TP.HCM: Du khách 'tiêu ít tiền hơn' làm đau đầu ngành du lịch

Thứ Bảy, 23/12/2017 12:47  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Lượng khách du lịch gồm nội địa và quốc tế đến TP.HCM tăng 18,74%, nhưng doanh thu chỉ tăng 12,6%. Mức tăng trưởng không đồng đều, đã và đang là vấn đề nan giải của 'những người trong cuộc'.

Theo thống kê của Ngành du lịch TP.HCM, lượng khách đến thành phố thời gian qua tăng trưởng đều. Trong năm 2017, ước đạt 6,3 triệu lượt khách đến thành phố, tăng 22,88% so với cùng kỳ năm 2016; riêng khách nội địa ước đạt khoảng 25 triệu lượt, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch (nội địa và quốc tế) tăng 18,74%.

Với số liệu trên thì đây là điều đáng mừng cho ngành du lịch TP.HCM. Tuy nhiên doanh thu các dịch vụ du lịch trong năm 2017 ước đạt 115,978 ngàn tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 12,6% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng không đồng đều, đã và đang là vấn đề nan giải của 'những người trong cuộc'.

Du khách đang tiêu tiền ít hơn

Trước đó, vào ngày 4-10, UBND TP.HCM và Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã có buổi ký kết thoả thuận phối hợp phát triển du lịch. Qua đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn cho ngành du lịch và triển khai các chương trình kích cầu tạo sản phẩm đặc trưng của thành phố.

Trả lời báo chí tại buổi ký kết, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - Bùi Tá Hoàng Vũ thừa nhận việc du khách đang tiêu tiền ít hơn hoặc có số ít sử dụng các dịch vụ du lịch nhưng thông qua các kênh buôn bán khác đã không đem lại thu nhập cho thành phố.

Lễ đón du khách quốc tế thứ 6 triệu đến TP.HCM năm 2017

Cũng theo ông Vũ, nguyên nhân lớn nhất là khách chủ động mua tour, mua vé máy bay và đặt phòng khách sạn thông qua hình thức trực tuyến của các đơn vị nước ngoài. Điều này đã làm các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành trong và ngoài nước thất thu.

'Dịch vụ AirBnB tại TP.HCM đang phát triển nhộn nhịp, loại hình này đã đem đến phòng nghỉ giá thấp cho du khách và đem lại nguồn thu cho chủ nhà thuê. Đồng nghĩa các khách sạn đang mất đi một lượng khách nên giảm một phần doanh thu', ông Vũ đánh giá.

Số liệu trong 9 tháng đầu năm 2017 của Cục Thống kê TP.HCM, mảng khách sạn, nhà hàng đạt doanh thu 22.359 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ). Theo số liệu của Sở Du lịch TP.HCM, nửa đầu năm 2017 khách sạn tại thành phố có số lượng tăng trưởng, giá phòng bình quân của khách sạn 3-5 sao thấp hơn 11,3% so năm 2014.

Quà lưu niệm phục vụ du khách khi đến TP.HCM

Theo một cửa hàng mua bán hàng lưu niệm danh tiếng tại Q.1 (TP.HCM), số lượng khách đến mua hàng thủ công mỹ nghê, đồ lưu niệm trong năm 2017 giảm về giá trị đơn hàng và số lượng. Khách đa phần chọn mua những món quà trị giá vài chục hoặc vài trăm ngàn đồng.

Bên cạnh đó, huyện đảo giáp biển duy nhất của TP.HCM - Cần Giờ, được kỳ vọng sẽ thu hút khách du lịch đến nghỉ dưỡng, tham quan thì trong 7 tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch đến khoảng 840.000 lượt, tăng 44% so với cùng kỳ. Mặc dù chiếm 25% tổng lượng khách đến thành phố nhưng doanh thu du lịch chỉ chiếm 0,54%.

Thống kê lượng du khách đến thành phố vẫn chưa chuẩn xác

Về sự chênh lệch giữa lượng khách đến thành phố và doanh thu, các chuyên gia du lịch cho rằng những con số trên chưa chuẩn xác. Theo họ, lượng khách quốc tế đến thành phố tăng nhưng trong đó một số khách đến không nhằm mục đích du lịch.

"Các con số chỉ mang tính khái quát và chưa sát với thực tế, chúng ta chưa thống kê khách đến thành phố với mục đích gì, bao nhiêu khách đến đi công tác, thăm người thân, chữa bệnh, du lịch hoặc loại hình khác. Mỗi du khách nước ngoài qua cửa khẩu thì mặc định tính là du khách như vậy công tác đánh giá chưa hiểu quả. Đồng nghĩa lượng khách đông chưa chắc doanh thu sẽ tăng", vị chuyên gia cho hay.

Du khách tham quan chợ Bến Thành - Ảnh: internet

Đồng quan điểm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch - PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng, bản chất thống kê giữa số lượng khách và doanh thu là chưa chuẩn xác. Có một số khách nội địa đi đến thành phố theo diện hành hương chiếm tỷ lệ lớn và họ hầu như không có nhu cầu chi tiêu.

"Nguyên nhân của việc khách chi tiêu ít là do các dịch vụ du lịch tại thành phố chưa thật sự đẳng cấp và chất lượng dịch vụ không như kỳ vọng. Tiếp đến dịch vụ về đêm tại các quán bar, chương trình biểu diễn có thể thu phí nhưng còn hạn chế", PGS.TS Phạm Trung Lương phân tích.

Để kích thích du khách chi tiêu, mua sắm khi đến thành phố, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định, các dịch vụ tại thành phố chưa nhiều và thiếu sản phẩm thu hút khách chi tiêu. Để thu khách đến thành phố để mua sắm, Sở Du lịch đã phối hợp Sở Công thương tổ chức tháng khuyến mãi năm 2017 với 30.000 mặt hàng khuyến mãi, giảm giá trong thời gian từ tháng 9-12.

Cần có sự tương tác trong các sản phẩm du lịch

Trong năm 2017, Sở Du lịch TP.HCM đã tạo ra hoặc làm mới nhiều sản phẩm mới như 'phố đông y', 'phố vàng bạc đá quý', 'du lịch đường sông', sự kiện văn hoá, văn nghệ định kỳ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, 'phố đi bộ Bùi Viện',... Nhưng dường như các sản phẩm này vẫn chưa thể tương tác và thu hút du khách.

Đơn cử như tại 'phố đông y', du khách muốn tìm hiểu loại thuốc này dùng như thế nào và chữa được bệnh gì thì tại đây họ hầu như không thể tìm được câu trả lời. Một ví dụ khách tại 'phố vàng bạc đá quý', du khách kỳ vọng sẽ được chứng kiến tận mắt các nghệ nhân gia công các sản phẩm thì nơi đây chỉ bày bán các sản phẩm.

Các thảo dược đa dạng tại 'phố đông y' - Ảnh: Ngô Đồng

Với mong muốn du lịch sẽ trở thành 'ngành kinh tế mũi nhọn' như kế hoạch đã đề ra trong năm tới tăng doanh thu du lịch tỷ lệ đóng góp lên 20% thì không chỉ sở - ban - ngành thực hiện nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn; mà người dân cũng phải chung tay góp sức.

Đồng thời, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch cũng cần có những sản phẩm mới hấp dẫn hơn nhằm thu hút du khách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang