Hy Lạp trước một quyết định quan trọng

Chủ Nhật, 21/06/2015 22:11  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Sự kiện Hy Lạp đang thu hút sự chú ý của thế giới, vì nó xảy ra đúng vào thời điểm căng thẳng Đông-Âu đang nổi lên gay gắt. Vấn đề nợ công của Hy Lạp bắt đầu từ năm 2000, kéo dài đến nay là 15 năm, và hầu như đã chạm đáy.

Ngày 25-01-2015 ông Alexis Tsipras thắng cử, ngày 26-01-2015 ông nhận trách nhiệm thủ tướng Hy Lạp. Chính phủ mới của thủ tướng Tsipras, thuộc cánh tả, phải đối phó ngay với một tình huống cấp bách.

Đầu tháng 4-2015, thủ tướng Tsipras hội kiến với tổng thống Wladimir Putin tại Moscou. Báo chí phương tây cho cuộc viếng thăm này là một sự "khiêu khích" trước khung cảnh một cuộc chiến tranh lạnh mới với sự phong tỏa cấm vận của khối Nato đối với nước Nga, cũng như mọi cuộc leo thang mua sắm, trang bị, vận chuyển vũ khí và quân đội.

Nhưng thủ tướng Tsipras cho rằng nước Hy Lạp là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, có chính sách ngoại giao quốc gia, cho dù Hy Lạp có những ràng buộc quốc tế. Ông Tsipras xuất hiện trong hình ảnh dùng làm một tiêu biểu: không thắt cà vạt, trong ngụ ý nói lên sự tự do và độc lập của Hy Lạp.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras và Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Trong khuôn khổ "Diễn đàn kinh tế thế giới St-Petersbourg" lần thứ 19 được tổ chức trong ba ngày 18.- 20-06-2015 tại Nga, thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã nhận được sự giúp đỡ của tổng thống Nga Putin qua dự án xây dựng hệ thống cung cấp gaz Turkish Stream đến Hy Lạp với trị giá là 2 tỷ euros. Ngược lại, Hy Lạp sẽ cung cấp thực phẩm và nông phẩm cho Nga.

Hệ thống cung cấp gaz sẽ được hoàn tất nhanh chóng vào năm 2019. Từ địa điểm cung cấp Anapa (Nga) mỗi năm sẽ có 63 tỷ mét khối gaz được cung cấp cho Hy Lạp.

Trong khi đó tại Hy Lạp, dân chúng tiếp tục dự trữ xăng dầu, thực phẩm và rút tiền từ tài khoản của họ, nhưng không có dấu hiệu bấn loạn. Trong tuần này, dân chúng đã rút ra 4,2 tỷ euros. Từ đầu tháng một 2015 cho đến tháng 4-2015, dân chúng Hy Lạp đã rút ra khoảng 32 tỷ euros. Tình hình rút tiền từ đầu tháng 5 cho đến giờ chưa được thông báo.

Số nợ của Hy Lạp đối với các quốc gia thuộc khu vực Euro chỉ có 305 tỷ euros, so với khối nợ của nước Pháp thì "không thấm vào đâu".

Sự việc xảy ra căng thẳng liên tục vì chính phủ Hy Lạp không đồng ý bị bắt buộc phải sử dụng các biện pháp "cải tổ" bằng cách cắt giảm thâm sâu và nhanh chóng lương hưu, cắt giảm mức lương lao động và các điều kiện lao động của dân chúng theo như ý muốn của các chủ nợ, vì nó đã làm suy sụp nặng nề sức tiêu thụ của dân chúng Hy Lạp.

Cái vòng xoắn lẩn quẩn không có lối thoát của Hy Lạp: lấy tiền ở đâu ra để trả nợ và lời lãi ? Hay phải vay nợ chỗ này để trả nợ chỗ kia ?

Đằng sau mọi cuộc tranh luận ở bề mặt công khai, thì những tình huống, công việc sửa soạn ngầm cho khả năng "nếu" Hy Lạp rút ra khỏi khu vực đồng Euro đã được bắt đầu từ lâu. Tuy thế, ông Hans-Werner Sinn, một giáo sư kinh tế của đại học München, Đức, cho rằng, sự suy sụp kinh tế thị trường của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ kéo theo hai "nạn nhân" Ý và Pháp đang đứng trên bờ vực thẳm. Theo ông, biện pháp cấp bách nhất là thị trường các nước này, để tăng mức cạnh tranh quốc tế và thúc đẩy tiêu thụ thì phải giảm mọi giá xuống từ 20% đến 30%.

Ông Sinn nhấn mạnh là các viễn ảnh đen tối đã được vẽ ra vì những người lãnh đạo sợ bị gánh trách nhiệm, vì chưa có tiền lệ và trải nghiệm, nhưng vài quốc gia đang trong khủng hoảng nên rút ra khỏi khu vực đồng Euro, ban hành lại đơn vị tiền tệ quốc gia cũ, để có thể tự độc lập điều chỉnh thị trường kinh tế. Và để giúp cho những quốc gia này vực lên được thì khối cộng đồng nên có biện pháp xóa (bớt) nợ cho họ.

Ngày thứ Bảy, 20-06-2015, báo chí Đức thông tin lời kêu gọi của người phát ngôn viên từ phía Hoa Kỳ, ông Eric Schultz, lên tiếng cảnh báo rằng Hy Lạp và các đối tác quốc tế nên cần thiết phải có những bước tiến tới một sự thỏa thuận.

Thủ tướng Đức, Angela Merkel, không mấy lạc quan, cho rằng "Cuộc họp thượng đỉnh vào ngày thứ hai 22-06-2015 sẽ trở thành một thượng đỉnh quyết định, khi có một cơ bản để quyết định."

Thị trường tài chính thế giới đang hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc họp thượng đỉnh bất thường vào thứ Hai (22-06), trong sự lo ngại sẽ có chao động cho đồng Euro, sẽ ảnh hưởng lên đồng đô la Mỹ và làm tăng giá vàng thế giới, tức là ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.

Người dân Hy Lạp đang hồi hộp theo dõi diễn biến của các cuộc đàm phán

Sự bất an của Hy Lạp đã lộ ra qua sự thay đổi nhanh chóng các chính phủ, và các cuộc biểu tình bạo động của dân chúng, nhất là khi chính phủ Tsipras phải cắt giảm thêm lương lao động và lương hưu của dân chúng để trả nợ công.

Chính phủ còn rất trẻ của ông Tsipras chỉ có thể hoạt động có hiệu lực và có sức mạnh trên chính trường thế giới nếu được đa số dân chúng Hy Lạp ủng hộ lâu dài.

Bình luận (0)

Lên đầu trang