Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6:

Kỷ niệm với nghề báo: Đêm mưa gió vượt rừng 'tiếp' voi

Thứ Ba, 21/06/2016 15:17  | Ngọc Hà

|

(CAO) Trong hơn 10 năm làm CTV rồi làm PV báo CATP.HCM, do đặc thù, tính chất công việc, tôi có nhiều chuyến đi, đến nhiều vùng đất. Kỷ niệm về những chuyến đi nhiều vô kể, vui có, buồn có. Nhưng, có một chuyến đi đáng nhớ mà mỗi lần nghĩ lại tôi còn rùng mình vì cảm giác hồi hộp, lo lắng.

Tháng 11-2007, tôi đang ở TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Khoảng 17 giờ, tôi nhận được tin, một đàn voi rừng khoảng gần 20 con đang về phá vườn rẫy của người dân hai xã biên giới Ea T’mốt, Ea Lơi thuộc huyện Ea Súp (giáp Campuchia, cách TP.Buôn Ma Thuột khoảng 80km). Tối hôm trước, 4-5 con voi đã về trước “thám thính” tình hình, khả năng đêm nay, voi đầu đàn sẽ dẫn về cả đàn khoảng 30 con để càn quét hoa màu của bà con.

Voi về phá rẫy

Thời điểm đó, những cánh rừng Tây Nguyên bị chặt phá dữ dội, phần do lâm tặc, phần do bà con người Mông di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc tràn vào, phá đất rừng làm nương rẫy khiến nguồn thức ăn của thú rừng bị cạn kiệt. Đàn voi rừng ở huyện Ea Sup là một trong số ít ỏi đàn voi rừng ở Tây Nguyên còn sống sót, lâu nay tưởng chúng đã bỏ đi đâu mất, nay đến mùa cây lương thực của bà con (bắp, đậu, lúa… ) đến kỳ trổ hạt, sắp được thu hoạch, bỗng chúng tìm về kiếm ăn. Lãnh đạo chính quyền, công an hai xã Ea T’mốt, Ea Lơi và các xã lân cận đã chỉ đạo lực lượng, phối hợp cùng bà con chuẩn bị cho đêm nay ứng phó với đàn voi rừng này.

Voi rừng ngày càng trở nên hung dữ vì “giận” người làm mất rừng, mất thức ăn, chỗ ở (“nhà”) của chúng. Con nào con nấy nặng đến cả chục tấn, những bàn chân to như cột nhà, cột đình, chỉ một cú đá của nó thì đến cả cái nhà hay cái xe hơi cũng lăn lông lốc hoặc đổ sập?.

Tôi nghe và biết được những thông tin như thế thì vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Hồi hộp vì đây là lần đầu tiên trong đời, tôi chính thức được chiêm ngưỡng những con voi rừng to lớn, dũng mãnh, nhanh nhẹn, thuộc về tự nhiên chứ không phải những con voi đã được con người thuần phục suốt nhiều năm, vẫn cần mẫn làm du lịch ở các khu du lịch Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), hồ Lắk (huyện Lắk)… hay đi làm xiếc hoặc vất vả thổ hàng, hì hục kéo gỗ cho chủ của chúng mà tôi vẫn thường thấy.

Đàn voi gần 20 con

Tôi lo lắng, bởi nghe kể, mấy năm trước, có đàn voi rừng 4-5 con về phá nát hoa màu của bà con ở tỉnh Bình Thuận, bị xua đuổi, chúng “trả thù” bằng cách phá nhà của bà con. Khủng khiếp hơn là câu chuyện có con voi rừng “nổi điên”, quật chết một bà lão gần 60 tuổi rồi hút máu. Câu chuyện có thật xảy ra ở huyện Krông Bông (Đắk Lắk) năm 1997.

Tôi háo hức đi. Trời bắt đầu đổ mưa, mây đen vần vũ, mịt mù. Đường về huyện Ea Súp hồi đó xấu khủng khiếp, rặt “ổ gà, ổ voi”, nhà dân ở thưa thớt. Nhiều đoạn đường đèo vắng đến cả chục km, không một bóng nhà dân, nổi tiếng về những vụ trộm cướp, hiếp dâm. Tôi một mình thân gái, không dám mạo hiểm, vội liên lạc với đồng nghiệp, nhưng anh bạn nói chờ khoảng nửa tiếng. Chờ được 5 phút, ruột gan tôi nóng như nửa đốt. Tôi quyết một mình phóng xe máy xuống “mục sở thị” đàn voi.

Tôi nhét vội chai xịt hơi cay vào túi áo khoác, còn hình dung ra cảnh nếu bị kẻ xấu tấn công, tôi sẽ “ăn miếng trả miếng” thế nào. Mưa xối xả, hắt vào mặt, vào mắt, cay xè. Đi qua những đoạn đường đèo vắng, tim tôi vẫn đập loạn lên vì sợ, vì run. Tôi cố trấn an mình. Dù cố gắng chạy thật nhanh, tôi cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi.

Khi tôi đến xã Ea T’mốt đã là gần 19 giờ. Mưa đã tạnh, nhưng chưa dứt hẳn, bầu trời một màu đen sẫm. Gần rẫy bắp, đậu rộng cả héc-ta của bà con, khá đông người tập trung quanh đống lửa cháy bập bùng. Bà con đã chuẩn bị sẵn thêm nhiều đống củi, lá cây khô khác. Họ mang theo nồi, vung, xoong, chảo, chiêng… để chờ khi đàn voi đến gần sẽ đốt lửa, gõ lên những âm thanh loạn xạ nhằm xua đuổi đàn voi. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì vẫn còn kịp chứng kiến mọi việc, bởi suốt từ chiều đến giờ, đàn voi mới đầu chỉ vài ba con, rồi tăng dần lên đến gần 20 con, vẫn chỉ đang đứng lấp ló trong cánh rừng xa kia “dọa dẫm” chứ chưa chính thức “đổ bộ” đến vườn rẫy của bà con.

Khoảng cách giữa đàn voi với đoàn người tập trung, cách nhau đến cả vài trăm mét. Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng bộ đội, công an huyện, xã đứng cảnh giới sát khu rừng, bắc loa nhắc nhở, ngăn cản bà con không được tự động vào rừng xem voi, bị kích động, voi sẽ tấn công lại. Chủ tịch xã Ea T’mốt nói với tôi: “Đêm qua, đàn voi đã về phá lúa, bắp của bà con. Sáng nay, chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện đầy dấu chân voi. Chúng bỏ chạy qua hướng xã Ea Lơi. Voi sợ người nên phải chờ đêm đến, bà con đi ngủ say hết cả, chúng mới dám mò về. Đêm nay, chúng tôi phải thức canh, xua đuổi, chứ nếu không, để voi ăn hết lương thực, bà con năm nay đói”.

Công an lên kế hoạch đuổi đàn voi

Tôi nhìn về phía trước, thấy khoảng 7-8 con voi đứng dàn hàng ngang, ánh mắt chúng nhìn về phía chính quyền, người dân tập trung đông đúc với dáng vẻ vừa dè chừng, vừa thách thức. Một anh cán bộ công an huyện, cho biết: “Đàn voi này có khoảng 30 con, chúng mới sinh thêm một con còn nhỏ xíu, đứng đâu đó xa trong rừng kia. Những con đang dàn hàng ngang kia là do đàn của chúng “cử” ra, “nắm tình hình”, nếu thuận lợi cả đàn sẽ lần lượt bước ra. Gặp khó khăn, chúng sẽ từ từ rút…”. Chẳng biết “hiệu lệnh” từ đâu, mấy con voi đang dàn hàng ngang phía trước, con thì ngửa cổ nghênh nghênh, con thì dứ dứ cái vòi, có con hú lên như thử “nắn gân” đám người đối diện.

Mỗi lần chúng “tỏ thái độ”, bà con lại gõ chiêng, vung, nồi… ầm ĩ, chúng lại lùi về sau. Khi thấy bà con im ắng, chúng lại trực chờ tiến lên. Tôi suýt bật cười và cả xúc động khi biết được voi có tâm tính chẳng khác con người là mấy! Cuộc dấm dứ cứ thế kéo dài suốt vài giờ liền. Bất ngờ, 1, 2, rồi 3, 4 con voi liều mình tiến lên cả chục mét. Chúng trông nặng nề là thế, nhưng bước nhanh như gió. Thoắt cái đã đến sát gần hàng rào ranh giới giữa cánh rừng với phần đất rẫy của dân. Tiếng hò hét, chiêng, nồi… lại ầm ĩ vang lên. Tiếng trẻ con khóc thét vì sợ hãi. Nhiều người bỏ chạy tán loạn. Lực lượng chức năng phải theo sát, nhắc nhở.

Do đã được cán bộ làm công tác tư tưởng, người dân không ai dám lấy đất, đá ném voi mà chỉ xua chúng đi. Một số người già còn quỳ xuống chắp tay lạy chúng: “Ông voi, bà voi ơi! Xin hãy vào rừng tìm thức ăn khác của tự nhiên, đừng phá lương thực, mùa màng của chúng con… trăm nghìn lạy các ông, các bà…”. Lạ thay, những con voi dừng lại.

Tôi lách khỏi đám đông, khe khẽ luồn vào rừng, rum máy ảnh chụp đàn voi. Những con voi trông… rất hiền và tội nghiệp! Chúng có vẻ ấm ức vì không thể thực hiện “âm mưu” như đã định. 21 giờ 45, trời đổ mưa lớn. Cơn mưa rừng rả rích suốt từ chiều, tưởng rằng về đêm sẽ tạnh hẳn, chẳng ngờ lại đổ cơn mưa lớn khác. Có lẽ vì mưa hay vì hết kiên nhẫn nổi với đoàn người gan dạ, bảo vệ mùa màng của mình, con voi đầu đàn từ phía rừng sâu hú lên một tiếng dài, lập tức đàn voi đang án ngữ ở bìa rừng lững lững quay đầu đi thẳng. Trước khi đi. chúng còn thi nhau hú những hồi dài như trêu ngươi người ở lại. Cảm xúc ngập tràn, tôi dự định sẽ viết một bài về bầy voi rừng để nộp về tòa soạn kịp đăng số sáng mai, liền vội vã chạy về trung tâm thị trấn huyện Ea Sup để viết bài.

Công an huyện Ea Sup đang tìm cách xua đuổi đàn voi trở lại rừng

Ngày đó, cả huyện Ea Sup không hề có một điểm kết nối mạng internet. Viết bài thì dễ, nhưng gửi đi bằng cách nào đây? Chiếc áo mưa tôi đã nhường cho một người dân, giờ giữa khu đất rẫy này biết lấy đâu ra áo mưa. Tôi cắm đầu chạy xe máy gần 20km, về đến trụ sở Công an huyện Ea Sup. Người tôi ướt lướt thướt như con chuột lột. Anh em ở đó lấy cho tôi mượn một bộ đồ để thay. Vừa lúc, anh bạn ở Đội CSHS công an huyện và Đội trưởng của anh chạy xe máy về trụ sở. Người tôi lên cơn sốt, nóng hầm hập. Các anh lấy cho tôi vỉ thuốc hạ sốt, buộc tôi vào phòng nghỉ ngơi. Tôi báo cho đồng chí Trưởng ban Chuyên đề biết tình hình, anh khuyên tôi ở lại nghỉ ngơi, sức khỏe là quan trọng, cố gắng ngủ một giấc, nửa đêm gần sáng thức dậy viết bài vẫn kịp cho số báo của ngày hôm sau. Anh sẽ báo với Ban Biên tập. Được “Sếp” chiếu cố, nhưng tôi không thể ngồi yên, tìm cách bỏ trốn khỏi đây để kịp về TP.Buôn Ma Thuột viết bài, có mạng gửi đi.

Không ngăn cản được tôi, hai anh bạn đồng ý đưa tôi về. Người tôi vẫn nóng ran, sốt hầm hập. Tôi sợ các anh chở đến bệnh viện nên khi gần về đến thành phố, tôi cố tỏ ra bình thường, tươi tỉnh. Chữ nghĩa trong đầu tôi nhảy múa, tôi nghĩ rằng, chỉ nửa tiếng thôi, tôi sẽ hoàn thành một bài tường thuật thật hay. Tôi cáo từ 2 anh bạn rồi vội chạy về phòng mình, đóng sầm cửa lại.

Nhưng tôi không gượng dậy nổi, tôi sốt mê man. Tự mình dậy tìm khăn ấm đắp trán rồi lấy thuốc hạ sốt uống. Vừa mệt, vừa đói, tôi nhanh chóng chìm vào một cơn mê. Giờ tôi mới nhận ra, từ chiều đến giờ chưa có thứ gì bỏ bụng. Cái đói cồn cào làm tôi tỉnh giấc. Tôi dậy, lục tìm ổ bánh mì ngọt ăn đỡ rồi háo hức ngồi vào bàn viết. 3 giờ sáng, tôi viết một mạch đến hơn 5 giờ thì hoàn thành bài viết. Mất gần nửa tiếng nữa tải hình ảnh trong máy ra, chỉnh sửa lại cho ưng ý, đọc lại vài lần nữa để tự sửa bài của mình, tôi hạnh phúc vì hoàn thành “đứa con tinh thần”, gửi đi xong thì trời sáng.

Mệt bã người, tôi lăn ra ngủ. Nhưng chỉ được chừng một tiếng, điện thoại tôi réo vang, ông chủ tịch xã Ea T’mốt cho biết: “Sáng sớm, cán bộ đi kiểm tra, phát hiện đầy dấu chân voi tàn phá rẫy của bà con. Xã Ea Lốp, Ea Lơi cũng bị voi về phá. Tổng thiệt hại ước tính cả trăm triệu đồng.. ”. Tôi thức dậy, xách theo máy ảnh, phi xuống hiện trường, chụp ảnh những dấu chân voi đan chằng chịt trên các ruộng lúa nước, những vườn đậu, bắp giáp rừng của bà con. Có những dấu chân, tôi đặt cả hai chân mình vào còn lọt thỏm! Đêm hôm đó và nhiều đêm sau nữa, đàn voi rừng không về. Những dấu chân voi cũng mờ dần theo thời gian. Đận ấy, tôi ốm 3 ngày liên tiếp vì cảm lạnh, trúng gió.

Bẵng đi 6 năm sau, từ ngày 11 đến ngày 19-10-2013, đàn voi rừng khoảng 30 con này nhiều lần kéo về sát khu dân cư của thị trấn Ea Súp và khu vực rừng phòng hộ của huyện Ea Súp. Chính quyền huy động công an và các lực lượng khác ra túc trực ngày đêm để khua chiêng và các biện pháp khác để xua đuổi bầy voi, tránh việc chúng phá hoa màu, nương rẫy và bảo vệ tính mạng người và của cho dân.

Tôi cùng đồng nghiệp đã theo sát, chụp được hình ảnh về đàn voi rừng này. Đàn voi này rất khôn, chúng thường “bố trí” xuất hiện vài ba con đi trước để “thám thính”, nếu thấy bóng người đông, khua chiêng, gõ trống, đốt lửa tạo khói xua đuổi chúng, chúng có chút dè dặt đứng xa để chờ thời cơ về ăn hoa màu. Nhưng thấy ít bóng người là mạnh dạn kéo đến. Càng về sau, chúng càng dạn dĩ tiến gần tới khu dân cư, tỏ vẻ không “bận tâm”, sợ hãi gì về những phương pháp xua đuổi đã quá quen thuộc của các lực lượng chức năng và người dân.

UBND huyện Ea Sup sau đó đã làm công văn gởi đến cơ quan cấp trên xem xét, tìm biện pháp hữu hiệu để đưa đàn voi ra khỏi khu vực này, tránh gây thiệt hại về người và của cho người dân. Bên cạnh đó đảm bảo cho đàn voi được an toàn, tránh khỏi sự săn lùng của những kẻ săn voi…

Bình luận (0)

Lên đầu trang