Đối thoại Shangri-La

Mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc lộ rõ

Chủ Nhật, 31/05/2015 23:19  | Anh Duy

|

(CAO) Trước lập trường của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng như cộng đồng quốc tế “ yêu cầu Trung Quốc dừng ngay việc bồi lấp, cải tạo đất ở biển Đông”, hôm nay 31-5 đoàn quan chức Trung Quốc tham dự đối thoại Shangri-La đã phản pháo lại kêu gọi chính đáng này.

Hôm nay 31-5, Hội nghị An ninh thượng đỉnh châu Á (còn gọi là đối thoại Shangri-La) đã bế mạc tại Singapore trong khi tình hình căng thẳng vì tranh chấp giữa các bên trên biển Đông vẫn chưa ngã ngũ.

Tại Shangri-la ngay trong hôm khai mạc 29-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter không giấu lo ngại “Trung Quốc đã cải tạo, bồi lấp trên 2.000 mẫu Anh ( khoảng 800 hecta) tại các khu vực tranh chấp trên biển Đông- nhiều hơn tất cả các bên có tranh chấp cộng lại…và Trung Quốc làm điều đó chỉ trong 18 tháng qua. Không rõ Trung Quốc sẽ còn tiến xa đến cỡ nào nữa”.

Tốc độ bồi lấp kinh hoàng các bãi đá ngầm của Trung Quốc tỉ lệ thuận với mưu đồ “biến không thành có”, từ đá ngầm thành đảo nhân tạo để xây dựng căn cứ quân sự giữa biển Đông- vùng biển chiến lược có các tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới đi qua.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thể hiện ngay ở phái đoàn Trung Quốc dự Shangri-la.

Phản pháo cáo buộc bồi lấp đảo nhân tạo ở biển Đông của Bộ trưởng Carter, Reuters dẫn lời đại tá Triệu Hiểu Trác - thuộc học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc có mặt tại Shangri-La một mực khẳng định “ tự do hàng hải tại biển Đông không hề là vấn đề (cần bàn thảo ở đây) vì tự do hàng hải trên vùng biển này trước giờ chưa từng bị ảnh hưởng”. 

Hình ảnh Trung Quốc bom cát bồi lấp đá Chữ Thập thuộc quẩn đảo Trường Sa- Việt Nam. Ảnh:InterAksyon

Qua Reuters, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc ngày 31-5 lại úp mở “ Trung Quốc sẽ quyết định thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng tranh chấp ở biển Đông dựa trên đánh giá về tình hình an ninh cụ thể”.

Điều này có nghĩa khi Bắc Kinh thấy “tình hình an ninh bất ổn” theo đánh giá của họ, Trung Quốc tự cho mình quyền khi đó sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không.

Khi ADIZ được thiết lập, máy bay khi bay qua ADIZ phải khai báo với chính quyền Bắc Kinh. Với yêu sách đường “lưỡi bò” chín đoạn chiếm 90% diện tích trên biển Đông, không thể còn tự do hàng hải nữa.

Đáp lại kêu gọi của cộng đồng quốc tế, AFP hôm qua 31-5 dẫn lời Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc khẳng định việc bồi lấp, cải tạo các đảo trên biển Đông là “ hợp lý và hợp pháp”.

Các chốt kiểm soát tàu thuyền qua lại giữa biển Đông của Trung Quốc là viễn cảnh tồi tệ mà không nước nào dám nghĩ đến.

Reuters dẫn lời ông Carter từ hôm 29-5 đã đề cập đến viễn cảnh này: “ Mỹ hết sức lo ngại việc Bắc Kinh tăng tốc cải tạo, bồi lấp đất trên các vùng tranh chấp ở biển Đông và viễn cảnh nước này quân sự hóa những hòn đảo bồi lấp. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ của việc tính toán sai hoặc xung đột trong khu vực”.

Shangri-la là diễn đàn cất lên tiếng nói. Nhưng khi chủ thể tham gia như Trung Quốc đã cố tình nuôi mưu đồ bành trướng và phớt lờ phản đối của quốc tế thì dù có diễn ra hàng chục cuộc đối thoại như Shangri-la thì tình hình vẫn không thay đổi.

Năm 2014, khi Trung Quốc dựng dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - tại Shangri-la lần thứ 13 cũng diễn ra phản đối quyết liệt. Một năm sau tại Singapore năm 2015, những động thái từ bồi lấp bãi đá thành đảo nhân tạo, xây hải đăng trên các bãi đá của Việt Nam của Trung Quốc thậm chí tính chất còn nguy hiểm và nghiêm trọng hơn vụ dàn khoan 981.

Mưu đồ chiếm trọn biển Đông của Trung Quốc nay đã lộ rõ. Cho nên dù họ có rêu rao cho sách lược của mình là “trỗi dậy hòa bình” thì giờ cũng khó có ai tin .

Bình luận (0)

Lên đầu trang