Châu Âu xao động với tâm điểm Hy Lạp

Thứ Hai, 13/07/2015 07:39  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO)Quyết định về số phận của Hy Lạp ngày hôm nay 12-07-2015 sẽ là tiền đề cho một cuộc cách mạng trong tương lai. Sự kiện Hy Lạp không còn là vấn đề riêng của Hy Lạp nữa, mà qua sự kiện này, các mâu thuẫn cơ bản ngấm ngầm giữa các quốc gia thành viên khối Liên minh châu Âu đã trồi lên bề mặt, mà nguy hiểm nhất là quan hệ Pháp-Đức có nguy cơ đi vào khủng hoảng trầm trọng, mới mà cũ.

Nhóm Euro-groupe với 19 bộ trưởng bộ tài chính của 19 quốc gia thành viên khối Liên minh Châu âu đã họp liên tiếp 9 tiếng đồng hồ cho đến nửa đêm ngày 11-07-2015 không có kết quả, không nhất trí.

Tuy nhiên một bản dự thảo đã được đúc kết sau buổi họp này và họ sẽ gặp nhau một lần nữa vào ngày chủ nhật 12-07-2015 lúc 11 giờ sáng (giờ tại Bỉ, Bruxelles), để biểu quyết một lần nữa về bản đúc kết, trước khi họ sẽ cùng hội nghị với các nhà lãnh đạo quốc gia và chính phủ vào khoảng 16.00 giờ cùng ngày.

Chính các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ sẽ quyết định về GREXIT (viết tắt của Grece và Exit, tức là sự ra khỏi khối Liên minh châu Âu của Hy Lạp).

Đúng 10 giờ sáng hôm nay, 12-07-2015, chủ tịch hội đồng cố vấn Liên minh châu Âu Donald Tusk tuyên bố hủy bỏ cuộc họp bất thường của 28 quốc gia thành viên, nhưng khẳng định chỉ có các nguyên thủ quốc gia của 19 nước sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh.

Nhóm Euro-groupe thảo luận căng thẳng

Trước phiên họp lúc 11 giờ, bộ trưởng bộ tài chính, Peter Kazimir của Slovaquie, thành viên nhóm Euro-Groupe, đã nêu một nhận xét bi quan, ông nói "Buổi họp hôm nay sẽ không mang lại kết quả nào. Không có bất cứ một khả năng nào để đi đến thỏa thuận. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là một tình hình kinh tế ngày càng khó khăn hơn, xiết chặt hơn cho dân tộc Hy Lạp".

Một sự bất ngờ đã xuất hiện: chính phủ Phần Lan tuyên bố chính thức chống lại một sự "bơm tiền" tiếp tục cho Hy Lạp. Phần Lan đòi hỏi (Hy Lạp) phải có những biện pháp tầm mức quốc gia, một sự củng cố kinh tế và lấy lại thăng bằng trong ngân sách chính phủ.

Nhiều chính khách, dân biểu và những chuyên gia kinh tế của Phần Lan đòi hỏi phải có hệ quả và rút ra khỏi khu vực đồng Euro. Họ mỉa mai cho rằng Phần Lan đang ở trong một "club" không đúng với quyền lợi và mục đích của họ. Giáo sư về Kinh tế học Vesa Kanniainen tại Đại học Helsinki Phần Lan và một số kinh tế gia, dân biểu quốc hội vừa mới xuất bản một cuốn sách viết về những bước đi của Phần Lan để ra khỏi khối Liên minh châu Âu. Họ sẽ chống lại sự tập trung quyền lực của thành viên khu vực Euro.

Theo tờ Deutsche Wirtschaft Nachrichten (Thông tin Kinh tế Đức) thì sự chống đối tiếp tục giúp đỡ tài chính cho Hy Lạp cao nhất là ở Phần Lan (74% chống, 14% thuận), Đan Mạch (64% chống, 21% thuận), Đức (61% chống, 26% thuận),

Thụy Điển (53% chống, 23% thuận), Pháp (chống 41%, 38% thuận), Anh quốc (38% chống, 39% thuận).

Các nước như Áo, Chypre, Slovaquie cũng đòi hỏi Hy Lạp phải có nhiều nỗ lực hơn để trả nợ, và họ không tin tưởng là chính phủ Tsipras sẽ có thể triệt để áp dụng các đạo luật cải tổ.

Nữ thủ tướng Lituanie, bà Laimdota Straujuma, tuy không gay gắt, nhưng bà tuyên bố là sẽ rất khó khăn để quốc hội và dân chúng chấp thuận chuyển thêm tiền cứu trợ cho Hy Lạp.

Vai trò của Anh quốc cũng làm cho nhiều người dân đặt câu hỏi, vì nước Anh dùng đơn vị tiền tệ riêng là bảng Anh, cạnh tranh với đồng Euro, mà lại có tiếng nói trong những quyết định về đồng Euro.

Căng thẳng nhất là tiếng nói từ nước Đức, bộ trưởng bộ tài chính Đức Wolfgang Schäuble muốn "đuổi Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng Euro". Ông đưa ra hai đề nghị: một là để bảo đảm cho các "gói cứu trợ" thêm nữa, Hy Lạp phải chấp nhận thành lập một cơ quan quản lý toàn bộ tài sản kinh tế của dân chúng Hy Lạp, hai là "đuổi" Hy Lạp ra khỏi khu vực Euro trong 5 năm.

Điều kiện thứ nhất của ông Schäuble chẳng khác nào là biện pháp "tịch thu toàn bộ tài sản kinh tế và tài nguyên thiên nhiên của nhân dân Hy Lạp". Chưa gì mà một công ty hàng hải Đan Mạch, Reeder Maesrk, đã đăng ký mua đứt hai cảng biển, cảng Piräus và cảng Athen của Hy Lạp. Công ty Telekom của Đức cũng muốn nuốt chửng công ty Telecom của Hy Lạp.

Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schäuble

Đề nghị của ông Schäuble cho là có mục đích tạo khoảng thời gian là 5 năm sắp tới cho những cuộc thương thuyết về trả nợ, Hy Lạp sẽ được nhận những sự giúp đỡ vì "nhân đạo" của khối Liên minh châu Âu vì vẫn còn là quốc gia thành viên, và khối này cũng có thời gian để củng cố lại đồng tiền Euro.

Ý kiến của bộ trưởng Schäuble bị nhiều chỉ trích, nếu nói về thời gian thì Hy Lạp không thể giải quyết vấn đề nợ nần trong năm năm. Cái mâu thuẫn trầm trọng nằm ở chỗ, nếu bán hết tài sản của nhân dân Hy Lạp cho tư nhân nước ngoài, thì người dân Hy Lạp sẽ sống ra sao ? và chính phủ Hy Lạp lấy nguồn lợi kinh tế ở đâu để trả nợ ?

Cựu bộ trưởng Hy Lạp Yanis Varoufakis lên tiếng trên tờ báo Guardien của Anh rằng nước Đức kiên quyết "đuổi" Hy Lạp ra khỏi Liên minh châu Âu trên thực tế là để de dọa nước Pháp, làm cho dân chúng Pháp lo sợ, rồi chấp nhận vai trò lãnh đạo độc nhất của Đức trong khối Liên minh châu Âu. Điều này khiến người ta liên tưởng nhiều đến nguyên nhân của trận Đại chiến thế giới lần thứ hai và sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã trên đất Pháp, từ 1940 đến 1945. Varoufakis tố cáo là năm 2010 chính biện pháp do nhóm Euro-Groupe áp đặt đã đưa Hy Lạp lún xâu thêm vì nợ, và kể từ khi đảng cánh tả Syriza lên nắm chính quyền thì dưới quyền „chỉ đạo“ của ông Schäuble, nhóm Euro-Groupe thương lượng trong mục đích đẩy Hy Lạp "vào chân tường" để tạo ra sự kiện GREXIT.

Cùng trong ý nghĩ này, Lục Xâm Bảo đã lên tiếng cảnh báo Đức tiếp tục „trò chơi“ đuổi Hy Lạp ra khỏi khu vực Euro. Bộ trưởng bộ ngoại giao Lục Xâm Bảo ông Jean Asselborn lên tiếng trên tờ nhật báo Süddeutsche Zeitung hôm nay 12-05-2015 "Nếu nước Đức khư khư giữ ý định Grexit, (loại trừ Hy Lạp ra khỏi khu vực Euro), thì nước Đức đã khiêu khích một sự căng thẳng đối nghịch sâu sắc với nước Pháp. Đó sẽ là một tai họa cho châu Âu."

Nước Đức đã quên một bài học lịch sử của chính họ, đó là ngày 27 tháng 3 năm 1953, Hermann Josef Abs, giám đốc ngân hàng Deutsche Bank, ký một hiệp ước thỏa thuận về giải quyết nợ với các quốc gia chủ nợ, mà trong đó nước Đức được hưởng một sự cắt bỏ nợ lên đến hơn 50%. Nhờ đó mà một quốc gia Đức dân chủ non trẻ đã có thể vực dậy và tự tạo ra một sự phát triển thần kỳ trong thập niên 1950.

Tổng thống Obama đã có một số động thái trong hậu trường, và muốn nữ thủ tướng Đức Angela Merkel nới tay, và Quỹ tiền tệ thế giới IMF phải cắt giảm nợ cho Hy Lạp.

Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo thủ tướng Đức Merkel

Trong tuần vừa qua, các nhà luật gia đã đưa ra một kịch bản có thể thực hiện được: Hy Lạp sẽ bị chấm dứt là thành viên của khu vục đồng Euro, tức là bị ra khỏi khối Liên minh châu Âu. Nhưng sau đó, Hy Lạp sẽ làm đơn xin gia nhập khối Liên minh châu Âu trở lại, nghĩa là vẫn là thành viên, nhưng không thuộc khu vực Euro, như trường hợp của Anh quốc.

Khi báo lên trang thì chưa có kết quả, mà hai khả năng là Có hay Không Grexit đều có vẻ cân nặng ngang nhau. Nhưng trước một viễn ảnh khủng hoảng lan rộng và sâu sắc ở châu Âu, câu trả lời khôn ngoan nhất phải là giữ Hy Lạp lại trong Liên minh châu Âu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang