Hiroshima 70 năm sau: Vết sẹo bom nguyên tử vẫn còn

Thứ Năm, 06/08/2015 14:24  | Hồng Phương

|

(CATP) Cách đây đúng 70 năm, nhiều thi thể cháy đen dập dềnh trong dòng nước lợ chảy qua Hiroshima, sau khi thành phố Nhật Bản này từng rất sung túc bị thiêu đốt bởi sức nóng khủng khiếp của cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên trên thế giới.

Mùi cháy ám đầy không khí khi những người sống sót với thân mình bị bỏng nghiêm trọng lao đầu xuống sông, để trốn thoát cảnh địa ngục. Hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn người, số người không đếm xuể đã không bao giờ nổi lên và bị nhấn chìm bởi biển người tuyệt vọng.

“Đó là một ánh sáng trắng, bạc”, AFP dẫn lời Sunao Tsuboi, 90 tuổi, nói về khoảnh khắc khi Mỹ thả thứ vũ khí hủy diệt nhất thời đó xuống thành phố. Ông lão kể: “Không hiểu tại sao tôi lại sống sót và sống lâu thế này. Càng nghĩ về nó... tôi càng đau”. Bảy thập niên từ sau vụ tấn công, thành phố của 1,2 triệu dân này lại hồi sinh thành một trung tâm thương mại thịnh vượng, nhưng các vết sẹo của vụ ném bom - cả về thể chất lẫn tinh thần - vẫn còn đó.

Quang cảnh thành phố Hiroshima sau khi bị Mỹ ném bom nguyên tử

Đó là lúc 8 giờ 15 phút sáng 6-8-1945, một oanh tạc cơ B-29 có tên Enola Gay đang bay trên thành phố thả Little Boy, một trái bom Uran với sức hủy diệt tương đương 16 kiloton TNT. Chỉ 43 giây sau, khi cách mặt đất 600 mét, nó bùng lên thành một quả cầu lửa với sức nóng khủng khiếp lên đến một triệu độ C.

Gần như mọi thứ xung quanh nó bị biến thành tro. Áp suất không khí đột ngột giảm vì vụ nổ và một đám mây hình nấm bốc cao phía trên thành phố 16km. Ước tính khoảng 140.000 người chết trong vụ tấn công, gồm cả những người sống sót trong vụ ném bom nhưng chết sau đó vì bị phơi nhiễm phóng xạ.

Đối với những người sống sót, nỗi sợ về các bệnh kinh hoàng do nhiễm phóng xạ luôn rình rập. Nhiều năm sau, rất nhiều người vẫn khó khăn khi tìm việc hoặc kết hôn. Thậm chí giờ đây, 70 năm đã trôi qua, một số “hibakusha” (cách gọi những người sống sót sau thảm họa hạt nhân) vẫn tránh công khai nói về trải nghiệm khủng khiếp của mình vì sợ bị phân biệt.

Thị trưởng thành phố Hiroshima, Kazumi Matsui, 62 tuổi, có mẹ sống sót trong vụ ném bom, nói mãi gần đây ông mới bắt đầu thảo luận về những tác động cá nhân từ vụ tấn công.

Ba ngày sau Hiroshima, quân đội Mỹ thả tiếp một trái bom plutonium xuống thành phố cảng Nagasaki, giết chết khoảng 74.000 người. Vụ ném bom kép giáng những đòn cuối cùng xuống đế quốc Nhật, dẫn đến sự đầu hàng ngày 15-8-1945, kết thúc Thế chiến thứ hai.

Đối với Tsuboi, ông hy vọng có một ngày được nhìn thấy các lãnh đạo thế giới - gồm cả tổng thống Mỹ đương nhiệm - thăm thành phố của ông để nghe kể về những gì xảy ra tại đó dưới đám mây hình nấm. Ông nói mình không muốn một lời xin lỗi, mà chỉ muốn có đảm bảo rằng, điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang