Cứu bệnh nhân hóc xương cá tra "khủng"

Thứ Năm, 25/06/2020 10:42  | Đăng Khoa

|

Ngày 25-6, Bs.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BV ĐKTW CT) cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa nội soi can thiệp thành công trường hợp hóc xương cá kích thước lớn cắm vào thực quản.

Sáng 23-6, ông Trần Văn Chiến (59 tuổi, ngụ Bình Minh, Vĩnh Long) ăn cơm với thức ăn là đầu cá tra bị hóc xương. Sau đó, ông Chiến cảm thấy đau nhiều vùng cổ, ói, không nuốt được. Người thân đưa đến bệnh viện địa phương nhưng không tiến triển nên ngày hôm sau chuyển đến BVĐKTW CT. 

Xương cá tra "khủng" được lấy ra sau khi nội soi

BS Phan Văn Tiển, Khoa nội soi đã tiến hành nội soi phát hiện 1/3 giữa thực quản thấy có 01 dị vật (xương cá) kích thước khoảng 2.5x3cm, có nhiều cạnh sắc. BS Tiến lấy nước bơm thấy xương xuống thân vị, lấy dị vật nhẹ nhàng ra ngoài một cách an toàn. Kiểm tra lại thấy có vết sướt 2/3 thực quản trên.Thời gian nội soi 05 phút. Hiện nay, bệnh nhân không còn đau ở cổ, uống sữa được.

Bác sỹ thăm bệnh nhân

Theo Bs.CK2 Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa BV ĐKTW CT, dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến, thường là hóc thức ăn như hóc xương cá hoặc mắc phải các loại dị vật khác như tăm, tre, đinh... vào đường tiêu hóa trên, thường là thực quản.

Mắc dị vật thực quản rất nguy hiểm và đòi hỏi phải được xử lý ngay nếu không sẽ để lại một số biến chứng nặng nề như loét, chảy máu, tạo ổ áp xe, nặng hơn nửa là thủng trung thất hoặc dị vật đâm vào đoạn thực quản có cung động mạch chủ tựa vào gây loét và thủng động mạch.

Để phòng ngừa dị vật thực quản, mọi người nên giữ các thói quen tốt như: Ăn chậm, nhai kỹ; hạn chế nói chuyện, đùa giỡn khi ăn; cẩn thận với các loại thịt cá chưa được lọc bỏ xương hoặc trái cây có hạt lớn, sắc nhọn; cắt nhỏ thịt.

Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn, chú ý chọn thực phẩm mềm cho người già và trẻ em; chú ý bỏ vỏ bao thuốc khi uống - nhất là vỏ có cạnh sắc nhọn.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang