Giáo hoàng Francis lần đầu tới thăm Cuba:

Người góp phần “biến những điều không thể trở thành có thể”

Thứ Bảy, 19/09/2015 22:36  | Trần Lê

|

(CAO) Sáng 19-9, Giáo hoàng đã rời sân bay Fiumicino để thăm chính thức Cuba 5 ngày, sau đó sẽ tới thăm Mỹ và dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Trước đó, ngày 18-9, Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống (TT) Mỹ Obama đã có cuộc điện đàm trực tiếp để thông báo cho nhau về mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã khôi phục thời gian qua với sự thiết lập đại sứ quán của hai nước và bổ nhiệm các đại sứ. Hai ông cũng đã đề cập chuyến thăm Cuba và Mỹ của Giáo hoàng, đánh giá cao vai trò của Giáo hoàng trong việc góp phần khôi phục mối quan hệ hai nước.

Với chuyến thăm này, Giáo hoàng Francis sẽ là vị Giáo hoàng thứ ba thăm Cuba. Trước đó, năm 1998, Giáo hoàng John Paul II đã thực hiện chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Cu Ba và gặp mặt Chủ tịch Fidel Castro. Sau đó Giáo hoàng Benedict XVI đã thăm Cuba năm 2012. Như vậy Cuba trở thành nước Tây Bán cầu duy nhất được đón tiếp cả 3 Giáo hòang còn đang tại vị.

Nhân chuyến thăm này, nhắc lại chuyến thăm đầu tiên tới Cuba của Giáo Hoàng John Paul II, trên trang blog cá nhân, Frel Betto-nhà thần học và là chuyên gia về Cuba nổi tiếng người Braxin đồng thời cũng là tác giả cuốn sách “Fidel và tôn giáo” đã viết: Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Bush từng gây sức ép lên Giáo hoàng John Paul II rằng không được thăm Cuba. Tuy nhiên Giáo hoàng John Paul II vẫn cứ tới quốc đảo này trong một chuyến thăm dài tới 5 ngày- dài hơn so với các chuyến thăm như thông lệ tới các quốc gia. Trong chuyến thăm đó, Chủ tịch Fidel đã phá bỏ quy tắc lễ tân và mỗi đêm đều tới Tòa giám mục nơi phái đoàn Giáo hoàng lưu nghỉ để trò chuyện hàng giờ với Giáo hoàng và cùng uống nước trái cây nhiệt đới- đồ uống ưa thích của Giáo hoàng.

Poster về chuyến thăm Cuba của giáo hoàng Fracis treo ở một nhà thờ ( Ảnh Reuters)

Những ngày này, dư luận quốc tế đang hết sức quan tâm chuyến thăm Cu ba của Giáo hoàng Fracis bởi xét về số lượng, tín đồ Thiên chúa giáo ở Cuba chiếm 59,2% trong khi cộng đồng thiên chúa giáo ở một số nước lớn hơn nhiều như Brazil, Mexico, Columbia, Argentina…

Thế nhưng bây giờ ai cũng biết chính Giáo hoàng Francis là người đóng vai trò trung gian quan trọng cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước Mỹ-Cuba. Trong tuyên bố lịch sử của Tổng thống Obama và Chủ Tịch Raul Castro về việc tái lập quan hệ hai nước vào ngày 17-12-2014 đều xác nhận điều đó. Có một chi tiết không phải ai cũng biết, đó là ngày 17-12-2014 chính là ngày sinh nhật lần thứ 78 của Giáo hoàng Francis và đó là món quà sinh nhật hết sức đặc biệt của Chủ tịch Cuba và Tổng Thống (TT) Mỹ muốn dành cho Ngài.

Ông Massimo Faggioli - Gs thần học Đại học St Thomas bang Minesota(Mỹ ) kể rằng sở dĩ Giáo hoàng Francis có được thành công như vậy vì Ngài từng bí mật đàm phán với các tướng lĩnh chế độ quân phiệt Achentina hồi thập niên 1970. Chính những kinh nghiệm đó đã giúp Giáo hoàng làm tốt vai trò trung gian giữa Mỹ và Cuba. Ngoài ra, vì là người thuộc khu vực Mỹ Latin (Ngài sinh trưởng ở Achentina) đầu tiên được phong Giáo hoàng nên Ngài có nhiều kênh ngoại giao với Cuba hơn các vị tiền nhiệm, đồng thời lần này do đích thân Giáo hoàng thực hiện nhiệm vụ ngọai giao thay vì giao cho các Hồng y giáo chủ như thông lệ nên tạo được sự tin cậy cho cả La Habana và Washington.

Báo giới sau này mới được biết sau cuộc gặp TT Obama tại Vatican ngày 27-3-2014, Giáo hoàng đã gửi 2 bức thư cho TT Obama và Chủ tịch Raul Castro. Hai bức thư này có nội dung như nhau trong đó kêu gọi 2 nhà lãnh đạo giải quyết các vấn đề nhân đạo vì lợi ích chung, đặc biệt là việc trả tự do các tù nhân “đặc biệt” là Alan Gross - nhân viên cơ quan phát triển quốc tế Mỹ bị Cuba bắt năm 2009 vì xâm phạm an ninh quốc gia và 3 chiến sĩ tình báo Cuba bị Mỹ bắt năm 1998 (Các tù nhân này được trả tự do vào đúng ngày hai bên tuyên bố bình thường hóa 17-12-2014).

Giáo Hoàng tiếp TT Mỹ Obama tại Vatican ngày 27-3-2014

Sau một năm đàm phán chủ yếu ở Canada, tháng 10-2014, 2 phái đoàn đại diện của chính quyền Mỹ và Cuba đã có một phiên họp đặc biệt và được giữ bí mật tuyệt đối tại Vatican với sự tham dự của Giáo hoàng Francis. Theo thông cáo báo chí của Vatican ngày 17-12-2014 thì “phiên họp này đã hầu như đã giải quyết được mọi vấn đề tế nhị của các bên”.

Ngày 10-5-2015, sau khi Đến Maxcơva (Nga) dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức, Chủ tịch Raul Castro đã tới Vatican gặp Giáo hoàng, trong buổi gặp kéo dài hơn một giờ đồng hồ, Chủ tịch Cuba cho biết ông đã cảm ơn Giáo hoàng vì những đóng góp to lớn trong việc giúp Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Chủ tịch Cuba đã trao tặng Giáo hoàng Huân chương kỷ niệm 200 năm Giáo hội La Habana. Giáo hoàng cũng trao tặng Chủ tịch Cuba Huân chương Thánh Martino.

Chủ tịch Cuba Raul Castro và Giáo hoàng Francis trong chuyến thăm Vatican ngày 10-5-2015

Để thể hiện thiện chí trước chuyến thăm lịch sử của Giáo hoàng, ngày 11-9-2015, nhật báo Granma của Đảng CS Cuba cho biết : “Nhân chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Francis, Hội đồng Nhà nước Cuba đã đồng ý ân xá 3522 tù nhân dựa trên các tiêu chí về tội danh, kết quả chấp hành, thời gian thụ án và sức khỏe liên quan”.

Quan hệ Cuba-Mỹ thời gian gần đây diễn ra dồn dập các sự kiện cho thấy việc bình thường hóa quan hệ hai nước đã có những bước phát triển khá nhanh. Sau khi mở lại đại sứ quán tại thủ đô hai nước vào tháng 7 và đầu tháng 8-2015, hai nước đã thành lập Ủy ban song phương để giải quyết những tồn tại trong quan hệ hai nước.Ủy ban này đã họp phiên đầu tiên tại La Habana ngày 11-9.

Nhà trắng cũng thông báo một số biện pháp tiếp tục nới lỏng các hạn chế du lịch và kinh doanh với Cuba, dỡ bỏ trừng phạt nhiều tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế và tài chính với Cuba. Còn Bộ Nông nghiệp Mỹ muốn tăng gấp 3 lần lượng lương thực xuất khẩu sang Cuba khiến các tập đoàn nông nghiệp Mỹ hiện đang đi đầu trong giới doanh nghiệp vận động Quốc hội nới lỏng tiến tới xóa bỏ chính sách bao vây cấm vận đã lỗi thời và phi lý chống Cuba.

Dư luận Mỹ cũng đang có xu hướng ủng hộ TT Obama. Kết quả thăm dò dư luận do Trung Tâm nghiên cứu Pew tiến hành hồi đầu năm nay cho thấy 63% người Mỹ ủng hộ quyết định tái lập quan hệ với Cuba, riêng những người theo Đảng Dân chủ tỉ lệ ủng hộ lên tới 74%. Hội đồng giám mục Mỹ cùng với Hội đồng giám mục châu Mỹ Latin và Hội đồng Vatican cũng chủ trương tán thành bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba.

Dù biết rằng một mối quan hệ bị băng giá hơn nửa thế kỷ không dễ gì xóa được nhanh chóng các bất đồng mà điểm mấu chốt là chính sách cấm vận của Mỹ với Cuba nhưng với những gì đã và đang diễn ra, dư luận quốc tế đều bày tỏ hy vọng chuyến thăm của Giáo hoàng sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình bình thường hóa Cuba - Mỹ vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Theo kế hoạch dự kiến, Chủ tịch Cuba Raul Castro sẽ ra sân bay La Habana đón Giáo hoàng. Sáng Chủ Nhật, ngày 20-09, Ngài sẽ cử hành Thánh lễ tại quảng trường Cách mạng tại thủ đô La Habana. Tiếp đó, Giáo hoàng Francis sẽ có cuộc gặp Nguyên Chủ tịch Cuba Phidel Castro, thăm các tỉnh Holguin và Santiago. Sau Cuba, ngày 22-9, Giáo hoàng sẽ thăm Mỹ. TT Obama sẽ chào đón Giáo hoàng tại căn cứ không quân Andrew. Ngày 25-9 lá cờ của Tòa thánh Vatican sẽ tung bay tại trụ sở Liên hiệp Quốc khi Giáo hoàng tới đây và phát biểu tại phiên họp đại hội đồng LHQ. Trong phiên họp này, Chủ tịch Raul Castro và TT MỸ Obama sẽ phát biểu cùng vào ngày 28-9

Bình luận (0)

Lên đầu trang