Quản lý tốt thức ăn đường phố để hấp dẫn khách du lịch

Thứ Sáu, 28/12/2018 21:23  | Ngô Đồng

|

(CAO) Thức ăn đường phố TP.HCM là một nét đặc trưng trong văn hóa của người dân thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện là những mối nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng nếu không quản lý tốt mô hình này.

Tối 28-12, Ban Quản lý an toàn thực phẩm kết hợp với UBND Q.Tân Bình TP.HCM tổ chức lễ phát động “Chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố” tại khu thức ăn đường phố chợ Phạm Văn Hai.

Việc phát động này nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của người kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Tiến, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, theo thống kê trên địa bàn quận Tân Bình hiện có 762 điểm kinh doanh thức ăn đường phố đang hoạt động. Riêng khu thức ăn đường phố chợ Phạm Văn Hai có 20 cơ sở kinh doanh các mặt hàng như: bánh xèo, ốc, bún, bánh mì, chè, nước giải khát…

"Với quyết tâm xây dựng thành công khu thức ăn đường phố điểm tại chợ Phạm Văn Hai, tôi kêu gọi và đề nghị các hộ kinh doanh nghiêm túc thực hiện và chấp hành nội quy, quy địng của khu thức ăn đường phố điểm", Bà Tiến nói.

Xem clip nhộn nhịp khu thức ăn đường phố ở chợ Phạm Văn Hai:

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 20.013 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với trên 24.522 người tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

Thức ăn đường phố TP.HCM là một nét đặc trưng trong văn hóa của người dân thành phố, các món ăn đa dạng, phong phú, là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến với TP.HCM, đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan chức năng, của các ngành, các cấp.

Theo bà Lan, thức ăn đường phố rất tiện lợi, đáp ứng được nhu cầu ăn nhanh, ăn ngon của mọi người. Kinh doanh thức ăn đường phố cũng góp phần tạo được thu nhập đáng kể cho nhiều người. Tuy nhiên, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, gây ngộ độc thực phẩm. Bà đề nghị các chủ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến, đảm bảo thức ăn ngon, an toàn.

Bà nhấn mạnh việc mang găng tay trong chế biến thực phẩm rất quan trọng, nhưng việc mang găng tay vừa chế biến thức ăn, vừa tính tiền là rất mất vệ sinh. Tuy nhiên, không mang găng tay mức phạt cụng rất cao, tứ 1 – 3 triệu đồng.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan đề nghị các chủ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến, đảm bảo thức ăn ngon, an toàn. Ảnh: NĐ
Lãnh đạo TP và quận Tân Bình đi thực tế khu thức ăn đường phố chợ Phạm Văn Hai. Ảnh: NĐ

Trong 9 tháng đầu năm 2018, các quận-huyện, phường-xã cũng đã tiến hành kiểm tra 15.193 cơ sở (chiếm 76%), phát hiện 6.245 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, 126 cơ sở bị phạt với số tiền hơn 114 triệu đồng, số còn lại bị nhắc nhở, cảnh cáo…

Bà Lan cho biết thêm, đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố là lĩnh vực khó làm nhất trong các lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm. Nguyên nhân là tại phường xã chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên ngành về an toàn thực phẩm và thường xuyên thay đổi nên gặp khó khăn trong quản lý. Công tác kiểm tra, xử phạt hành chính trong kinh doanh thức ăn đường phố chưa triệt để, chỉ dừng lại mức cảnh cáo, nhắc nhở…

Bên cạnh đó, người kinh doanh thức ăn đường phố thường buôn bán nhỏ lẻ, đa số là người nghèo, hoạt động thời gian ngắn và không cố định trên địa bàn và việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Kế hoạch của TP là xây dựng 60 phường xã điểm và 20 khu thức ăn đường phố.

Với mong muốn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn TP.HCM ngày càng được cải thiện, cần phải có sự chung tay của các cấp, ban ngành, đoàn thể và người dân trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và có chất lượng cuộc sống tốt.

Thức ăn đường phố TP.HCM là một nét đặc trưng trong văn hóa của người dân thành phố. Ảnh: NĐ
Thức ăn đa dạng, phong phú, là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến với TP.HCM. Ảnh: NĐ
Đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan chức năng, của các ngành, các cấp. Ảnh: NĐ
Người kinh doanh thức ăn đường phố thường buôn bán nhỏ lẻ, đa số là người nghèo, hoạt động thời gian ngắn và không cố định. Ảnh: NĐ
Đủ món ăn vặt quên sầu tại khu chợ hàng rong hợp pháp đầu tiên ở Sài Gòn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang