Tình và đời

Thứ Ba, 31/07/2018 14:24

|

(CAO) Cái chuyện “tình đời” thì mênh mông lắm, khi nói đến nó người ta thường nghĩ những điều không hay, lắm khi lôi ra hàng loạt hình ảnh xấu xa để than thở, trách nắng, lên án những kẻ sống quá “phàm phu tục tử”.

Tuy nhiên, cuộc sống luôn luôn có hai mặt, con người lúc nào cũng hiện hữu trên hai thái cực, xấu tốt đồng hành bên nhau, vì vậy nơi có đấu tranh, răn dạy, nơi có phát triển và trì kéo, mới tạo ra một bên phẩm chất và một bên thấp hèn.

Một nhân vật, với người này được xem là thánh thiện, tốt không ai bằng, nhưng với người kia có thể là kẻ cần phải xa lánh, một chân dung không mang lại thiện cảm. Rõ ràng, tình cảm con người với một ai đó thường thông qua cách được đối xử hoặc cảm nhận theo chủ quan, vấn đề là quan điểm ấy được bao nhiêu người đồng tình, ủng hộ.

Một hôm, đọc báo thấy công ty phát triển nhà Hưng Thịnh tặng 1 tỷ đồng cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, tôi thấy vui lắm. Sau vụ hỏa hoạn gây nhiều thiệt hại ở chung cư Carina, quận 8, người ta mới nhận ra nhiều khiếm khuyết trong việc bảo đảm an toàn cho cộng đồng dân cư.

Ngoài ý thức, các phương tiện phục vụ cho công tác này còn thiếu thốn, có nơi không có kinh phí để trang bị. Anh Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty thổ lộ: “Mình góp một phần kinh phí để mua thêm dụng cụ chữa cháy, thấy anh em vất vả mình thương quá...”.

Cái “thương” của nhà doanh nghiệp trẻ tuổi không chỉ thể hiện một lần, mà rất nhiều lần công ty Hưng Thịnh tham gia vào các hoạt động xã hội một cách năng động, vô tư. Số tiền đóng góp vào những chương trình cứu trợ các vùng bị thiên tai, nhưng Trung nói: “Vật chất không lớn hơn tinh thần, bao nhiêu tiền để đổi được hạnh phúc?...”.

Lời nói của Trung thật đơn giản nhưng sâu xa. Hạnh phúc nằm ở trong tay của mình chớ không phải đi “lấy” từ nhà của người khác. Giúp người là niềm vui, là hạnh phúc.

Cũng cùng quan điểm ấy, vợ chồng anh Trần Thanh Hải và chị Trần Thị Lệ đã “đồng vợ, đồng chồng” xây dựng công ty Nutifood ngày càng vững mạnh. Doanh nghiệp sản xuất sữa và các thực phẩm dinh dưỡng này đi lên trong muôn vàn khó khăn, khi phải đối chọi với rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài và cơ chế quản lý của các ngành liên quan.

Đến nay, công ty đã có hơn 5.000 chuyên viên, nhân viên kỹ thuật, công nhân có tay nghề... hoạt động trên khắp miền đất nước.

Bà Trần Thị Lệ trong một lần trao tặng sữa cho trẻ em nghèo

Theo chị Trần Thị Lệ, mục tiêu chính yếu của công ty là nhằm góp phần cải thiện thể chất cho trẻ em Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn, nơi có mức thu nhập thấp. So với độ tuổi, nhiều đứa trẻ nước ta bị hạn chế chiều cao lẫn cân nặng, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trí tuệ và khả năng lao động sau này.

Song song với sản xuất, công ty luôn dành một phần lợi nhuận cho công tác xã hội từ thiện, một nghĩa cử bất vụ lợi như tâm niệm hình thành từ hàng chục năm nay của đôi vợ chồng trí thức trẻ này.

Một nhân viên của Nutifood đã nói với tôi: “Chúng em yêu mến vợ chồng chị Lệ, những người sống có lý tưởng và lòng nhân ái luôn rộng mở...”. Thời gian là sự đối chứng chính xác nhất về nhân cách giữa người này và người kia, giữa cái thiện và cái ác, giữa cái chân thật và sự giả dối. Trên một chặng đường dài đã qua, tôi không thể lưu giữ đầy đủ chân dung của những người phẩm hạnh, nhưng lại khó quên hình ảnh của một số nhân vật sống “rất đời”, như cuộc đời đầy rẫy những trái ngang mà chúng ta đang sống.

Tôi có quen một ông giám đốc công ty tư nhân, tuy không thân, song cũng nhiều lần gặp gỡ. Có lúc vui miệng, ông khoe vốn liếng của công ty đã vượt hơn 2.000 tỷ, dù thương trường cũng gặp không ít chuyện... đau thương. Ái chà, số tiền quá lớn, tương đương 100 triệu đô la Mỹ, biết làm gì cho hết.

Hôm ấy, một người bạn mời tôi và ông dự tiệc cưới, hôn lễ tổ chức trang trọng ở khách sạn 5 sao Sheraton. Lúc vào khán phòng, ông hỏi tôi bỏ bao thư bao nhiêu, tôi thật tình đáp: “Mình không có nhiều tiền, chỉ đi một triệu thôi”, ông cười ẩn ý. Tôi thấy hơi hổ thẹn với món quà khiêm tốn của mình và nghĩ vợ chồng ông chắc mừng cho bọn trẻ chí ít cũng năm, mười triệu.

Mấy hôm sau, gặp người bạn hỏi han chuyện lễ cưới, anh ta rất vui nhưng sau đó mi mắt sụp xuống khi nhắc đến vợ chồng vị giám đốc... khả kính: “Trên đời tôi chưa thấy ai chơi bần như vợ chồng ông ta, tiệc cưới 5 sao mà hai người đi 500.000 đồng... thử hỏi ai chịu đời cho thấu! Phải chi họ nghèo đói, đằng này cứ khoe làm ăn chục tỷ, trăm tỷ... đúng là đồng tiền xấu xí!”.

Nhân dịp cuối năm, tôi mời vị giám đốc ấy đi ủy lạo ở một trung tâm bảo trợ xã hội, nơi có khoảng 800 người đang cần hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất. Vị giám đốc đồng ý và góp vào nửa tấn đường. Nửa tấn nghe nặng song nó trị giá khoảng 6 triệu đồng, trong khi bà bán cơm chay đã góp sức đến 15 triệu bạc. Ông đề nghị: “Phát quà không thì buồn lắm, có lẽ tổ chức ca hát cho họ thấy đời... cũng còn đáng sống, chi phí bao nhiêu tôi lo”.

Thấy thiện chí của ông, tôi mừng lắm, gọi điện lên trung tâm nhờ họ chuẩn bị giúp khâu tổ chức. Ngày ủy lạo diễn ra, đoàn đi khoảng 20 người, số quà trị giá gần 80 triệu đồng. Sau phần thủ tục giới thiệu, vị giám đốc bước lên sân khấu tự nguyện phục vụ văn nghệ giúp bà con vơi đi... sầu não. Một nghĩa cử quá đẹp! Ông hát từ bài “Ai lên xứ hoa đào” cho đến “Một giấc chiêm bao” rồi sang “Ngày xưa con sáo”... Cứ liền tù tì không ngơi nghỉ.

Hơn 500 gương mặt héo hắt ngồi trong hội trường, lúc đầu còn chú ý sau đó ánh mắt cứ lịm dần mặc cho “ca sĩ” cứ khàn giọng... Ru em từng ngón xuân nồng! Thật ra, với những ca sĩ chuyên nghiệp, trình diễn một “lèo” như thế thì khán giả cũng đã thấy ngán, huống hồ gì thanh âm của vị giám đốc này nghe “rì rì” như tiếng... chim cu đất.

Chợt nhận ra những người cần phải bồi dưỡng tâm hồn chính là các trại viên, nên tôi kêu gọi ai thích thì cứ mạnh dạn lên hát. Thật không ngờ, tiếng hát của những người đau khổ truyền cảm còn hơn cuộc sống mà... trời đã ban cho họ. Ai cũng diễn đạt một cách say mê, tạo ra bầu không khí hứng khởi cho những kẻ có cùng số phận. Rộn ràng và xúc động.

Bị cắt ngang, nhà tỷ phú cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên. Có lẽ ông ta muốn những kẻ cơ nhỡ kia phải tiếp tục chịu “đòn tra tấn” thần kinh cho đến khi tâm phục, khẩu phục thì mới thôi? Khi vị giám đốc giành micrô chuẩn bị biểu diễn phần hai, thì đến giờ các trại viên nhận quà ủy lạo và dùng cơm trưa. Người làm “live show” tỏ ra bực dọc và càng khó chịu hơn khi phải lấy ra 800.000 đồng trả nhạc cụ và nhạc công. Ông ta cứ luôn miệng phàn nàn người phụ trách trung tâm chẳng biết “khôn ngoan” là gì và... thề sẽ không bao giờ quay lại cái nơi buồn muôn kiếp này nữa!

Tại sao vậy? Câu trả lời chính xác nhất có lẽ từ bụng ông ấy, nhưng theo thiển ý của tôi, ông đã bị chạm đến “máu nhà giàu” khi cái chứng tỏ của mình không được người khác... phủ phục. Lần đầu tiên tôi mới thấy một người làm từ thiện... có điều kiện và mua vui trên nỗi đau của đồng loại.

Với tiền của trong tay, nhà tỷ phú có thể làm mọi người kính trọng nếu như ông ta đến những nơi cùng khổ bằng tấm lòng chân thật. Kẻ sa cơ rất cần sự cứu giúp nhưng họ vẫn đủ lý trí để nhận biết đang được đối xử như thế nào.

Đồng tiền sẽ trở thành vô nghĩa nếu như cách cho đi không nhằm mục đích chia sẻ. Tại sao có người nghèo được quý mến và có kẻ giàu bị mọi người khinh khi? Thái độ của vị giám đốc này làm tôi phải nhiều lần suy nghĩ và thật đáng quý khi trên đời có những con người thanh cao như anh Nguyễn Đình Trung, vợ chồng chị Trần Thị Lệ - Trần Thanh Hải.

Bình luận (0)

Lên đầu trang