Từ ảnh minh họa đến chuyện thu phí bản quyền bài hát Karaoke

Thứ Năm, 30/03/2017 08:22

|

(CAO) Câu chuyện về ảnh minh họa chưa phù hợp khiến ca khúc “Màu hoa đỏ” bị Sở Văn hóa - Thể Thao & Du lịch Tiền Giang “đưa nhầm” vào danh sách các ca khúc cấm phổ biến. Hay chuyện thu phí bản quyền bài hát đối với các quán karaoke sử dụng bài hát để kinh doanh là những vấn đề đang được dư luận quan tâm trong những ngày qua.

“Loạn” ảnh minh họa bài hát

Xung quanh việc ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến bị đưa vào danh sách những ca khúc “cấm phổ biến” đang làm dư luận xôn xao, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Tiền Giang ông Nguyễn Đức Đảm đã lý giải một phần nguyên nhân là bởi ca khúc này khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke được phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung.

Sau khi phát hiện ra sự thiếu sót, Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Tiền Giang đã có báo cáo giải trình và gửi lời xin lỗi đến gia đình nhạc sĩ Thuận Yến.

Liên quan vấn đề ảnh minh họa không phù hợp với nội dung của những ca khúc cách mạng, làm ảnh hưởng đến nội dung bài hát. Phóng viên đã có cuộc khảo sát ở một số cơ sở, quán karaoke trên địa bàn TP HCM. Theo đại diện một số quán karaoke ở địa bàn TP, hình ảnh minh họa cho bài hát được sử dụng ở quán của họ là hình ảnh tự động được cài đặt sẵn trên máy.

Hình ảnh minh họa không phù hợp với bài hát “Màu hoa đỏ” trong một đoạn Video Clip Karaoke trên mạng internet.

Anh Ngô Văn Hòa (Quản lý cơ sở Karaoke K. trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) cho biết: “Phần mềm karaoke có định sẵn hình ảnh minh họa. Chỉ cần bấm mã chọn bài hát, bài hát và giai điệu sẽ xuất hiện trên nền hình ảnh minh họa có sẵn. Những hình ảnh này được dùng chung cho mọi thể loại nhạc. Không chỉ riêng cho dòng nhạc đỏ (nhạc cách mạng). Tùy quán karaoke mà họ lựa chọn những hình ảnh minh họa khác nhau. Có thể là phong cảnh, nhà cửa, phố xá, xe cộ hoặc thiếu nữ…”.

Một chủ quán Karaoke trên đường Võ Thị Sáu (quận 3) cho biết, khi xin cấp giấy phép mở cơ sở kinh doanh Karaoke, thanh tra văn hóa thông tin sẽ kiểm tra về các nội dung bài hát. Chỉ có những bài hát được phép lưu hành mới được đưa vào danh sách bài hát trong quán.

“Khi kiểm tra hoạt động của quán, các cán bộ thường xuyên nhắc nhở việc dùng ảnh minh họa cho hợp lý, không nhố nhăng, dung tục. Riêng những bài nhạc cách mạng, trong một số lần kiểm tra, các cán bộ cũng nhắc nhở chúng tôi phải lưu ý về việc không được để hình ảnh minh họa không phù hợp làm ảnh hưởng đến bài hát. Lúc đó, tôi đã có điều chỉnh lại cho phù hợp hơn” – Vị chủ quán cho biết.

Còn theo những người hay sử dụng dịch vụ karaoke như anh Lâm Sơn Vinh (ngụ quận 5, TP HCM) thì hiện nay, việc dùng ảnh minh họa để minh họa cho các bài hát karaoke vẫn còn rất loạn, mỗi nơi một kiểu.

Anh Vinh cho biết: “Tôi thường đi hát karaoke và để ý thấy, mỗi quán có mỗi hình ảnh minh họa khác nhau. Thông thường nhất là ảnh phong cảnh. Tuy nhiên, ngoài những hình ảnh minh họa ở quán karaoke, hiện nay trên mạng internet xuất hiện nhiều clip karaoke có ảnh minh họa rất “bạo”. Thậm chí những hình ảnh thiếu nữ thiếu vải lại được đem làm minh họa cho ca khúc cách mạng”.

Hình ảnh minh họa không phù hợp với bài hát “5 anh em trên một chiếc xe tăng”.

Liên quan đến việc ca khúc “Màu hoa đỏ” và câu chuyện ảnh minh họa, PV đã liên hệ với nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để tìm hiểu về vấn đề. Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, việc hình ảnh minh họa không phù hợp với ca khúc thì không chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, nếu nhạc sĩ Thuận Yến vẫn còn sống mà biết việc này cũng có thể sẽ phản đối, cũng có thể yêu cầu không được dùng bản ghi đó nếu mà hình ảnh nó làm hại và làm sai lệch cái tinh thần chính của ca khúc.

“Việc Sở VH-TT&DL Tiền Giang yêu cầu cấm là cấm cái băng hình dùng hình ảnh không phù hợp làm sai lệch tinh thần của bài hát đó thôi, không phải là cấm bài hát. Như vậy, quan điểm của họ cũng có lý”- Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết.

Trong khi đó, thông tin với báo chí về vấn đề ca khúc Màu hoa đỏ và chuyện ảnh minh họa, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên quả quyết, nếu lỗi do băng đĩa đưa hình ảnh không phù hợp với ca khúc thì phải xử lý kỹ thuật và băng đĩa đó chứ không thể xử lý ca khúc.

“Nóng” chuyện thu phí bản quyền

Mới đây, ngày 24/3, ông Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm cấp phép và quản lý quyền (Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN - RIAV) đã ký văn bản đề cập đến việc thu mức phí bản quyền liên quan theo quy định là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke và có thời hạn sử dụng một năm.

Trong văn bản này, Trung tâm cấp phép và quản lý quyền khẳng định đơn vị này có căn cứ thông tin về việc các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke hiện đang sử dụng các sản phẩm bản ghi (ghi âm, ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV vào mục đích kinh doanh nhằm thu lại lợi nhuận khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của các chủ sở hữu.

Theo Trung tâm cấp phép và quản lý quyền của RIAV thì việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của RIAV và hội viên RIAV. Ngoài ra, còn vi phạm các quy định tại điểm a, khoản 2, điều 746, bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 5, điều 35, luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi và bổ sung năm 2009 và các quy định khác có liên quan. Do đó, trường hợp nào vẫn tiếp tục có hành vi xâm phạm bản quyền như đã nêu, trung tâm sẽ kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc thu phí bản quyền bài hát đang khiến những cơ sở kinh doanh karaoke lúng túng.

Liên quan đến câu chuyện này, một số đại diện những quán karaoke trên địa bàn TP.HCM cho biết, từ trước đến nay, họ vẫn chưa biết đến qui định phải đóng tiền tác quyền cho ca khúc mà mình sử dụng.

“Qua báo chí tôi mới biết có thông tin là phải đóng phí 2.000đồng/bài hát/đầu máy và được sử dụng một năm. Qui định nghe là vậy, nhưng chúng tôi vẫn còn khá mơ hồ, không hiểu cách thức họ thu thế nào? Ai sẽ thu? Vì nếu tính tác quyền, mỗi đầu máy có chứa đến hàng nghìn bài hát. Nếu tính tác quyền phải tính thế nào? Liệt kê ra sao và thu phí ra sao, đó là những điều chúng tôi chưa rõ” - Anh Ngô Văn Hòa nêu vấn đề .

Còn theo tính toán của một số người kinh doanh dịch vụ karaoke thì mỗi cơ sở hoặc quán karaoke có đến hàng chục đầu máy. Do đó, nếu tính phí tác quyền mỗi năm với 2.000 đồng mỗi bài hát/ đầu máy thì số tiền họ bỏ ra sẽ không nhỏ.

Một chủ quán kinh doanh karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh nêu vấn đề: “Liệu việc thu phí này có khả thi hay không. Tôi nghĩ những người đề xuất thu phí này nên tính toán lại vì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề khác nữa” 

Trong khi đó, khi được hỏi ý kiến của mình về vấn đề này, nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thẳng thắng cho biết: “Việc này RIAV không bàn với chúng tôi, chúng tôi không được biết thông tin gì. Cho nên tôi không kịp nghĩ gì là nó bất cập, có hiệu quả hay không”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang