Hãy cứu dòng sông Ba!

Thứ Hai, 18/04/2016 07:51

|

(CAO) Hình ảnh sông Ba êm đềm, lãng mạn đi vào văn thơ nay chỉ còn trong ký ức của hàng triệu người khi nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak với công suất 173 MW chặn, nắn và đổi dòng để nước chuyển sang sông Kôn (Bình Định), gây cạn kiệt và ô nhiễm môi trường cho vùng hạ du.

Công trình “sai lầm thế kỷ”

Sông Ba hay còn gọi là sông Đà Rằng, dài 374 km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô có độ cao 1.549 m, chảy theo hướng Bắc-Nam qua các huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), KBang, Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), chuyển sang hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Krông Pa (Gia Lai) rồi đi vào địa phận Phú Yên theo hướng Tây - Đông rồi đổ ra biển Đông ở cửa biển Đà Diễn.

Giờ đây, sông Ba đã là một con sông “chết” bởi nó đã bị nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak với công suất 173 MW chặn, nắn và đổi dòng để nước chuyển sang sông Kôn (Bình Định), gây cạn kiệt và ô nhiễm môi trường cho vùng hạ du.

Một đoạn trên dòng sông Ba hiện nay

Nhà máy này nằm ở địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê (Gia Lai), được chia làm 2 bậc. Bậc 1 nằm ở huyện Kbang là thủy điện Ka Nak với hồ chứa nước dung tích 285 triệu m³ nhưng công suất chỉ hơn 10 MW. Bậc 2 nằm ở thị xã An Khê là thủy điện An Khê với dung tích hồ chứa chỉ có 5,6 triệu m³ nhưng công suất lên tới 160 MW.

Sở dĩ công suất của Nhà máy thủy điện An Khê lớn gấp 16 lần Nhà máy thủy điện Ka Nak vì các nhà thiết kế đã cho đục hầm đèo, lắp đường ống dẫn nước từ hồ chứa ở phường An Phước (thị xã An Khê) đổ về sông Kôn - nơi đặt các tổ máy phát điện của nhà máy. Độ dốc của đường ống quá lớn nên công suất của nhà máy theo đó cũng tăng lên. Do nước phải chảy về Bình Định chứ không trả lại dòng nên hạ lưu sông Ba cạn khô ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn hộ dân.

Mới đây, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Huỳnh Thành phát biểu, thủy điện An Khê-Ka Nak là công trình “sai lầm thế kỷ”. Đây không phải là chuyện bây giờ mới nói mà trước đây, chính quyền các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, các nhà khoa học, nhà văn hóa và cơ quan thông tấn đều phản ứng quyết liệt trước việc cải tạo dòng chảy của công trình thủy điện này nhưng không hiểu sao chủ đầu tư (tập đoàn điện lực EVN) vẫn thuyết phục được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt xây dựng bằng những lý lẽ riêng mà đến giờ dư luận vẫn chưa hiểu dựa trên cơ sở khoa học nào?

Theo ông Thành, việc chặn cả một dòng sông lớn để chuyển nước sang dòng sông khác là việc làm chưa có tiền lệ. Việc này khiến cho tình trạng hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra, gây nhiều thiệt hại cho đời sống nhân dân. Đơn cử, khoảng tháng 5-2011, tức là khi Nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak chặn dòng được 4 tháng, cũng là lúc Nhà máy nước An Khê, nơi cung cấp nước sạch cho 70.000 hộ dân trong vùng thiếu nước trầm trọng.

Ảnh cảnh xẻ núi dẫn nước từ sông Ba Gia Lai xuống sông Kôn (Bình Định) của Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak

Cả một đoạn sông Ba dài khoảng 500m chảy qua làng Tờ Mật (xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai) đỏ lòm, đặc quánh bùn thiếc do nhà máy tuyển quặng Kbang của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xả ra. Xuống đó một đoạn là huyện Đak Pơ, thị xã An Khê, huyện Kông Chro, dòng sông bốc mùi hôi thối nồng nặc do các nhà máy dọc bờ sông Ba là mía đường, gỗ MDF… xả nước thải ra, dòng sông lúc này như những con lạch nhỏ màu nước gạo chở theo đầy rác rến.

Khi Thủy điện An Khê - Ka Nak bắt đầu tích nước thì nhiều đoạn của sông Ba kiệt nước, chỉ còn trơ đá, cá chết nổi trắng sông. Khoảng 30 cây số cuối dòng sông Ba chảy qua địa phận thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa, huyện Krông Pa, nơi đâu cũng bắt gặp những đàn bò đang gặm cỏ trên cánh đồng mọc giữa dòng sông. Cuối tháng 5-2011 và năm 2013, Nhà máy này bất ngờ xả nước khiến cho tài sản, hoa màu, gia súc… của nhiều hộ dân ở hạ du bị cuốn trôi, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Đó là chưa nói đến không biết bao nhiêu diện tích trồng trọt của dân sống ven sông bị mất do quá trình chặn dòng và xả lũ của nhà máy thủy điện.

Mới đây, theo báo cáo về tình hình nắng hạn mới nhất của UBND tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh đã có hàng chục ngàn ha cây trồng bị thiếu nước tưới, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Riêng các địa phương phụ thuộc nguồn nước sông Ba là KBang, Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa có khoảng 5.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng chục ngàn khẩu bị thiếu đói.

Và gần đây nhất, ngành chức năng huyện Krông Pa phát hiện hơn nửa cây số sông Ba đoạn qua xã Chư Ngọc bị hiện tượng phú dưỡng hóa khi nước nơi này nổi váng, có màu xanh rêu, mùi tanh. Tình trạng này nếu không kịp thời cải thiện thì sau một thời gian ngắn nước sẽ chuyển sang màu đỏ, bị ô nhiễm khiến các vi sinh vật hoặc động vật thủy sinh sẽ chết...

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Gia Lai, mực nước hồ chứa của các công trình thủy lợi đo được đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước từ 0,16m đến 5,26m. Một số đập dâng đang trong tình trạng thiếu nước, phải tiếp nước từ các công trình lân cận. Trong đó, một số công trình đập dâng do Công ty khai thác công trình thủy lợi Gia Lai quản lý hiện đã hết nước, không đảm bảo khả năng tưới phục vụ sản xuất. Còn theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm nay sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, tình trạng khô hạn và cạn kiệt sẽ xuất hiện nhiều nơi.

Ý kiến các chuyên gia

Sẽ bất công khi nói nhà máy thủy điện là nguyên nhân gây ra lũ lụt hay làm cạn khô các dòng sông. Bởi, nếu các nhà máy thủy điện thực hiện quy định xả một lượng nước theo cam kết trước đó để duy trì dòng chảy hạ lưu thì tình hình sẽ khác hẳn. Nhưng thực tế, các nhà máy thủy điện có thực hiện cam kết hay không thì có trời mới biết được(?).

Điều mà chúng ta đang chứng kiến kể từ khi sông Ba bị nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak chặn nước, nắn dòng thì nhân dân vùng hạ du chưa lúc nào thoát cảnh khổ. Theo các nhà khoa học, lâu nay, khi lập đánh giá tác động môi trường của các nhà máy thủy điện xây dựng trên những dòng sông, người ta thường né làm chi tiết và không có ai giám sát, đây chính là một lỗ hổng.

Chai nước lấy từ sông Ba đoạn qua xã Chư Ngọc bị phú dưỡng hóa

Giữa chủ đầu tư và địa phương chưa có những cam kết ràng buộc theo pháp luật nên khi xảy ra sự cố thì không biết đổ lỗi cho ai, do đó hậu quả thì dân lãnh đủ còn Nhà nước phải tốn kinh phí để khắc phục. “Trách nhiệm của lãnh đạo địa phương nơi xây dựng nhà máy thủy điện rất quan trọng. Địa phương cần phải bắt chủ đầu tư làm cam kết duy trì dòng chảy hạ lưu con sông nơi xây dựng công trình thủy điện để tránh việc trốn trách nhiệm”, ông Nguyễn Thanh Cao - Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học - kỹ thuật Kon Tum nêu quan điểm. Theo ý kiến của ông Tạ Đặng Hoàn - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên: khi xây dựng các công trình thủy điện phải hài hòa lợi ích kinh tế với lợi ích dân sinh để tránh những tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống người dân.

Người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Tây nguyên, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Đời sống người dân Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng gắn liền với nguồn nước. Khi nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt, người dân buộc phải tìm cách thích nghi mới và dẫn đến truyền thống của họ dần biến mất. Như vậy, việc cạn kiệt nguồn nước sẽ giết chết những nền văn hóa truyền thống ven sông bao đời nay của người dân. Cứu sông chính là cứu những truyền thống văn hóa, những làng nghề đánh cá và cuộc sống của hàng triệu cư dân địa phương”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang