần đó. Mang trong mình căn bệnh viêm gan B, mỗi tháng anh Linh phải uống thuốc đặc trị rất tốn kém để ngăn ngừa sơ gan. Chị Nguyên, vợ anh nói như mếu: “Làm không đủ ăn chú ơi, chỉ biết làm ngày nào thì sống ngày đó mà thôi!”.

Đa số những người phụ nữ nhặt rau nhút đều ngụ tại huyện Bình Chánh. Có người lập gia đình, số còn lại thì chưa. Do không có bằng cấp, không có vốn liếng nên họ suốt ngày làm bạn với tiềng ồn, bụi bặm, nắng mưa thất thường dọc con đường ồn ào này. Với họ, mỗi ngày làm việc không tên này mang theo ước mơ thầm kín...

Bình luận (0)

Lên đầu trang