Mỹ - Canada nối lại đàm phán NAFTA: Toan tính mới của Trump

Thứ Sáu, 31/08/2018 14:57  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 31-8, AFP đưa tin trước thời hạn cuối cùng gần đến, phái đoàn Mỹ và Canada tiếp tục các phiên đàm phán đến giữa đêm 30-8 về Thoả thuận Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên hai bên vẫn chưa đạt được tiến triển mới.

Ngoại trưởng Canada - Chrystia Freeland đã chủ trì 4 tiếng thảo luận với đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhằm cố “bắt cầu” vượt qua những bất đồng để đạt được thoả thuận trong các vòng đàm phán lại NAFTA.

Trước đó Mỹ đã “đánh tiếng” rằng họ đã đạt được đồng thuận sơ bộ với Mexico và có thể loại Canada khỏi NAFTA, đồng nghĩa với việc đóng cửa thị trường Mỹ đối với hàng hoá Canada bằng những sắc thuế ưu đãi mà trước đây Ottawa được hưởng thông qua cơ chế NAFTA.

Cả Trump và thủ tướng Canada - Justin Trudeau tuy vậy đều nhấn mạnh sự lạc quan về việc thoả thuận mới cuối cùng cũng sẽ đạt được.

Nói với đám đông tại Evansville, bang Indiana vào tối 30-8 (giờ Mỹ), Trump nhấn mạnh: “Tôi nghĩ đàm phán sẽ tiếp tục tiếp diễn và chúng tôi thực sự đã phát triển một mối quan hệ thực sự tốt đẹp. Tuy nhiên chúng tôi muốn được đối xử một cách công bằng. Họ (Canada) đã không đối xử với chúng tôi một cách công bằng”.

Ngoại trưởng Canada - Chrystia Freeland đang đàm phán NAFTA với Mỹ - Ảnh: AFP

Việc tái đàm phán lại NAFTA với Canada bắt đầu vào hôm 30-8, sau khi giới chức Mexico trải qua 5 tuần đàm phán lại với chính quyền Mỹ về những vấn đề chủ chốt như thương mại ô tô và quyền lợi của người lao động.

Chính quyền Canada cho biết họ không nhượng bộ khi duy trì hạn ngạch và giá sản xuất sữa, đồng thời đánh thuế nhập khẩu cao đối với mặt hàng này.

Ottawa đặt ra hạn ngạch và giá sản xuất sữa, với mức thuế nhập khẩu cao.

Ngành công nghiệp ô tô cũng là một mắc míu chính khi Mỹ đòi 2 nước còn lại duy trì việc nhập khẩu một lượng ô tô được sản xuất từ những nhà máy có mức lương nhân công cao, có cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động khắt khe đồng thời xem xét lại các điều khoản của NAFTA cứ 6 năm một lần.

Điều này tạo lợi thế cho hàng hoá Mỹ xâm nhập vào thị trường 2 nước láng giềng trong bối cảnh giá thành sản phẩm ở Mỹ luôn cao hơn các nước khác do lương công nhân trả cao hơn. Trump xem ra đang tích cực thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết" dẫu cho phải mang tiếng là bảo hộ thương mại, cản trở xu thế toàn cầu hoá.

Bình luận (0)

Lên đầu trang