Smartphone không chỉ khiến chúng ta 'đần' mà con nhạt đi

Thứ Năm, 04/01/2018 16:03

|

(CAO) Mỗi năm cứ sắp đến dịp “Tết đến xuân về” là trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội lại nổ ra cuộc tranh cãi: “gộp Tết tây với Tết ta” hay “Tết đang nhạt dần”.

Những cuộc tranh cãi này kiểu gì cũng xảy ra “khẩu chiến” giữa 2 phe: tây với ta, “đậm” với “nhạt”. Tôi thì luôn bảo vệ quan điểm, “cái gì của ta thì phải giữ, nhất là nó đã tồn tại từ bao đời”. Còn “đậm” hay “nhạt” là do cách sống của mỗi chúng ta. Lòng đang nhạt thì sẽ thấy Tết nhạt thôi, chứ đậm sao nổi?

Điện thoại thông minh không chỉ khiến chúng ta “đần” mà còn nhạt đi!

Tại sao lòng lại đang nhạt? Bởi vì hầu hết trong chúng ta đều sống ảo, đều cắm mặt vào màn hình chiếc điện thoại vô tri hơn là những tương tác, kết nối đời thường. 10 năm trước khi vào Sài Gòn, hình ảnh ấn tượng nhất đập vào mắt tôi là những quán cà phê sáng, mỗi người ngồi một góc với một li cafe và tờ báo lớn che hết mặt.

Hình ảnh ấy giờ đây gần như biến mất và thay vào đó, họ cắm mặt vào những chiếc điện thoại thông minh và không biết chúng đang dẫn họ đi đâu trong biển thông tin hỗn tạp trên mạng? Không chỉ ở quán cafe mà cơn nghiện điện thoại thông minh còn khiến chúng ta ngày càng trở thành nô lệ cho chúng. Sáng thức dậy việc đầu tiên là check điện thoại. Tối đi ngủ, vật cuối cùng cũng là chiếc điện thoại.

Chưa kể ngồi đâu cũng check điện thoại, ngay cả trên giảng đường, trong cuộc họp, trong các cuộc gặp mặt và thậm chí ngay cả trên bàn ăn sum họp gia đình.

Điện thoại thông minh không chỉ khiến ta “đần” đi và nhạt đi là vì thế

Thật mỉa mai, nhưng nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng, những chiếc điện thoại thông minh đang ngày càng khiến não bộ của chúng ta bị “đần hóa”, mất tập trung và chỉ số IQ tụt giảm thê thảm.

Một nghiên cứu tại đại học Texas tháng 6/2017 chỉ ra rằng, sự hiện diện liên tục của một chiếc điện thoại thông minh gây ra hiệu ứng chảy máu chất xám làm giảm trí thông minh và khả năng tập trung của người dùng. Họ làm việc kém hơn và trí nhớ tệ hơn nếu họ nhìn thấy chiếc điện thoại thông minh trước mặt.

Điện thoại thông minh còn gây mất ngủ kinh niên, có thể mất tới 15 điểm IQ so với bình thường, giảm năng suất lao động và đánh mất sự kết nối xã hội, người thân, bạn bè...

Muốn Tết “đậm” thì phải sống ‘đậm”!

Có phải Tết trong mắt mọi người đang dần nhạt đi không, đặc biệt là trong mắt giới trẻ? Trong clip của Pepsi thực hiện phỏng vấn dạo các bạn trẻ cho rằng Tết đang nhạt dần tạo được viral mạnh mẽ, tôi đọc được rất nhiều ý kiến phản đối. Một trong những phản đối mà tôi thích nhất là ý kiến của một độc giả có tên Linh Catalya: “Sao không hỏi con nít mà hỏi chi mấy đứa đó, lòng nó nhạt nên nhìn Tết thấy nhạt thôi, chứ Tết anh chị em gia đình sum họp, tôi già vẫn thấy hạnh phúc nhé. Giàu ăn kiểu giàu, nghèo ăn kiểu nghèo, miễn đông đủ thành viên”.

Đúng vậy, trong khi nhiều bạn trẻ suốt ngày than vãn Tết nhạt (và không chỉ Tết) thì những đứa trẻ và người lớn tuổi vẫn háo hức với cái Tết cổ truyền của dân tộc. Bởi đây là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt để gia đình, dòng họ, người thân, bạn bè sum vầy, đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả. Đây là dịp thiêng liêng để nhớ về tổ tiên, là dịp để thắp nén hương lên bàn thờ, tưởng nhớ về những người thân đã khuất. Đây là dịp để chúng ta nhận ra rằng “family always comes first” (gia đình là số 1) như thông điệp tuyệt vời trong bộ phim hoạt hình Coco xuất sắc gần đây.

Tết là dịp gia đình sum họp, sẻ chia

Một điều nữa luôn khiến tôi ngạc nhiên là giới trẻ hùa theo những lễ hội của Tây thì rất nhanh, rất háo hức, từ lễ tình nhân Valentine, lễ hội ma quỷ Halloween, lễ Noel và thậm chí cả cái lễ Thanksgiving (lễ tạ ơn của người Mỹ không liên quan gì đến người Việt)... nhưng đến những ngày lễ, Tết của dân tộc thì đăng đàn phản pháo cho rằng nhạt, cũ, tốn kém, phiền nhiễu, giảm năng suất lao động...

Tết Nguyên đán với người Việt đâu chỉ là một dịp nghỉ lễ mà còn là dịp để chúng ta trở về, đoàn viên với cả gia đình bên mâm cơm chiều 30, ngửi mùi nhang trầm linh thiêng cúng tổ tiên ông bà trước giờ khắc Giao thừa và hân hoan chào đón năm mới khi thức dậy vào sáng mùng một Tết.

Và hơn cả thế, với tôi, những giá trị và tập tục văn hóa truyền thống của người Việt được gìn giữ và phát huy nhiều nhất trong những ngày Tết cổ truyền.

Những giá trị truyền thống đó, được cha ông gìn giữ từ bao đời và phát huy trong những ngày lễ hội này. Tết, là dịp người Việt được tắm gội trong các tập tục, giá trị văn hóa truyền thống mà người già không cần phải rao giảng hay dạy dỗ cho con cháu, bởi chúng được kế thừa một cách nhuần nhuyễn, bởi chúng đã là bản sắc ăn vào máu chúng ta.

Những giá trị tinh thần đậm đà đó chắc chắn không thể nào khiến Tết nguyên đán của người Việt nhạt được. Cái Tết chỉ nhạt vì chúng ta sống nhạt, vì chúng ta đánh mất kết nối với người thân, bạn bè; và thay vì “family always comes first” thì nhiều người trong chúng ta lại chọn “smartphone always comes first” thôi.

Pepsi “muối” có thật không? Tôi không tin lắm và cho rằng đây chỉ là một “metaphor” (ẩn dụ) để cảnh báo đến lối sống thờ ơ, bàng quan của giới trẻ trước văn hóa và truyền thống dân tộc hay sức mạnh kết nối của tình thân gia đình trong dịp Tết.

Muốn Tết đậm thì các bạn phải sống đậm thôi. Và muốn sống đậm, Tết “đậm” thì việc đầu tiên là hãy chọn “family comes first” thay vì “smartphone comes first”!

Bình luận (0)

Lên đầu trang