Cha nhanh trí sơ cứu giữ mạng sống con trai 13 tuổi bị ngạt nước

Thứ Năm, 12/04/2018 09:44  | Ngô Đồng

|

(CAO) Bé trai 13 tuổi té xuống ao bùn không ngoi lên được, đến khi người cha vớt lên được thì em đã ngưng thở và tím tái toàn thân. Người cha nhanh trí hà hơi thổi ngạt được 5 phút thì em tỉnh và nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Thông tin từ BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, tại đây đang điều trị cho bé trai (13 tuổi, ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) bị ngạt nước, bé được cứu sống nhờ người cha biết sơ cấp cứu ban đầu.

Trước đó, khi đang ngồi trên ghe cùng với cha, do mất thăng bằng nên em té xuống nước khu vực nhiều bùn và không ngoi lên được, đến lúc cha vớt lên thì em ngưng thở và tím toàn thân.

Người cha đã nhanh chóng hà hơi thổi ngạt được 5 phút thì em tỉnh, tuy nhiên còn tím và khó thở, được đưa ngay đến BV Huyện Cần Giờ sơ cứu. Em được hỗ trợ thở oxy và chuyển ngay đến BV Nhi Đồng 2. Thời gian từ lúc té ngạt nước đến khi đến khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2 là 4 giờ.

Tại Khoa Cấp cứu, em còn thở mệt, tím nhẹ, được hỗ trợ hô hấp bằng thiết bị NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi) và chích kháng sinh mạnh để điều trị viêm phổi hít do sặc nước mặn.

Sau 22 giờ điều trị tại Khoa Cấp cứu, em tỉnh táo, hồng hào, thở tốt hơn nhưng vẫn cần hỗ trợ thở bằng NCPAP và được nhập vào Khoa Hô Hấp 1 để tiếp tục điều trị.

Tại khoa Hô hấp 1, em cải thiện nhanh chóng các vấn đề suy hô hấp, có thể ngưng NCPAP và chuyển sang thở nhẹ nhàng bằng dây oxy râu. Hiện tại em đã có thể tự thở bằng khí trời, tỉnh táo, sinh hoạt gần như bình thường, em chỉ còn điều trị chích kháng sinh theo phác đồ viêm phổi hít.

Xquang phổi của bé trước và sau khi điều trị. Hiện tại em đã có thể tự thở bằng khí trời, tỉnh táo, sinh hoạt gần như bình thường.

Theo Ths.BS Nguyễn Đình Qui, BV Nhi Đồng 2, đây là một trường hợp ngạt nước mặn đáp ứng tốt với điều trị, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp, điều trị kịp thời, bài bản của đội ngũ nhân viên y tế còn phải kể đến vai trò cực kỳ quan trọng của sơ cấp cứu ban đầu, chính thao tác hà hơi thổi ngạt thật tốt của người cha đã tiếp thêm cơ hội sống cho con mình.

Với những người bị ngạt nước (đuối nước), cấp cứu ban đầu là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Nếu không được sơ cấp cứu ban đầu tốt rất dễ gây thiếu oxy não, nếu ngạt quá 4 phút có thể gây tổn thương não, ngạt quá 10 phút có thể tử vong, nếu sống thì sẽ để lại di chứng não nặng nề.

Đuối nước và thời điểm vàng sơ cứu

Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi, hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Đây là một tai nạn hay gặp, xảy ra trong khi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tại nhà như trong bồn nước, chum vại, rãnh nước,…

Nguyên tắc cấp cứu là tại chỗ

Việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước.

Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước, ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, hoặc một sợi dây để giúp họ lên bờ. Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi, hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.

Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ. Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

Hô hấp nhân tạo tốt nhất để tiếp thêm ôxy lên não khi trẻ bị đuối nước. Ảnh minh họa

Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 – 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 – 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.

Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Những sai lầm cần tránh

Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.

Bé gái 10 tháng tuổi té úp mặt vào thau nước chết thương tâm
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang