Loạt bài dài kỳ "Nước Mỹ trước thềm bầu cử tổng thống 3-11":

​Kỳ 1: Một nước Mỹ phân cực và chia rẽ

Thứ Năm, 22/10/2020 18:15  | Anh Duy

|

(CATP) Bức tranh về một nước Mỹ siêu cường chưa bao giờ rối loạn đến vậy: Những cuộc biểu tình biến thành bạo động chống phân biệt chủng tộc lan ra toàn quốc, những đám đông cực hữu theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, giận dữ tràn xuống đường mang theo súng phản đối các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19.

Một xã hội phân cực sâu sắc về hai bên tả, hữu là những gì nước Mỹ đang chứng kiến khi ngày bầu cử tổng thống 3-11 gần kề.

Phân cực sâu sắc

Đại diện cho hai xu hướng phân cực này chính là hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Đảng Dân chủ với ứng cử viên Joe Biden chủ trương thúc đẩy các chính sách an sinh xã hội cho số đông, điển hình như chương trình chăm sóc sức khoẻ Obamacare. Đảng Dân chủ thiên về đánh thuế lên những người giàu, có thu nhập cao để lấy tiền đó chi cho các chính sách xã hội của mình.

Ở cực bên kia đại diện rõ nét là tổng thống Donald Trump, một người cực hữu. Đảng Cộng hoà ủng hộ quyền sở hữu súng, chống làn sóng di cư, xem những chương trình như Obamacare là “thảm hoạ” vì áp thuế nặng lên giới giàu có để chi cho những chương trình xã hội dân tuý.

Dịch Covid-19 ập đến bất ngờ khiến quá trình phân cực và chia rẽ này diễn ra ngày càng sâu sắc. Hàng triệu người mất việc làm, tăng trưởng kinh tế lao dốc, gánh nặng y tế đè lên những người nhiễm bệnh.

Một bên ủng hộ những chính sách xã hội dân tuý của đảng Dân chủ như chương trình Obamacare buộc các công ty bảo hiểm chi trả cho những bệnh nhân có bệnh từ trước. Bên còn lại phản đối gay gắt các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội, đòi phải mở cửa trở lại nền kinh tế để các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, xem những biện pháp như đeo khẩu trang chống dịch là “vi phạm quyền tự do cá nhân”. Những thành phần này thường ủng hộ đảng Cộng hoà.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: AP

Có thể thấy rõ sự chia rẽ này trong buổi tranh luận trực tiếp Trump – Biden (tổng thống và ứng cử viên tranh cử tổng thống) ngày 30-9 và Pence – Harris (Phó tổng thống và nữ phó tướng trong chiến dịch tranh cử của Biden).

Trong buổi tranh luận ngày 30-9, Biden đã chỉ trích cách chống dịch Covid-19 của chính quyền Trump khiến hơn 200.000 người Mỹ tử vong. "Tổng thống không có kế hoạch. Ông ấy đã không bày ra được bất cứ điều gì"- Biden nói. Trump lập tức mỉa mai: "Nếu là ông thì sẽ có nhiều người chết hơn", đồng thời cáo buộc Biden muốn đất nước đóng cửa chống dịch với cái giá phải trả của các doanh nghiệp trên khắp đất nước. "Gã này sẽ đóng cửa toàn bộ đất nước và phá hủy cả đất nước này"- Trump nói.

Tại buổi tranh luận ngày 8-10, Phó tổng thống Pence đã bị chất vấn về sự kiện Nhà Trắng giới thiệu ứng viên vào chức vụ thẩm phán ở Toà án tối cao, một sự kiện mà những người tham dự không đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách giãn cách xã hội để chống Covid-19. Pence ngay lập tức chỉ trích Harris và Biden, những người đã hứa sẽ bắt buộc đeo khẩu trang đối với dân chúng để chống dịch rằng việc khuyến khích thực hiện hành động này trên toàn quốc là không tôn trọng quyền tự do của mọi người. Bà Harris ngay lập tức vặn lại: “Bạn chỉ tôn trọng người dân Mỹ khi nói với họ sự thật”.

