Dấu hiệu tiềm ẩn ung thư đoạn cuối ruột già

Thứ Bảy, 28/12/2019 19:38  | Ngô Đồng

|

(CAO) Ở giai đoạn sớm, ung thư đại tràng thường không có triệu chứng rõ ràng.

Nữ bệnh nhân 68 tuổi, ngụ TP.HCM, vừa được các bác sĩ phẫu thuật thành công loại bỏ khối ung thư ở ruột già.

Với tình trạng đau tức bụng dưới một thời gian vài tháng, tiêu chảy thường xuyên, bệnh nhân nghĩ đó là biểu hiện thông thường của đường tiêu hóa nên không đi kiểm tra. Đến khi đi tiêu phân lỏng, kèm ít nhầy máu, bà mới vào Bệnh viện thăm khám.

Các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu Hóa đã khám, xét nghiệm máu, nội soi, chụp CT bụng, phát hiện có nhiều polyp nhỏ (một khối dạng bướu lòng ruột) rải rác trong ruột già và 1 polyp to ở đoạn cuối ruột già gây ra ung thư.

Bệnh nhân được thực hiện thủ thuật nội soi ruột già không đau cắt bỏ toàn bộ polyp nhỏ và phẫu thuật nội soi cắt đoạn ung thư ruột già. Sau mổ vài ngày, bệnh nhân ăn uống được, đi cầu tốt, sức khỏe ổn định và được xuất viện.

Hình ảnh CT cho thấy khối u đại tràng

BS. Hồ Anh Tú, chuyên Khoa Tiêu hóa cho biết, trường hợp của bệnh nhân này là một ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn vì đi khám trễ, giảm khả năng kéo dài sự sống sau mổ và dễ gây ra các biến chứng như tắc ruột, chảy máu ruột già.hoặc di căn xa.

Các bác sĩ cho biết, ở giai đoạn sớm, ung thư đại tràng thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi có rối loạn đi cầu như táo bón, tiêu chảy thường xuyên, đau bụng, sụt cân, thiếu máu thứ phát do mất máu mạn, đi tiêu ra máu, khối vùng bụng,…triệu chứng tắc nghẽn như buồn nôn và nôn, khó đi tiêu nên tới các bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa để thăm khám, nhằm điều trị hiệu quả nhất.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người bình thường từ 45 – 50 tuổi nên tầm soát bệnh định kỳ. Bên cạnh đó, những thành viên gia đình cùng huyết thống với bệnh nhân nên đi tầm soát polyp và ung thư ruột già sớm hơn người bình thường vì polyp hoặc ung thư ruột già có tính chất gia đình cao (khoảng 30%).

Hai bệnh viện cứu sống công nhân vệ sinh bị tai nạn vỡ đại tràng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang