Dịch sởi bùng phát 'báo động' ở châu Âu

Thứ Sáu, 08/02/2019 00:36

|

(CAO) Theo BBC ngày 7-2 đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vừa công bố số trường hợp bệnh sởi ở châu Âu đã tăng gấp ba lần, chỉ trong giai đoạn từ 2017 đến 2018, vào khoảng 82.596 (con số cao nhất được ghi nhận trong thập kỷ này).

Đây là con số đáng ngạc nhiên, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vốn đang được cải thiện. Trong đó, Ukraine đã báo cáo số ca mắc sởi đứng đầu trong danh sách, đứng thứ hai là Serbia. Thoạt đầu bệnh sởi nghe có vẻ không mấy nguy hiểm nhưng đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm nhiễm trùng phổi và não, dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Các quốc gia châu Âu có số ca mắc sởi cao nhất từ ​​tháng 1 đến tháng 12 năm 2018 là:

Ukraine     (53.218)

Serbia       (5.076)

Ixraen       (2.919)

Pháp        (2.913)

Ý              (2.517)

Nga          (2.256)

Georgia    (2.203)

Hy Lạp     (2.193)

Albania    (1.466)

Rumani    (1.087)

Có 72 trường hợp tử vong vì bệnh sởi ở châu Âu năm 2018, so với 42 người trong năm 2017. Ở Anh, năm ngoái có 953 ca mắc sởi. Trong khi đó, Ukraine có tỷ lệ mắc sởi cao nhất ở châu Âu, ở mức 1.209 trên một triệu dân - gấp 10 lần tỷ lệ của đất nước này trong năm 2017. Và điều này lý giải được sự gia tăng mạnh trong tổng số trường hợp nhiễm sởi ở châu Âu, từ 25.863 trong năm 2017 lên hơn 82.000 trong năm 2018.

Bệnh sởi thực chất rất nguy hiểm

Tỷ lệ tiêm phòng sởi, quai bị và rubella ở Ukraine đã giảm mạnh trong cuộc xung đột với Nga, đạt 31% vào năm 2016 - thuộc hàng thấp nhất thế giới. Vào cuối năm 2017, tỷ lệ trẻ em ở Ukraine đã được tiêm phòng đã được cải thiện đáng kể, lên khoảng 90%, nhưng WHO cho biết, điều này hiện cần được duy trì để bảo vệ dân số khỏi sự bùng phát của bệnh sởi.

Tiến sĩ Zsuzsanna Jakab, giám đốc khu vực châu Âu của WHO cho biết: "Năm 2018 cho thấy rõ rằng tốc độ tiến bộ hiện nay trong việc tăng tỷ lệ tiêm chủng sẽ không đủ để ngăn chặn việc lây nhiễm bệnh sởi. Bằng chứng năm nay chúng ta đã thấy số ca bệnh tăng kỷ lục. Rõ ràng, việc kiểm soát thiếu chặt chẽ ở địa phương phần nào là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh sởi bùng phát nhanh chóng và khó kiểm soát".

Giới chức Philippines, đặc biệt là thủ đô Manila hiện đang "đau đầu" vì số ca mắc bệnh sởi tăng cao

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng sởi hiện đạt mức trên 90% ở nhiều nước châu Âu. Mới đây, dịch sởi cũng khiến giới chức Philippines, đặc biệt là thủ đô Manila hiện đang "đau đầu", khi tính đến ngày 26-1, đã có 1.813 trường hợp mắc sởi và 26 trường hợp tử vong. Như vậy, số người nhiễm sởi ở quốc gia này đã đạt mức tăng 74% so với năm 2018.

Bình luận (0)

Lên đầu trang