Khi bàn tới “cuộc chiến thuế”, quan điểm của hai bên càng khác xa. Bà Harris công kích Trump vì được cho là chỉ trả 750 USD thuế thu nhập liên bang một năm với tư cách là tổng thống. “Khi tôi lần đầu tiên nghe về nó, tôi đã nghĩ theo kiểu: Ý là 750.000 USD?” - Harris nói, đề cập đến một cuộc điều tra của tờ New York Times với cáo buộc Trump né thuế. “Nhưng không, cuối cùng ông ấy chỉ trả có 750 USD".

Khi ông Pence cho rằng: “Vào ngày đầu tiên khi nhận nhiệm sở, ông Joe Biden sẽ tăng thuế áp lên người dân”. Ngay lập tức bà Harris đáp lại bằng Biden đã cam kết sẽ “không tăng thuế đối với bất kỳ ai kiếm được ít hơn 400.000 USD một năm”.

Trưng cầu dân ý

Trong bài viết nhan đề “Một quốc gia chia rẽ trước thềm bầu cuộc bầu cử 2020” của hãng tin AP đăng ngày 4-11-2019 đã đề cập đến tình trạng này. Bài viết nhận định: Cuộc bầu cử lần này sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý về tầm nhìn của Trump (đảng Cộng hoà) đối với văn hóa và vai trò của Mỹ trên thế giới.

Hàng loạt câu hỏi bên cạnh đó cũng được đặt ra cho các đảng viên Dân chủ về hệ tư tưởng, khoảng cách thế hệ và nhân khẩu học đang xoay quanh các chính sách của họ như thế nào? Liệu một nền kinh tế tăng trưởng mạnh sẽ hỗ trợ Trump hay các dấu hiệu cảnh báo suy thoái sẽ biến thành hiện thực?.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn: Nước Mỹ sẽ rơi vào một cuộc bầu cử bị chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị trong hơn nửa thế kỷ qua, khi các thành phố chìm trong biển lửa với các cuộc biểu tình về chiến tranh và dân quyền.

Mark Updegrove, một nhà sử học tổng thống và là chủ tịch của Quỹ L.B.Johnson nhận định: “Có vẻ như chia rẽ giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ là khó hàn gắn. Cả hai đều tuân theo các phiên bản thực tế của chính họ, cho dù chúng có dựa trên sự thật hay không”.

Nước Mỹ phân cực và chia rẽ sâu sắc trong kỳ bầu cử lần này - Ảnh: BBC

Sự phân chia chính trị ở Mỹ hiện nay phản ánh sự phân chia ngày càng sâu sắc hơn về kinh tế và xã hội giữa các cộng đồng nông thôn với phần lớn là người da trắng, nơi nền kinh tế phụ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống đang bị cạn kiệt và lấn át bởi gia công phần mềm và tự động hóa, với cộng đồng sống ở các khu vực thành thị vốn đa dạng về chủng tộc, được thống trị bởi nền kinh tế dịch vụ và là nơi chứng kiến sự bùng nổ công nghệ đang làm gia tăng sự giàu có.

Những sự chia rẽ đó đã tồn tại trước trào của Trump, nhưng nhiệm kỳ tổng thống của ông đã khiến sự chia rẽ này trở nên trầm trọng hơn. Không có tổng thống nào trong lịch sử thăm dò dư luận tại Mỹ lại phải đối mặt với sự phân cực đảng phái sâu sắc và nhất quán như vậy.

Trong một cuộc thăm dò do Viện Gallup thực hiện cho thấy, trung bình 86% đảng viên Cộng hòa đã ủng hộ Trump trong suốt thời gian ông tại vị và không dưới 79% đã ủng hộ ông trong bất kỳ cuộc thăm dò cá nhân nào. Con số đó chỉ còn lại 7% đối với đảng viên Dân chủ và không quá 12% trong bất kỳ cuộc thăm dò cá nhân nào.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang