Phải nói là tôi được “trui rèn” trong “lửa đỏ”, từ nhật báo, tuần báo, tạp chí... đều đã trải qua. Trước giải phóng, số lượng đầu báo không nhiều như bây giờ, hầu hết là nhật báo, tức báo ra hàng ngày, có khoảng 30 tờ, số lượng tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san (tạp chí) chiếm khiêm tốn và hầu như chuyên về lãnh vực giải trí. Chỉ có báo ngày mới thực sự được gọi là báo, cạnh tranh nhau rất dữ dội, không chỉ đưa tin nóng ở lãnh vực thời sự, chính trị, mà còn cả những bài “nằm”, tức những bài dài kỳ, tiểu thuyết tâm lý xã hội, dịch thuật, đặc biệt là dịch từ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.
Nhật báo ngày ấy cũng phân định đẳng cấp rất dữ, căn cứ vào lượng độc giả, số tia-ra phát hành và quy mô tờ báo 4 trang hay 8 trang. Mỗi tờ báo, dù hạng A hay B đều có lượng độc giả riêng, gọi là độc giả trung thành; còn lại là độc giả “vãng lai”, tức có chuyện gì hay, tin tức sốt dẻo, giật gân thì lượng độc giả sẽ tăng đột biến nhờ số độc giả “vãng lai”, còn bình thường thì báo sống được nhờ lượng độc giả trung thành.
Muốn tờ báo bán chạy, giữ vững chất lượng, cạnh tranh với đồng nghiệp để chiếm thị trường, thị phần độc giả, thì vấn đề quan trọng của tờ báo là tìm được ê - kíp làm công việc tòa soạn có uy tín, tên tuổi và cực kỳ nhạy bén trong nghề. Thông thường, ê - kíp này do Thư ký tòa soạn quy tụ, ông này giống như bếp trưởng của một nhà hàng, tổ chức bài vở trang trong, các chuyên mục thường xuyên, chỉ huy phóng viên chạy tin, chụp ảnh và nhất là phải có một người trong tòa soạn làm tin “xe cán chó” thật giỏi. Nhiều tờ báo ăn nhau ở chỗ trang 8, trang dành để đăng tin “xe cán chó”. Tin thì phóng viên đi lấy và viết, nhưng chủ yếu do “hãng tin” vỉa hè của hai ông Võ Cân - Văn Đô cung cấp, rải đều cho các tòa soạn, ai sử dụng tin gì thì cứ biên tập, sửa chữa, cắt cúp, “thêm mắm dặm muối”, đặt tít tựa sao cho hấp dẫn thì cứ làm. Nhiều tin “xe cán chó” tùy theo trình độ người biên tập, có thể “bắn” ra làm tin nổi bật ở trang 1 hoặc trang 3.
Báo ngày thì cạnh tranh mỗi ngày, đến khi năm hết Tết đến thì cạnh tranh báo xuân. Cạnh tranh không phải để báo in sớm, phát hành sớm trước Tết cả tháng như bây giờ, mà cạnh tranh về chất lượng, từ nội dung đến hình thức. Nội dung thì quy tụ những cây bút tên tuổi trong làng báo, làng văn, tức cộng tác viên, thường là Thư ký tòa soạn chịu trách nhiệm, đặt bài, ứng tiền trước cho tác giả để có bài độc quyền. Báo xuân trước năm 1975 được gọi là giai phẩm xuân, số trang tăng gấp đôi, gấp ba tùy theo số lượng bài vở.
Báo xuân thì phải có “hương vị mùa xuân” nên các bài thường xuyên, chuyên trang, chuyên mục phải gác lại để tập trung đăng bài mới. Hầu như chỉ có bài các thể loại: giải trí, văn nghệ, kịch trường, phỏng vấn các “ngôi sao” cải lương, ca nhạc, truyện ngắn, thơ tình, thơ châm biếm, biếm họa, còn gọi là hí họa, tiểu phẩm, chuyện Đông Tây kim cổ loại độc, lạ, thơ Táo Quân chầu trời, chuyện con vật cầm tinh năm đó, ví dụ như “Năm Tuất nói chuyện chó”, và một bài không thể thiếu của “chiêm tinh gia” Huỳnh Liên là... tử vi của người sinh năm Tuất như năm nay, chẳng hạn...
Một sạp bán báo thập niên 1950 - 1960. Ảnh: ST
Bán báo lề đường trước năm 1975. Ảnh: LIFE
Làm báo xuân lúc đó sướng hay cực? Cực là cái chắc rồi, cực không chỉ từ khâu tổ chức bài vở, hình ảnh, tranh minh họa phải đi làm “bảng kẽm” ở nhà Cliché Dầu đường Đề Thám, mà cả khâu chạy nhà in, trực nhà in để giải quyết sự cố. Báo xuân tăng trang, khổ lớn cỡ tờ báo, tăng cả số lượng in gấp đôi báo thường vì lượng độc giả tăng và mỗi nhà không chỉ có 1 tờ báo xuân, mà có nhà mua tới 3-4 tờ để trang trọng trên bàn tiếp khách, ai tới chúc Tết uống trà, nhắm chút rượu xuân, cắn hạt dưa, nhâm nhi mứt gừng cay cay và đọc báo xuân. Còn thì cả gia đình, nam phụ lão ấu rảnh lúc nào thì đọc báo xuân lai rai suốt mấy ngày Tết. Lúc đó báo xuân là một mặt hàng văn hóa Tết, ai cũng mua về trưng bày trong nhà, nên báo xuân đã được nâng tầm là văn hóa phẩm ngày Tết. Đặc biệt, tờ báo xuân nào có hình thức đẹp, thường ảnh của nữ nghệ sĩ cải lương, ca nhạc, điện ảnh vừa đẹp vừa ăn khách sẽ được các báo tranh nhau “thượng” lên trang bìa.
Báo xuân ở Sài Gòn hồi đó phát hành vào thời điểm nào? Trái ngược với báo xuân bây giờ tranh nhau phát hành trước Tết... cả tháng, không chỉ vì cạnh tranh độc giả mà còn lệ thuộc vào nhà phát hành, đại lý phân phối..., đặc biệt là hệ thống đại lý phân phối tranh thủ phát hành báo xuân sớm để chuẩn bị đón Tết. Báo xuân không có chuyện nhà phát hành hay hệ thống đại lý phân phối “bắt chẹt”, “làm eo làm sách” báo xuân, mà phải lệ thuộc vào các tòa soạn. Thông thường, báo xuân phát hành từ 20 tháng Chạp âm lịch cho tới 23 - ngày đưa ông Táo về trời, nhưng vẫn còn nhiều báo phát hành vào ngày 25 - 26, thậm chí tới 28 Tết.
Báo xuân là tín hiệu của mùa xuân. Không khí ở các nhà phát hành thật nhộn nhịp, nhân viên làm tới tận đêm để phân phối đi các tỉnh, các sạp báo, hầu như đường nào cũng bày báo xuân ra bán. Tờ báo xuân khổ lớn, bìa in 4 màu, hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng, trình bày rực rỡ được treo trang trọng ở các quầy sách báo ven đường, các ngã ba, ngã tư luôn đập vào mắt mọi người, và ai nấy đều háo hức chờ đợi, chực sẵn ở các quầy sách báo ven đường để mua tờ báo xuân mình yêu thích, chọn thêm 2-3 tờ báo xuân mà mình thấy đẹp, thấy hay, có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo tên tuổi cộng tác. Và cuối cùng là tâm trạng, cảm giác được cầm tờ báo xuân “hoành tráng”, nặng tay, ngửi mùi thơm đặc trưng của mực in, của giấy mới “ra lò”. Cũng có nghĩa mùa xuân đang về, những ngày Tết Nguyên đán đã cận kề.
Tôi nhớ không khí của báo xuân những ngày đó càng náo nức hơn với hệ thống phát hành... di động, phát hành dạo. Hình ảnh những đứa trẻ nhanh chân, lanh tay, lẹ miệng ôm từng xấp báo xuân vừa chạy khắp nơi, từ vỉa hè, quán cóc, bến xe, bến tàu, nhà ga, các chợ... cất tiếng rao, giới thiệu một cách “chuyên nghiệp” những “trích đoạn” bài báo xuân nào hấp dẫn, nhất là đọc thuộc lòng bài thơ “Táo Quân chầu trời” theo thể vè rất có duyên để tiếp thị.
Không phải do ngày đó phương tiện giải trí ít, internet chưa có, báo mạng chưa phổ biến tràn lan như bây giờ, mà với cách phát hành, tiếp thị báo xuân đến từng hang cùng ngõ hẻm một cách linh động, hiệu quả như thế, nên các báo nói chung và báo xuân nói riêng đã trở thành một nhu cầu, một mặt hàng văn hóa phẩm không thể thiếu với mọi nhà, mọi người, trong lúc không khí xuân đang rộn rã, thúc giục...
(CAO) Tại Đường báo xuân 2016 TP.HCM, Báo Công an TP.HCM đạt giải nhất bìa báo xuân đẹp nhất. Cô sinh viên trường ĐH An ninh Nhân dân (ĐH An ninh) Lê Thị Bích Trâm cùng hai em nhỏ đã tạo ấn tượng cho ban giám khảo cũng như nhiều người qua góc máy của tác giả Vũ Phước.