Nghị lực vươn lên của cô thủ khoa mồ côi người Chu Ru

Thứ Hai, 10/08/2015 20:56  | Kim Đồng

|

(CAO) Với nghị lực vươn khó, học tập thật gỏi, em Ma Hiêng (22 tuổi, người dân tộc Chu Ru, mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ) là sinh viên đã đỗ thủ khoa khối C và cũng là á khoa Trường ĐH Đà Lạt trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm học 2010-2011.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Đà Lạt đạt loại giỏi ngành sư phạm ngữ văn, em Ma Hiêng được đặc cách tiếp nhận (không qua thi tuyển) vào công tác trong ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng.

Từng đi hái đậu thuê

Ma Hiêng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có năm anh chị em tại xã nghèo Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), mồ côi cha khi đang còn trong bụng mẹ. Lớn lên, hàng ngày em phải chứng kiến cảnh mẹ lên rẫy bắp, ra ruộng lúa một mình quần quật ngày đêm, vất vả kiếm tiền nuôi các con, Ma Hiêng tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để mai này có một công việc ổn định đỡ đần cho mẹ.

Mặc dù sinh ra trong gia đình nghèo, thiếu thốn nhiều thứ nhưng Ma Hiêng may mắn hơn các anh chị em của mình. Là người con duy nhất trong gia đình được đi học tại trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng.

Không để phụ lòng gia đình, suốt 12 năm liền em đều đạt học sinh khá giỏi, từng đoạt giải ba học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh, giải khuyến khích môn văn dành cho học sinh các trường THPT dân tộc nội trú toàn quốc.

Đặc biệt trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm học 2010-2011, Ma Hiêng đã đạt số điểm 23, với số điểm môn văn 7,25, lịch sử 7, địa lý 8,75. Cô gái người Chu Ru trên cao nguyên Lâm Viên đã đỗ đầu khối C (ngành sư phạm ngữ văn) và cũng là á khoa Trường đại học Đà Lạt.

Em Ma Hiêng không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của trường lớp, bạn bè và gia đình mà còn là người Chu Ru đầu tiên đỗ đại học với số điểm cao.

Em Ma Hiêng niềm vui ngày tốt nghiệp ra trường

Để đặt được số điểm cao như vậy, bản thân em Ma Hiêng đã phải cố gắng hết mình, mặc dù thiếu đi bàn tay chăm sóc của cha, nhưng với tình thương của mẹ và anh chị em là động lực để em vươn lên trong cuộc sống.

Ma Hiêng không một ngày vác cặp đi học ôn, rất ít sách để đọc tham khảo nhưng em vẫn học giỏi và thi đạt điểm cao. Em từng đi hái đậu thuê, hàng ngày phải dãy nắng dầm mưa, làm thuê kiếm hơn 60.000 đồng để kiếm tiền chuẩn bị nhập học đại học theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy văn.

Đặc cách vào công tác trong ngành giáo dục

Sau 4 năm theo học tại trường Đại học Đà Lạt, em Ma Hiêng tốt nghiệp đạt loại giỏi ngành sư phạm ngữ văn, với thành tích này cô thủ khoa khối C và cũng là á khoa được đặc cách tiếp nhận (không qua thi tuyển) và bố trí vào công tác trong ngành giáo dục tỉnh.

Em Ma Hiêng chia sẻ: “Trong quá trình theo học tại trường Đại học Đà Lạt, tôi luôn cố gắng học tập không mệt mỏi. Sau khi tốt nghiệp ĐH Đà Lạt đạt loại giỏi, tôi đã mang hồ sơ đến Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng để xin việc. Tại đây họ thông báo không có nhu cầu tuyển dụng. Nghĩ đến cảnh học xong ra trường không có việc làm phải về nhà làm ruộng, làm rẫy, lúc đó tôi gần như sụp đổ hoàn toàn. Nhiều lần tôi ngồi giam mình trong phòng, suy nghĩ và quyết định viết một lá thư trình bày nguyện vọng của bản thân rồi gửi Tỉnh ủy Lâm Đồng. Trong thư có nội dung với mong muốn được làm việc trong ngành giáo dục”.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học khóa 2010-2011, em Ma Hiêng đã thi đỗ thủ khoa khối C, ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Đà Lạt.

Thực hiện chủ trương đào tạo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đồng thời nhằm động viên, khuyến khích tinh thần vượt khó, học giỏi, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp học bổng toàn phần cho Ma Hiêng trong suốt bốn năm theo học đại học.

Em Ma Hiêng là sinh viên đã đỗ thủ khoa khối C và cũng là á khoa Trường ĐH Đà Lạt trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm học 2010-2011

"Lâu nay tôi được Nhà nước nuôi, giờ ra trường rồi quay về làm vườn thì… không chỉ vì sợ dị kiến mà tôi sợ gia đình, hàng xóm sẽ đánh giá và nhìn nhận tiêu cực về việc đi học của con em họ”, em Ma Hiêng cho biết thêm.

Ngay sau khi bức thư được gửi lên UBND tỉnh, hai ngày sau, em Ma Hiêng nhận được cuộc điện thoại từ văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng thông báo sẽ đưa lá thư ra cuộc họp thường trực tìm cách giải quyết.

Sáng 7-8, trong lúc đang làm thêm tại quán cà phê Mimosa, Ma Hiêng chính thức nhận được thông báo của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đặc cách tiếp nhận vào giảng dạy tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Em Ma Hiêng vui mừng cho biết: “Lúc đó tôi ngạc nhiên lắm, vui và hồ hởi, sung sướng vô cùng”.

Nhận được thông báo được đặc cách, em nghĩ ngay đến cô Nguyễn Thị Liên (giáo viên dạy môn Văn trường THPT nội trú tỉnh Lâm Đồng), đối với em cô như người mẹ thứ hai, luôn ở bên theo dõi từng bước đi, là nguồn động viên, giúp đỡ em theo đuổi ước mơ của mình.

Cô Nguyễn Thị Liên tâm sự: “Tôi rất vui, đối với em Ma Hiêng, mặc dù gia đình khó khăn, mồ côi cha từ nhỏ, nhưng em là một cô học trò rất có nghị lực, học giỏi. Tôi vẫn nhớ những câu nói của em, em ước mơ sẽ trở thành giáo viên dạy môn Văn. Chính ước mơ đó của em đã tự nhủ bản thân tôi phải cố gắng dạy kèm, giúp đỡ em. Và rồi với sự cô gắng, em đã thực hiện được ước mơ của mình. Tôi rất tự hào”.

Những cuộc điện thoại chúc mừng từ bạn bè, thầy cô dồn dập đến. Những nụ cười lại nở trên môi cô gái Chu Ru sau những ngày sống trong sự vô vọng và rồi bây giờ là những giọt nước mắt hạnh phúc.

Điều đặc biệt ở Ma Hiêng khiến bạn bè, nhiều người kính nể không chỉ là một cô gái học giỏi, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, mà bản thân em còn có một tấm lòng nhân ái.

Em Ma Hiêng tâm sự: “Khi được tạo điều kiện về công tác tại trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, tôi nhất định sẽ luôn cố gắng bằng chuyên môn và các kỹ năng khác mà mình có để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt đây là cơ hội để tôi thực hiện ước mơ thứ hai: thành lập quỷ 'Heo đất yêu thương', tôi sẽ cố liên lạc với tất cả cựu sinh viên của trường để giúp đỡ các em học sinh khó khăn”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang