Căng thẳng Biển Đông “hâm nóng” chuyến thăm của ông Tập

Thứ Năm, 24/09/2015 08:59  | Anh Duy

|

(CAO) Cộng đồng quốc tế đang dõi theo sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ (từ ngày 22 đến 28-9) với trọng tâm là cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Obama vào ngày 25-9.

Hai nền kinh tế lớn nhất Thế giới đang hục hặc nhau về nhiều vấn đề từ an ninh mạng, gián điệp kinh tế, sở hữu trí tuệ đến sự “trỗi dậy” gần đây của Bắc Kinh trong lĩnh vực quân sự đang thách thức chính sách “xoay trục sang châu Á” của Washington.

Những mâu thuẫn đó khiến dư luận đồn đoán nội dung mà hai vị nguyên thủ này sẽ trao đổi với nhau, trong đó vấn đề căng thẳng trên Biển Đông với yêu sách vô lý của Bắc Kinh nhằm chiếm trọn vùng biển này được dự đoán sẽ là chủ đề chính mà hai bên bàn thảo.

Khi Trung Quốc “quá đà”

Trước thềm chuyến thăm đến Mỹ của ông Tập, tân Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (đồng minh của Mỹ tại châu Á- Thái Bình Dương) hôm 22-9 đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đang hành động “quá đà” gây nên căng thẳng trên Biển Đông.

Ông nhấn mạnh : “Những hành động quá đà của Bắc Kinh dẫn đến nhiều hậu quả trái ngược với mong muốn của họ”. Theo đó, Trung Quốc lâu nay luôn tuyên bố sẽ “trỗi dậy hòa bình”, nhưng những gì họ làm: từ xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa-Việt Nam đến việc phát tín hiệu cảnh báo máy bay trinh sát Mỹ ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông đều đi ngược với tuyên bố này.

Chọn cách “nhắc nhở” Trung Quốc cũng là hành động đáp trả của Úc khi hôm 16-9, tờ Financial Review đưa tin về phát biểu ngang ngược của đại tá Lý Kiệt thuộc Học viện Quân sự của Hải quân Trung Quốc.

Theo đó, ông Kiệt cho rằng Biển Đông căng thẳng là do Mỹ điều tàu tiếp dầu và máy bay ném bom đến thăm Úc. “Chúng ta phải hiểu vì sao Mỹ điều các loại khí tài này đến Úc. Rõ ràng Mỹ đang tập trung vào Biển Đông và nhắm vào Trung Quốc”.

Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên đến Mỹ vào hôm qua - Ảnh: Reuters

BBC hôm qua 23-9 nhìn nhận vấn đề Biển Đông sẽ là trọng tâm bàn thảo trong chuyến đi của ông Tập khi Washington quan ngại việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông của Bắc Kinh sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do hàng hải trong khu vực.

Biển Đông là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất trên Thế giới vận chuyển hàng hóa, dầu mỏ từ khu vực Trung Đông qua eo Malacca đến Đông Á và Bắc Mỹ.Dòng lưu thông hàng hóa này có thể bị chặn lại nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Tuy nhiên, viễn cảnh lập ADIZ không phải là kịch bản viễn tưởng mà qua lời của đại tá Lý Kiệt được tờ Financial Review (Úc) đã hiện lên rõ mồn một.

Khi vấp phải phản ứng của quốc tế về những tấm ảnh vệ tinh mà Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) chụp cho thấy Trung Quốc đang xây đường băng trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa- Việt Nam vào tuần trước, ông Lý Kiệt bực dọc: “tôi không cho rằng có bất kỳ quốc gia nào có thể chỉ trích việc Trung Quốc xây thêm đường băng. Nơi này là sân nhà của chúng tôi, nên chúng tôi có thể quyết định trồng bất kỳ loại rau hay loại hoa nào chúng tôi muốn”.

Tuyên bố này cho thấy tư tưởng bành trướng trong giới quân sự Trung Quốc: hôm nay xây đường băng thì hôm sau có thể lập căn cứ quân sự rồi lập vùng cấm bay trên Biển Đông vì từ lâu Bắc Kinh đã “nhận vơ” Biển Đông với lãnh hải của nhiều nước là “sân nhà” của mình.

Cần cứng rắn hơn

Trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập một tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã mạnh mẽ chỉ trích hành động của Bắc Kinh ồ ạt xây những công trình trên đá Vành Khăn - quần đảo Trường Sa (Việt Nam).

Bộ trưởng Carter nhấn mạnh: “Với những hành động gần đây trên Biển Đông (xây đảo nhân tạo, đường băng, hải đăng trên các bãi đá ngầm), Trung Quốc đã vi phạm các quy định và thông lệ quốc tế vốn là nền tảng của cơ cấu an ninh trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Cả khu vực đều ưu tiên cho các biện pháp ngoại giao và phản đối các hành vi bắt nạt”.

Hàng loạt ảnh vệ tinh gửi về cho thấy Trung Quốc đang ồ ạt tiến hành xây dựng trái phép các cơ sở trên đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn. Trong đó một khu phức hợp trên đá Chữ Thập rộng 61.000 m2 dự đoán sẽ được Trung Quốc mở rộng lên đến 116.000 m2 xấp xỉ diện tích khu đất xây trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hình chụp đá Vành Khăn ngày 8-9 nơi Trung Quốc đang xây dựng các công trình trái phép - Ảnh: CSIS

Dù Mỹ và cộng đồng quốc tế liên tục phản ứng, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây cơ sở trên các bãi đá của Biển Đông. Reuters hôm qua 23-9, dẫn lời chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu “chung chung” về vấn đề Biển Đông : “Các đảo nhân tạo (Trung Quốc xây trái phép) trên Biển Đông sẽ phục vụ cho tự do hàng hải” và rằng : “ Trung Quốc sẽ không phiêu lưu quân sự trên Biển Đông”.

Ông Tập cũng cam kết sẽ hợp tác với Mỹ để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Chưa biết “giải quyết những thách thức” theo lời ông Tập sẽ tiến triển theo hướng nào nhưng các đảo nhân tạo và các cơ sở mà Trung Quốc xây ở các bãi đá trên Biển Đông vẫn đang được mở rộng.

Lo ngại này được đô đốc Harry Harris- tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương hôm 18-9 nhận định : “Các đảo nhân tạo tạo ra một cơ chế giúp Trung Quốc kiểm soát biển Đông”.

Trước câu hỏi trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ về khả năng Washington sẽ tuần tra sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông, ông Harris nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông bởi các đảo nhân tạo đó không phải là đảo thật”.

Những phát biểu đó chính là thông điệp của Mỹ và những nước tôn trọng luật pháp quốc tế muốn truyền tải đến ông Tập khi ông đến Washington để nói về chính sách “trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang