Mồ hôi trong cuộc chiến chống Covid-19

Thứ Năm, 30/04/2020 10:08

|

(CATP) Khi cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang bước vào cao điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đánh giá, lực lượng vũ trang là trụ cột quốc gia khi dịch dã. Đúng vậy! Ngoài quân đội, sự vào cuộc của lực lượng Công an đã góp phần rất lớn phòng chống, kiểm soát tốt bệnh dịch, bảo vệ sức khoẻ người dân, an ninh trật tự của đất nước, khi cả thế giới khủng hoảng, lao đao vì đại dịch. Mồ hôi các anh đã rơi trong cuộc chiến cam go này.

"Lá chắn thép" bảo vệ sức khỏe nhân dân

Một sáng đầu tháng 4, thời điểm các chốt kiểm soát dịch đang bước vào cao điểm hoạt động, phóng viên Báo CATP đã có mặt tại chốt kiểm soát cầu Đồng Nai (Q.Thủ Đức) ghi nhận tinh thần làm việc quyết liệt, trách nhiệm của các thành viên trong tổ kiểm soát. Khu vực này được xem là tuyến kết nối lưu lượng phương tiện lớn giữa TP với 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, BR-VT....

12 giờ trưa ngày 10-4 trên xa lộ Hà Nội. Mặt đường “nhả” từng làn hơi nóng, trả lại không trung sự oi bức, khó chịu! Cầm trên tay chiếc gậy điều tiết, đại uý Nguyễn Văn Bình (cán bộ Phòng CSGT đường bộ đường sắt (PC08), Công an TPHCM) không ngừng hướng dẫn từng đoàn xe ra, vào đúng vị trí kiểm soát, đo thiệt nhiệt ở chốt kiểm dịch cầu Đồng Nai.

Hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CAND trong lòng quần chúng nhân dân - Ảnh Phạm Nguyễn

Cứ mỗi lượt phương tiện ra vào trạm, đại uý Bình như thường lệ đều đưa tay chào rồi vui vẻ giải thích, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy trình đo thân nhiệt của các nhân viên y tế. Bất kỳ ai qua chốt cũng được nhắc nhở mang khẩu trang. Nếu ai không có, tổ công tác sẽ tặng một cái đeo để phòng chống dịch.

Không khí mỗi lúc một oi ả! Dưới lớp quân phục, làn da cháy sạm quyện cùng lớp bụi đường và mồ hôi khiến ai cũng thấm mệt. Tuy vậy, xuyên suốt thời gian phóng viên có mặt, chúng tôi không hề nghe thấy bất kỳ lời than phiền của nào đến từ ê-kíp trực. Cứ như thế, các cán bộ chiến sĩ cùng các lực lượng đang có mặt tại chốt trực đã thay phiên nhau làm việc liên tục, đảm bảo không sót lọt xe, vừa điều tiết tránh ùn tắc giao thông.

Hướng dẫn tài xế chấp hành yêu cầu đo thân nhiệt của nhân viên y tế - Ảnh Phạm Nguyễn

Tại TPHCM, tính từ ngày 1 cho đến hết ngày 22 tháng 4, thành phố đã thiết lập 62 chốt kiểm dịch phòng chống COVID-19 ở các cửa ngõ ra vào. Ở mỗi chốt chặn, sự xuất hiện của lực lượng công an bên cạnh đội ngũ nhân viên y tế đã tạo nên sự an tâm cho người dân, góp phần dựng thành tấm “lá chắn thép” để bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Còn tại chung cư Hoà Bình (Q.10), thời điểm phóng viên có mặt cũng là lúc yêu cầu phong toả tại đây chính thức có hiệu lực vào ngày 14-3. Trên mọi lối ra, vào của toà chung cư luôn có sự hiện diện của lực lượng công an. Người dân đều được yêu cầu ở tại nhà, mỗi ngày đều đặn 3 lần đều có nhân viên y tế cùng lực lượng công an có mặt để kiểm tra thân nhiệt cũng như cung cấp nhu yếu phẩm thường ngày.

Hai mẹ con bà Nguyễn Thị Ngọc sống trong chung cư ở tầng 6 chung cư tâm sự, lần đầu nghe thông tin về ca nhiễm trong khu vực mình sinh sống, mẹ con bà có đôi chút lo lắng nhưng giờ đây quen rồi. Tuy nhiên, với sự trấn an của ban quản lý, đặc biệt là các chiến sĩ công an P14 (Q10).

Các chiến sĩ công an TPHCM tới từng nhà dân để tuyên truyền phòng dịch Covid-19

Bà Ngọc kể lại: “Biết gia đình tôi neo người, mấy anh công an phường ngày nào cũng đều đặn ghé qua thăm hỏi và động viên. Mấy ảnh cũng nói với tôi có khăn gì thì cứ nói để các anh trợ giúp. Điều này quả thật là điều quý báu đối với người dân nhất trong những thời điểm khó khăn như vậy”.

Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, trong cuộc chiến chống Covid-19, bên cạnh màu trắng áo của các y bác sĩ, luôn đồng hành là những cán bộ chiến sĩ mang trên mình sắc phục công an.

Chủ động đối phó với dịch bệnh

Là địa bàn có địa phận tiếp giáp với nước bạn Lào, ngay từ khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) Công an tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham mưu cho Ban giám đốc nhiều phương án nhằm quản lý chặt lượng người nhập cảnh về lại Việt Nam tại 2 cửa khẩu quốc tế là La Bảo và La Lay.

Thượng tá Hoàng Thị Hồng Phượng, Trưởng Phòng QLXNC Công an tỉnh Quảng Trị nhận định, chính việc làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh cũng chính là chìa khoá then chốt để Quảng Trị kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đơn vị đã chủ dộng nắm tình hình xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới; phối hợp giải quyết không để tình hình XNC trái phép gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của tỉnh.

Các cán bộ chiến sĩ Phòng QLXNC chủ động phát khẩu trang cho người dân tới làm việc

Qua công tác phối hợp cùng ban chỉ huy Biên Phòng tỉnh Quảng Trị, tính từ nửa cuối tháng 3 đến tới ngày 19-4 đã xác định được hơn 10 ngàn công dân Việt Nam nhập cảnh về Quảng Trị (thông qua 2 cửa khẩu La Bảo và La Lay), tham mưu tới UBND tỉnh Quảng Trị lên phương án quản lý, được số công dân này đi cách ly.

Bên cạnh đó, đơn vị này còn chủ động phát hiện thêm 478 trường hợp người nước ngoài (NNN) và 573 công dân Việt Nam đi qua vùng dịch trở về địa phương (215 người trở về từ Nhật Bản; 137 người trở về từ Hàn Quốc; 55 người trở về từ Trung Quốc và 166 người trở về từ các quốc gia khác).

Trong số này đã kịp thời phát hiện 6 trường hợp công dân Việt nam và cả NNN có mặt trên các chuyến bay có bệnh nhân nhiễm Covid -19. Qua tầm soát đến nay các trường hợp trên đều có kết quả âm tính với Covid -19.

Thượng tá Hoàng Thị Hồng Phượng cho biết, thời gian tới dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng; Việt Nam vẫn là nước có nguy cơ lây nhiễm lớn nhưng vẫn đang ở trong giai đoạn vàng để kiểm sóat dịch bệnh.

Cán bộ Phòng QLXNC Công an Quảng Trị chủ động lên kế hoạch phòng chống dịch covid-19

“Với vai trò là cơ quan đầu mối tập hợp, thống kê số liệu NNN và công dân Việt Nam trên địa bàn liên quan đến dịch bệnh Covid -19, Phòng QLXNC quyết tâm thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh và chỉ đạo của Ban giám đốc về việc phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý XNC Bộ CA nắm danh sách công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh về nước” – Thượng tá Phượng cho hay.

Bên cạnh thực hiện các công tác chuyên môn của mình, Phòng QLXNC tỉnh Quảng Trị sẽ cùng công an các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai tổ chức rà soát từng nhà, từng hộ dân, tổ dân, khu phố theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Nhanh chóng, kịp thời, chính xác để lập danh sách NNN và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước hiện đang cư trú tại địa phương không để sót lọt xảy ra.

Thắt chặt tình quân dân

Ngay từ những ngày dịch bệnh càn qua dải đất hình chữ “S”, đâu đâu chúng ta cũng thấy những tấm lòng nhân ái xuất hiện. Dù đồng lương vẫn còn ít ỏi, nhưng tập thể chiến sĩ công an ở nhiều địa phương trên cả nước đã cùng chung tay, góp sức hỗ trợ những mảnh đời khó khăn.

Tại TPHCM, những hình ảnh đẹp của các đoàn viên thanh niên lực lượgn CATP, CBCS Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08-Công an TP.HCM) mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của người dân Việt Nam. Suốt từ đầu tháng 4 cho đến nay, cứ đều đặn mỗi tuần, hàng trăm suất quà do CBCS đóng góp đều được phát tận tay những mảnh đời có khăn, bà con lao động nghèo, bán vé số trên địa bàn thành phố.

Chiếc xe đặc chủng chở đầy yêu thương của các chiến sĩ công an TP

Đây là một trong các hoạt động thiết thực góp phần cùng với chính quyền địa phương và nhân dân thành phố khắc phục những khó khăn trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Mỗi phần quà trao tặng đến tay từng hộ gia đình khó khăn mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của người dân Việt Nam

Những chiếc xe cảnh sát mới ngày nào có chất đầy phương tiện vi phạm thì hôm nay đã chở theo hàng tấn gạo cùng quà hỗ trợ người dân. Tại Đội CSGT Tuần tra – dẫn đoàn (Phòng PC08, công an TPHCM), nhiều người nghèo tới đây nhận quà đều bất ngờ với chiếc xe đặc chủng chở đầy…tình thương!

Trước đó vào ngày 20-4, thông tin từ Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt cho biết, vừa biểu dương nhiều CSGT Đội CSGT Nam Sài Gòn vì đã hiến máu cứu người tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước đó, sáng 19-4, Đội CSGT Nam Sài Gòn nhận được thông tin tại Bệnh viện Chợ Rẫy có nam bệnh nhân Đặng Hữu Thành (SN 1983, quê Tiền Giang) được chẩn đoán nguy kịch, cần có một lượng máu để truyền gấp.

Hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CAND trong lòng quần chúng nhân dân

Chi đoàn Đội CSGT Nam Sài Gòn đã thông tin cho các cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Biết mình có cùng nhóm máu với anh Thành, thượng úy Phan Thành Nghĩa, thượng úy Đoàn Thanh Sang, thượng úy Nguyễn Thành Vinh sau khi kết thúc ca làm việc, đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy làm các thủ tục xét nghiệm để kịp thời truyền máu cho anh Thành.

Sau khi hiến máu xong, những phần quà dành cho người hiến máu cũng được các anh tặng lại cho những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở bệnh viện. Trong những ngày cả nước chiến đấu với bệnh dịch Covid-19, công tác vận động và tiếp nhận máu phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh gặp nhiều khó khăn, nguồn máu dự trữ cạn kiệt.

Việc hiến máu cứu người thời cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch là hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CSGT cần nhân rộng trong thời gian tới.

Trước những khó khăn của người dân đặc biệt là những hộ cận nghèo, những hộ bán vé số do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, cán bộ chiến sĩ Phòng CSGT ĐB-ĐS đã tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ yêu thương với những người dân có hoàn cảnh khó khăn này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang