Kỳ 2:

Trận Trân Châu Cảng: Bài học "biết địch biết ta" còn nguyên giá trị

Thứ Ba, 06/12/2016 16:49  | Anh Duy - Thái Dương

|

(CAO) Trận Trân Châu Cảng mãi mãi đi vào lịch sử quân sự Mỹ khi chỉ vì một phút lơ là, thiếu cảnh giác Washington đã phải trả giá đắt. Bài học “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” từ cuộc tấn công này đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong cuốn sách Countdown to Pearl Harbor: The Twelve Days to the Attack (Đếm ngược đến trận Trân Châu Cảng: 12 ngày cho đến cuộc tấn công) của Steve Twomey, tác giả đã đưa ra những nhận định sâu sắc: Việc Mỹ bị tấn công bất ngờ vào ngày 7-12-1941 vẫn còn là bài học đắt giá về những cảnh báo mơ hồ, bộ máy vận hành quan liêu đã phải trả giá bằng những cuộc tấn công táo bạo của quân đội Nhật mà đến 75 năm sau vẫn là ví dụ điển hình cho sự thất bại của trí tưởng tượng, tiên lượng.

Lúc đó, giới quân sự Mỹ không tưởng tượng được Tokyo sẽ tấn công Trân Châu Cảng ở Hawaii, nơi nằm giữa Thái Bình Dương, cách khá xa đất liền tính từ bờ châu Á.

Khi bộ sậu Hải quân Mỹ từ Washington gửi “cảnh báo chiến tranh” đến các lực lượng hải quân đóng ở Trân Châu Cảng, 10 ngày trước khi những chiếc máy bay Nhật xuất hiện ở Oahu, đó chỉ là một chỉ thị ngắn gọn cho đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương đóng tại Hawaii “triển khai hoạt động phòng thủ thích hợp” – một chỉ thị quá ư mơ hồ.

Khi đó, đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Husband Kimmel tập trung các nỗ lực của ông để đối phó với các động thái quân sự của Nhật ở những nơi khác ở Thái Bình Dương. Ông đã lờ đi việc diễn giải chỉ thị này cho Hawaii. Khi đó, chính quyền Washington và các quan chức quân sự Mỹ tiên lượng theo hướng Tokyo sẽ tấn công một vùng lãnh thổ chịu sự quản lý của Mỹ hay Anh ở đâu đó tại vùng biển tây nam Thái Bình Dương chứ không phải tại Hawaii, quần đảo cách đất liền Nhật hàng ngàn dặm về phía đông. Hawaii khi đó đã bị bỏ lơ phòng thủ.

Bìa cuốn sách Đếm ngược đến trận Trân Châu Cảng: 12 ngày cho đến cuộc tấn công của Twomey - Ảnh: Amazon
Bài viết giới thiệu cuốn sách trên New York Times

Hệ thống dự báo của quân đội Mỹ đã mắc sai lầm. Cuộc tấn công bất ngờ xảy ra vào sáng chủ nhật 7-12-1941. Không một radar tân tiến hay máy bay trinh sát nào phát hiện được trước cuộc tấn công. Cũng không có bất kỳ hàng rào và lưới nào được bố trí bao quanh các chiến hạm để phòng ngừa các quả ngư lôi của Nhật thả xuống tấn công. Mỹ hoàn toàn bất ngờ và bị động trong trận Trân Châu Cảng.

Điều chính yếu chính là giới chức Washington không tưởng tượng được cuộc tấn công vào Hawaii trong khi Nhật không để quyết tâm tấn công bị bó hẹp trong nỗi sợ về khả năng không đánh thắng Mỹ: “Nhật đã không bị hạn chế trong nỗi lo rằng họ sẽ không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến lâu dài chống lại một cường quốc công nghiệp lớn. Nhật cũng không để cho sự tự ti về thành kiến một chủng tộc (Á Đông) không thể xuất kích máy bay từ tàu sân bay để mở đầu cho một sự tấn công trừng phạt”. Nhật khi đó đã bỏ qua tất cả các yếu tố tâm lý, với quyết tâm họ đã “chơi tới cùng” trước quân đội Mỹ đang bị động và lơ là trong đối phó.

Nhật khiến Mỹ phải choáng váng vì sự quyết liệt hành động. Trong trận Trân Châu Cảng, Nhật xuất kích 353 máy bay chiến đấu, đa số trong đó cất cánh từ các tàu sân bay, chỉ 38 năm sau khi máy bay được phát minh. 2400 người Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này.

Đô đốc Husband Kimmel – Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương - Ảnh tư liệu: http://alchetron.com/Husband-E-Kimmel-1257678-W

Để trận Trân Châu Cảng xảy ra, chính quyền và quân đội Mỹ đã mắc lỗi lớn khi không dự báo được tình hình, không giải mã được các thông tin liên lạc được mã hóa của Nhật trước thời khắc tấn công cũng như thất bại ở kênh ngoại giao khi để cho 11 giờ đàm phán ngoại giao giữa Tokyo và Washington đổ vỡ.

Đô đốc Husband Kimmel khi đó đã nhận thức được “một hoạt động gì đó với quy mô lớn (mang tính chất bất thường) đang được tiến hành” nhưng ông không đưa ra được quyết sách quyết liệt.

Ký ức trận Trân Châu Cảng mãi mãi không phai nhòa trong tâm khảm người dân Mỹ - Ảnh tư liệu 

Người Nhật đã thay đổi những tín hiệu vô tuyến trong các cuộc gọi của họ vào thời điểm bất thường, tàu của họ đã di chuyển trong khi tình báo quân đội Mỹ đã mất dấu 4 tàu sân bay của Tokyo. Đến ngày thứ bảy 6-12, một ngày trước cuộc tấn công đã có đủ dữ liệu để cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra. Đáng lẽ Hawaii khi đó đã phải bước vào giai đoạn phòng thủ, sơ tán các lực lượng - Jonathan Martin - phóng viên nội chính tờ New York Times viết giới thiệu về cuốn sách của Twomey ngày 18-11 trong bài viết "Nhân kỷ niệm 75 năm Trận Trân Châu Cảng, một lần nhìn lại". 

Trận Trân Châu Cảng là một bài học về sự mất cảnh giác và chủ quan khinh địch trong hoạt động quân sự. Người Nhật đã chuẩn bị cho trận đánh trong nhiều năm về mọi mặt, kết quả là sự thành công cho một trận đánh có ý nghĩa chiến lược lớn trong gần ba giờ đồng hồ.

Bài viết kết thúc bằng kết luận của Martin rằng khả năng Nhật tấn công Hawaii hoàn toàn không được giới quân sự suy nghĩ tới: “Sau tất cả, vào ngày 27-11, vài ngày trước khi xảy ra vụ tấn công, đô đốc Husband Kimmel – Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương khi được hỏi về kế hoạch chiến tranh khi bất kỳ động thái gây chiến nào của người Nhật trở nên rõ ràng đã trả lời: “Không! Hoàn toàn không”.

Kết quả, trận Trân Châu Cảng là câu trả lời cho tất cả. Vì lơ là phòng thủ, không hình dung được khả năng tấn công của địch đã khiến người Mỹ phải trả giá đắt mà bài học 75 năm sau vẫn còn nguyên giá trị.

Trận Trân Châu Cảng: 75 năm vẹn nguyên ký ức
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang