Trên từng góc phố:

‘Siêu phượt thủ’ nổi danh coi tướng số qua giày dép

Chủ Nhật, 23/04/2017 06:09  | Lâm Vi

|

(CAO) Không ai nghĩ rằng, ở tuổi 86, ông Ngọc lại là một “siêu phượt thủ”, đam mê chinh phục những chặng đường dài trên khắp đất nước. Đặc biệt hơn, với kinh nghiệm hơn 70 năm làm nghề sửa giày dép cho khác, ông có khả năng nhìn chiếc giày trái mà đoán tướng số, tính cách của mỗi người.

Cải trang và chinh phục

Tiệm sửa giày Ngọc nằm lặng lẽ ở một góc ngã tư trên đường số 4 (phường 26, quận Bình Thạnh). Không có gì quá đặc biệt nếu tấm biển được ghi nắn nót của tiệm không đính kèm với nhiều bức hình phong cảnh trên khắp đất nước. Lân la hỏi thì mới biết, chủ nhân của những bức hình này là ông Phạm Văn Ngọc, sinh ra tại Đà Nẵng, sau đó theo gia đình vào Sài Gòn từ năm 1963, có niềm đam mê vô tận với du lịch và chụp ảnh.

Ông Ngọc kể, từ bé, ông đã mê mẩn sự xê dịch và những bức hình. Hồi ấy, máy ảnh còn là thứ đắt đỏ lắm và ông còn phải lo cho gia đình nên không có điều kiện để thực hiện ước mơ của mình. Mãi đến năm 2005, khi các con đã bắt đầu ổn định, ông dùng số tiền dành dụm để mua máy ảnh và một chiếc máy quay mini, sau đó, đơn phương độc mã bắt đầu chinh phục những nẻo đường.

Ông Phạm Văn Ngọc được nhiều bạn trẻ đặt cho biệt danh là “phượt tiên sinh” bởi niềm đam mê du lịch và khả năng phán đoán tướng số thông qua giày dép.

Ông Phạm Văn Ngọc được nhiều bạn trẻ đặt cho biệt danh là “phượt tiên sinh” bởi niềm đam mê du lịch và khả năng phán đoán tướng số thông qua giày dép.

Nếu tính về các trục đường chính và các địa điểm nổi tiếng trên dọc dải đất hình chữ S này thì ông đã đi gần hết, từ Cà Mau cho đến các vùng núi xa xôi phía Tây Bắc. Mỗi hành trình đi qua, ông đều ghi chép lại thời gian, số km. Ông cho rằng, đó là một tư liệu rất quý báu để lưu lại làm kinh nghiệm và làm những câu chuyện kể cho các người bạn của mình. Sở thích chụp ảnh cũng được ông phát huy triệt để. Khi đi qua danh lam hay thắng cảnh đẹp, ông đều chụp lại, đem về rửa hình ra, cất cẩn thận vào album. Cứ thế mà những quyển album ông đang có ngày một “đồ sộ” thêm.

Ông bộc bạch: “Có lẽ, tôi là một người hơi quái dị. Ở cái tuổi này, tôi nên dùng tiền để dành dụm cho tuổi già nhưng rồi lại không kìm hãm được đam mê, tôi bắt đầu đi khắp nơi theo sở thích”. Rồi ông cũng hóm hỉnh khoe: “Tôi thường mang một đôi dép đế bằng cao su cũ mềm và tạo cho mình sự rách rưới. Đây là cách tốt nhất để ngụy trang với những kẻ xấu. Nhiều khi trông tôi nghèo khổ, chạy bon bon trên đường, chẳng ai nỡ mà cướp”.

Người bạn đồng hành của ông là chiếc xe cub 78 cà tàng đã được “độ” lại ở nhiều chi tiết như thêm đồng hồ xem giờ, thêm la bàn ở tay lái. Kính chiếu hậu và bàn đạp được bọc thêm một lớp cao su để chống rung và tăng sự bền bỉ. Phía sau xe được lắp thêm hai chiếc phanh để tăng độ an toàn.

Các bức hình và tư liệu mà ông chụp, ghi chép lại đều được ông xem là những kỉ niệm vô cùng quý giá

Đặc biệt, vì tuổi đã cao nên đèn xe được lắp thêm một chiếc nữa để ông có thể đi trong đêm tối. Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi, ông Ngọc và người con của mình đã phải chỉnh sửa lại rất nhiều để cho ra một sản phẩm hoàn hảo.

Có không ít lần ông gặp trắc trở trên đường đi nhưng đáng nhớ nhất phải nói đến là chuyến đi Hà Tiên với một đường vòng dài hơn 80km. Thay vì đi đến Long Xuyên, qua cầu Rạch Giá rồi đến Hà Tiên thì ông lại chọn đường đi Châu Đốc, qua núi Sam, đến Tịnh Biên rồi mới đến địa điểm du lịch. Không ngờ rằng, đường đi khá xấu khiến chiếc xe bị hư hỏng nặng. Buộc lòng, ông phải bỏ chuyến đi để quay về Sài Gòn. Nhưng đường về cũng rắc rối không kể xiết.

Ông thuê xe ôm đẩy, bắt xe đồ về Rạch Giá đến bến xe miền Tây. Sau đó lại phải thuê ba gác chở về đến nhà. Chuyến đi đó mệt mỏi và làm ông bị mất sức nhưng bù lại, ông xem đó nhưng một trải nghiệm tuyệt vời mà không phải ai cũng có.

Đoán tướng số qua giày dép

Với tính tình vui vẻ và thích bắt chuyện nên trên những con đường đi qua, ông luôn có thêm nhiều người bạn mới. Ông kể, cách đây 2 năm, ông đã thực hiện hành trình dài 20 ngày từ Sài Gòn đến Cao Bằng. Nhờ khả năng đặc biệt là biết coi tướng số bằng giày dép mà ông bắt chuyện với cô chủ quán, được mời uống cà phê miễn phí. Lần sau ghé lại, ông tặng một tấm ảnh do chính mình chụp và xem đó như món quà cảm ơn.

Ông Ngọc kể thêm, năm 17 tuổi, sau khi bắt đầu thôi học, ông đã băn khoăn về một cái nghề có thể nuôi sống được bản thân và đến khi về già vẫn có thể làm việc được. Thế là ông quyết định đi học sửa giày dép. Thông thường, ông nhận sửa giày dép cho cả người lớn và con nít.

Khách tới sửa giày, ông Ngọc đều quan sát vóc dáng, mặt mũi rồi mượn chiếc giày trái của họ để nghiên cứu. Ông xem kĩ nhất là phần đế giày. Sau đó, cho tay mang vào giày để kiểm tra rồi lại xét kĩ phần thân, phần da giày. Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản rằng ông đang xem về mẫu mã, kiểu dáng hay cách đóng, cách may.

Những bức ảnh trong hành trình khám phá của người phượt thủ già

Nhưng không phải vậy, ông Ngọc phân tích: “Mỗi người có một tư tưởng khác nhau. Từ tư tưởng sinh ra hành động. Hành động sẽ để lại những dấu vết. Nhờ sự quan sát và suy ngẫm mà tôi nghiệm ra nhiều điều. Ví dụ, người có dáng đi thẳng thớm thì vết mòn trên đế giày rất đều, người thường đi với dáng nhìn lên trên thì vết mòn sẽ nằm ở phần gót, người đi với dáng chúi về phía trước, vết mòn tập trung ở phần mũi giày.

Thêm nhiều kí hiệu nhỏ khác nữa mà họ để lại trên giày, tôi có thể phán đoán thêm nhiều thứ. Tuy nhiên, để làm được điều ấy, tôi đã phải mất một khoảng thời gian dài để suy ngẫm”. Nhiều người khách đến sửa giày ở ông Ngọc, đều được ông xem cho miễn phí như một món quà vui nho nhỏ để mang về. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người tấm tắc khen ông đoán đúng.

Khả năng này cũng được ứng dụng khéo léo trong những tình huống gặp khó khăn khi đi chinh phục những chặng đường. Có lần ông đến một làng chài và thấy người dân đang đan lưới. Định giơ máy ảnh lên chụp thì bị cản lại nhưng rất nhanh sau đó, ông bắt chuyện với một người trong làng, xem chiếc dép trái, ông nói nửa vời về những thứ mình biết.

“Chuyện đoán tướng số là xem cho vui nhưng thực ra nó rất hấp dẫn. Người phụ nữ đó thích những điều tôi nói và kể thêm cho vài người nữa trong làng. Thế là tôi có lý do để bắt chuyện và làm quen với họ. Trước khi ra về, tôi mới nói họ cứ làm việc bình thường để mình chụp một tấm hình làm kỉ niệm. Ấy thế mà khác hẳn lúc đầu, họ đồng ý ngay. Bức hình đẹp ấy đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Cảm xúc làm việc của họ rất tự nhiên và chân thực”.

Và có lẽ cái tên “phượt tên sinh” mà các bạn trẻ trong giới yêu thích du lịch bụi đặt cho ông cũng từ sự đặc biệt này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang