Ở đâu có Saigon Co.op, ở đó bán vải thiều Lục Ngạn

Thứ Sáu, 31/05/2019 09:22

|

(CAO) Gần 500 tấn vải thiều Lục Ngạn chính gốc sẽ theo chân Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op có mặt tại mọi miền đất nước.

Ngày 29-5, trong khuôn khổ “Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và Quảng bá các sản phẩm văn hoá, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019”, Ban tổ chức đã làm lễ xuất phát đoàn xe vận chuyển vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang vào hệ thống phân phối của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op).

Đưa trái vải đặc sản vào 700 điểm bán

Trước lễ xuất phát chính thức, từ đầu tuần, vải đầu mùa đã có mặt tại hệ thống phân phối của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opXtra,Co.op Food, Co.op Smile, Cheers và kênh bán hàng trực tuyến HTV Co.op.

Đây là năm thứ 2 Saigon Co.op phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tiêu thụ vải thiều. Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, năm 2018 được sự kết nối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Saigon Co.op được giới thiệu làm việc với tỉnh Bắc Giang và ký kết hợp tác tiêu thụ khoảng 400 tấn vải và tạo được hiệu ứng tốt: lần đầu tiên Saigon Co.op chuyển trái vải Lục Ngạn vào phân phối tại hệ thống bán lẻ của mình từ miền Trung đến mũi Cà Mau; qua đó người tiêu dùng cả nước được thưởng thức vải thiều chính gốc, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn cũng được biết đến nhiều hơn.

Ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op phát biểu tại Diễn đàn

Thông tin tại Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hoá, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết mùa vụ vải thiều năm nay, Saigon Co.op tiếp tục đưa vải thiều Lục Ngạn đến hệ thống gần 700 điểm bán với sản lượng tăng 25% so với cùng kỳ. Không chỉ tổ chức tiêu thụ, Saigon Co.op còn xây dựng chương trình “Lễ hội trái cây” kết hợp vải thiều và các loại trái cây các địa phương khác trong tháng 6 – 7 tại các điểm bán trên toàn quốc.

“Dịp Tết Đoan Ngọ chúng tôi sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Saigon Co.op sẽ phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện chương trình Xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong hệ thống phân phối của Saigon Co.op tại TP HCM.

Song song đó, bổ sung vải thiều vào danh mục hàng hoá xuất khẩu thông qua mạng lưới liên kết HTX trên toàn thế giới của Saigon Co.op, góp phần làm dày thêm danh mục hàng nông sản “thương hiệu Việt” có mặt trên thị trường quốc tế, đặc biệt tại thị trường Singapore và Nhật Bản.

Bảo đảm tươi ngon, giá hợp lý

Mới đầu mùa vải nhưng tại Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Lục Ngạn), không khí làm việc đã rất tất bật, nhịp nhàng.

Hơn chục nhân công chia nhau thực hiện các công đoạn để xử lý, đóng gói đúng kỹ thuật và dán tem, nhãn để đưa đi tiêu thụ. Hùng Thảo một trong những DN uy tín tại Bắc Giang và là nhà cung cấp chính mặt hàng này cho hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op trong năm 2018.

Chỉ vào những thùng vải đang được đóng gói cẩn thận, ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc công ty, cho biết công ty hướng dẫn các HTX, tổ hợp sản xuất thực hiện đúng thời gian cách ly, đặc biệt là trước khi thu hoạch 14 ngày không được phun thuốc bảo vệ thực vật. Vào mùa vụ năm nay, công ty đã lấy mẫu vải tại các vườn đem đi kiểm nghiệm, Saigon Co.op cũng lấy mẫu bất kỳ để gửi đi kiểm tra các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm trước khi mua nên rất an tâm về chất lượng”- ông Hùng chia sẻ.

Hiện nay, công tác vận chuyển, logistics của Saigon Co.op đã được cải thiện đáng kể đã giúp nhà bán lẻ hàng tiêu dùng số một Việt Nam đưa nhiều đặc sản vùng miền đến tận tay người tiêu dùng với giá thành hợp lý nhất. Với trái vải lần này cũng vậy, nhờ kiểm soát tốt chất lượng và chi phí nên trái vải đặc sản vùng Lục Ngạn về tới Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… vẫn giữ được độ tươi ngon, giá bán không chênh lệch nhiều so với khu vực miền Bắc.

Khuyến khích, tạo điều kiện phân phối tiêu thụ trong nước

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, bên cạnh việc tập trung xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều, chính quyền tỉnh còn phối hợp cùng các bộ ngành chức năng hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng vải thiều, mở rộng vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Toàn tỉnh đã có 13.855 ha vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 218 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP.Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn bà con nông dân kỹ thuật canh tác, chăm bón vải thiều đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Kết quả là năm nay mặc dù thời tiết không thuận lợi, tỉ lệ ra hoa, đậu trái thấp so với năm 2018 nhưng trái vải sáng đẹp hơn, chất lượng đồng đều hơn và được giá hơn.

Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho hay cả tỉnh đang có gần 28.500 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 150.000 tấn. Sản lượng rất lớn, tạo sức ép tiêu thụ lên người dân lẫn chính quyền tỉnh . Đến năm 2018, sản lượng vải tiêu thụ nội địa đã tăng lên 55%, mục tiêu của tỉnh trong năm nay sẽ đưa tỉ lệ này lên 60% để bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định. Chính quyền tỉnh luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, thương nhân thu mua phân phối, đặc biệt là tạo điều kiện cho các nhà phân phối lớn liên kết thu mua, đưa trái vải đi mọi miền đất nước. “Năm rồi, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op đã hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ gần 400 tấn vải thiều Lục Ngạn và quảng bá thương hiệu, chất lượng trái vải đến người tiêu dùng trên cả nước. Năm nay, tỉnh tiếp tục đồng hành cùng DN này tổ chức phân phối trái vải, trọng tâm quảng bá sẽ là khu vực miền Trung, làm sao để người tiêu dùng cả nước biết được thương hiệu vải thiều Bắc Giang cũng như an tâm về chất lượng sản phẩm” – ông Thái thông tin thêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang