Ngỡ ngàng trước nghiên cứu đột phá trong công nghệ xử lý ô nhiễm, bảo tồn môi trường sống

Thứ Hai, 27/02/2017 12:19  | Mai Hà

|

Chúng tôi đã tìm hiểu các tài liệu họ viết, bằng chứng họ đã làm như: “Bản giới thiệu khoa học, công nghệ hoàn toàn mới về xử lý ô nhiễm – Bảo tồn môi trường sống ngày 25/03/2016”; Các văn bản gửi các cấp có thẩm quyền, có liên quan và có trách nhiệm.

Chúng tôi đến văn phòng đại diện Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và đã ‘mục sở thị” công trình nghiên cứu khoa học về xử lý ô nhiễm, bảo tồn môi trường sống của nhóm tác giả gồm: Ts. Lê Văn Tuấn, kỹ sư Vũ Đức Hòa và Cử nhân Vũ Đức Huyền.

Họ là những tri thức vô cùng bình dị nhưng có đủ lòng tin và dũng khí để thực hiện mục tiêu cao cả: Chống lại sự nhiễm độc của trái đất và bầu khí quyển - Bảo tồn môi trường sống”. Trước sự thật hiển nhiên và hiệu quả nghiên cứu đã được thực nghiệm chứng minh một cách cụ thể, xác thực, chúng tôi không khỏi trăn trở về tâm huyết nghiên cứu của nhóm tác giả trong Văn phòng Đại diện Liên Hiệp các hội UNESCO Việt Nam.

Là những người viết báo, chúng tôi thấy mình cần có hành động cụ thể, thiết thực. Đó là minh bạch, công khai thông tin này để phát huy nguồn lực từ Nhà nước và xã hội để tiếp sức cho họ. Hoặc đơn thuần chỉ là phản biện để bác bỏ cũng là sự chia sẻ cần thiết.

Chúng tôi được nghe họ trình bày về đề tài này nên tin rằng đây là sự thay đổi rất lớn của khoa học – công nghệ, dựa vào lý thuyết rất cơ bản và dựa vào thực nghiệm rất cụ thể như là bản chất của của chân lý, rất đáng được quan tâm.

Chúng tôi xin trích một đoạn trong văn bản “báo cáo thực trạng và kiến nghị (bổ sung lần 1) số 45/VPĐD-MTS ngày 09/12/2016 gửi chính phủ, các bộ, ủy ban liên quan và UBND TP.Hồ Chí Minh”, nhằm làm rõ sự thay đổi nói trên.

“Khoa học – công nghệ hiện tại cho rằng không thể xử lý được kim loại nặng. Chúng tôi đã chứng minh rằng có thể thu hồi được tất cả hóa chất tồn tại ở các trạng thái rắn, lỏng, khí – khói để bảo tồn môi trường sống. Trong tương lai sẽ tái sinh hóa chất để giảm thiểu việc khai thác hóa chất (về nguyên tắc thì thu được sẽ tái sinh được nhưng chưa thực nghiệm)

Khoa học – công nghệ hiện tại sử dụng hóa chất là phải sản xuất ra hóa chất, chứa đựng trong thùng chứa…rất tốn kém và rất ô nhiễm. Chúng tôi chứng minh rằng một số ngành có thể sử dụng trực tiếp ion từ nguyên liệu sinh ra hóa chất, ion âm và dương có thể chứa vào nhau trong những điều kiện nhất định…rất rẻ tiền và rất ít ô nhiễm

Khoa học – công nghệ hiện tại ý thức rằng xử lý ô nhiễm phải có đầu tư rất lớn, phải hiện đại và tự động hóa cao, các nước phát triển giàu mới thực hiện được…Chúng tôi đã chứng minh rằng nó có đầu tư không lớn, đơn giản, các nước nghèo – địa phương nghèo cũng có thể làm được. Điều này có thể phát huy được sứ mạnh của toàn xã hội, bảo vệ môi trường sống chung.

Khoa học – công nghệ và các biện pháp bảo vệ môi trường hiện nay chỉ là đối phó tình thế, yếu ớt và bế tắc. Đơn cử : chôn lấp để lấy khí gas phát điện, siêu lọc để lấy nước sạch, nhưng hóa chất gây độc còn trong đất và trong bùn lọc. Nâng nhiệt độ (đốt cấp 2) chỉ để phá vỡ liên kết gây độc chứ không thể làm mất nó được mà tốn rất nhiều năng lượng, rất tốn kém và thải nhiều cacbon ra môi trường. Chất độc hóa học (ở Syria) quân đội Mỹ đưa ra Thái Bình Dương để thủy phân (có thể chỉ để pha loãng vì nếu sử dụng được công nghệ thì không cần làm vậy). Dầu biến thể có PCB thì WB tài trợ vốn để lưu trữ vĩnh viễn. Biện pháp giảm thiếu chất thải và sử dụng năng lượng tái tạo rất tốt nhưng cũng chỉ để kéo dài thời gian. Chúng tôi cho rằng: vấn đề cơ bản là phải thu hồi được hóa chất thải ra môi trường dưới dạng hợp chất vô cơ kết tủa lành tính (chủ yếu là muối). Tránh nhiễm độc tích lũy do không thu hồi được hóa chất thải ra môi trường

Nghiên cứu và thực nghiệm của chúng tôi để giải quyết vấn đề cơ bản trên và đã có đủ bằng chứng về sự thành công.”

Đề tài liên quan đến chất độc hại là ngành – nghề thực hiện có điều kiện, ít nhất phải có mặt bằng và giấy phép do Bộ khoa học & công nghệ cấp. Sở Khoa học & Công nghệ cùng Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã tốn nhiều thời gian nhưng cũng chỉ tìm được cách tháo gỡ là: “Đề nghị phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu để thực hiện”.

Nhóm tác giả đã không thể tiếp xúc được vì phương pháp hoàn toàn mới rất nhạy cảm gây “dị ứng” và không có hướng thu hồi vốn đầu tư. Họ mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp phù hợp để có việc làm sau đầu tư, khi đã thỏa mãn các yêu cầu của quản lý Nhà nước để thu hồi vốn, nhưng khó khăn gấp bội vì liên quan đến bí mật của doanh nghiệp. Hiện nay họ trông chờ sự giới thiệu của Sở Khoa học & Công nghệ và Sở Tài nguyên &Môi trường đến các trường đại học, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp, nhưng cũng không được vì “cơ chế”.

Đề tài khoa học này tự túc vốn đầu tư, có mục tiêu và ý nghĩa to lớn, có nhu cầu cấp bách, có bằng chứng về sự thành công, có cam kết về chịu mọi trách nhiệm và đền bù mọi thiệt hại, có nhu cầu cần giúp đỡ đơn giản – phù hợp với chức năng và khả năng của quản lý Nhà nước.

Chúng tôi viết bài này vừa để cung cấp thông tin đến những cơ quan và những người làm luật trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước về khoa học - công nghệ, vừa để giảm gánh nặng cho họ trong quá trình tìm kiếm hướng đi đầy khó khăn và mâu thuẫn. Đồng thời cũng là lời động viên, nhắn gửi đến văn phòng đại diện liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh: Hãy cố gắng – cố gắng hơn nữa, hãy kiên trì – kiên trì hơn nữa, rồi sẽ tìm được nhà đồng hành, người đồng hành.

Chúng tôi sẽ luôn đồng hành, minh bạch các thông tin, các tài liệu, các văn bản để làm rõ nội dung trên, để tìm kiếm sự đồng hành của Nhà nước và xã hội, vì mục tiêu chung là bảo vệ trái đất và bầu khí quyển – bảo tồn môi trường sống của chúng ta.

Chúng tôi tin Chính phủ hành động, kiến tạo, phục vụ, minh bạch và tin vào kết luận của Thủ tướng chính phủ về đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước về khoa học – công nghệ tại hội nghị trực tuyến ngày 04/01/2017 sẽ sớm thành hiện thực.

Bình luận (0)

Lên đầu trang