Dân Hy Lạp đã nói “không” với các điều khoản cứu trợ

Thứ Hai, 06/07/2015 06:22  | Anh Duy

|

(CAO) Sáng nay 6-7, với hầu hết số phiếu đã được kiểm, kết quả cho thấy cử tri Hy Lạp đã từ chối những điều khoản “ thắt lưng buộc bụng” để nhận được cứu trợ tài chính từ các chủ nợ.

BBC đưa tin các số liệu được Bộ Nội vụ Hy Lạp công bố cho thấy 61% số phiếu đã được kiểm nói “ không”, trong khi 39% bỏ phiếu “ có”. Phe nói “ không” đã áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua (5-7).

Đảng Syriza của thủ tướng Alexis Tsipras tích cực vận động cử tri bỏ phiếu chống các điều khoản vay cứu trợ, đã nhấn mạnh nhiều lần rằng các điều khoản này khiến Hy Lạp “ nhục nhã”.

Trong khi đó, phe ủng hộ lại cảnh báo việc Athens từ chối các điều khoản của bộ ba chủ nợ là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu ( EU) đồng nghĩa với việc nước này có thể phải rời khỏi khối đồng euro.

Đến tối qua 5-7 (giờ VN), thủ tướng Alexis Tsipras còn nhấn mạnh rằng việc trưng cầu dân ý lần này của Hy Lạp là bỏ phiếu “ cho một châu Âu đoàn kết và dân chủ”. 

Một người Hy Lạp đứng rút tiền ATM 

“ Ngày mai, Hy Lạp sẽ trở lại bàn đàm phán và ưu tiên chính của chúng tôi là khôi phục sự ổn định tài chính của đất nước. Lần này các khoản nợ sẽ được đặt trên bàn đàm phán ”- thủ tướng Alexis Tsipras khẳng định.

Tuy nhiên, với kết quả kiểm phiếu cho thấy rõ dân Hy Lạp nói “không” với các yêu cầu vay cứu trợ ( giảm lương công chức, lương hưu, tăng thuế VAT lên các mặt hàng…)- bước tiếp theo của Athens và khối đồng euro là gì vẫn còn là bài toán nan giải.

Jeroen Dijsselbloem- người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính của khối đồng euro nhận định “ kết quả của trưng cầu thật đáng tiếc cho tương lai của Hy Lạp”.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabrie cho biết nối lại các vòng đàm phán với Hy Lạp vào lúc này là việc “ khó tưởng tượng” được.

Dù Athens dùng đợt trưng cầu dân ý này để gây sức ép lên các chủ nợ và khối đồng euro thì khó khăn nội tại của họ vẫn còn nguyên đó dù kết quả thế nào. Các ngân hàng vẫn đóng cửa, người dân bị khống chế số tiền rút từ ATM mỗi ngày. Hy Lạp vỡ nợ khi không còn chủ nợ nào đồng ý cho vay tiếp, kể cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Một tương lai u ám cho Hy Lạp, thậm chí nước này có thể phải tạo ra một đồng tiền mới rồi dùng nó để tự cung cấp các khoản vay tài chính quan trọng cho các ngân hàng và chính nền kinh tế của mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang